Paris khi người ta yêu

Đến Paris để tìm kiếm tình yêu, để chạy trốn một ai đó hay để thực hiện một cái hẹn năm cũ. Bất kì lí do nào cũng không quan trọng, ở Paris, tình yêu chưa bao giờ là điều xa xỉ của những trái tim dám đón nhận một tình yêu đích thực.

Mỗi góc phố một chuyện tình

Ở Paris, không phải cặp đôi nào cũng kéo nhau đến trước Tòa thị chính để một lần sống lại nụ hôn nước Pháp của nhiếp ảnh gia Robert Doisneau (1950). Vậy thì những đôi tình nhân parisien hôn nhau ở đâu? Trên tầng ba tháp Eiffel với góc nhìn toàn vẹn xuống thủ đô ánh sáng bảng lảng sương bay, trên bậc tam cấp trước Opéra giữa tiếng nhạc Hip hop của những nghệ sĩ đường phố, hay trong tầm ngắm giữa đủ loại súng ống máy ảnh của khách du lịch trên toàn thế giới, nơi căn phòng trưng bày nụ cười của nàng Mona Lisa, bảo tàng Louvre? Câu hỏi ngỏ này đôi khi quá khó để trả lời. Hạnh, bạn tôi, trước khi sang Pháp du học đã từng quyết tâm mua được quyển sách « Òu on s’embrasse à Paris » để lên dây cót cho kinh nghiệm yêu đương. Vậy mà giờ đây, chẳng cần tới quyển sách bí kíp tình trường đó, bạn tôi đã « tóm » được một anh chồng người Pháp. Vậy thì đâu có quá khó để trả lời câu hỏi trên : ở Paris, hôn nhau ở đâu mà chẳng được. Nói cách khác là người Paris hôn nhau ở bất kì nơi nào có dính líu đến chuyện tình yêu.


Nụ hôn nước Pháp

Cũng như tất cả những đôi tình nhân ngoài kia, những kẻ yêu nhau ở Paris thích hôn nhau lắm. Dường như, mỗi góc phố của thủ đô hoa lệ là chứng nhân cho một chuyện tình nào đó. Chồng dừng xe tiễn vợ vào công sở, hôn tạm biệt. Người yêu tặng bánh macaron, hôn cảm ơn. Xếp hàng ở quầy tính tiền trong Galerie Lafayettes, hôn kiên nhẫn. Xem xong một bộ phim hay ở République, hôn hạnh phúc. Người yêu lạnh run trong buổi đi dạo đêm trên phố Rivoli, hôn sưởi ấm… Riêng với tôi, địa điểm ưa thích để đi ngắm những nụ hôn Paris là một chốn chẳng lãng mạn cho lắm, trong métro. Nếu bạn đang hình dung tới sự sạch sẽ tươm tất cả MRT bên Singapore thì dạ thưa, đây là chốn hoàn toàn ngược lại. Métro Paris như một chàng hoàng tử khoác lớp da cóc ghẻ xù xì với cảnh chật nêm người giờ cao điểm, người hành khất với những cách xin tiền 1-0-2 hay cảnh dân vô gia cư lăn lóc ngủ trên ke mỗi buổi tối quá 23h chẳng hạn. Tuy nhiên, ai mà chẳng biết, để tìm thấy hoàng tử đôi khi bạn phải hôn rất nhiều con ếch và trong mắt tôi, con ếch xấu xí métro Paris chính là nơi thăng hoa những tình yêu chân thật giữa tiếng động cơ ì ầm của mấy toa tàu và cảnh nheo nhóc của người bình dân. Ở bến Le Marais, tôi có lần nhìn thấy hai cô gái đồng tính say sưa hôn nhau trong nước mắt trước khi một trong hai bắt ligne số 1 đến Gare de Lyon đi về một nơi nào xa lắm. Hay, trên chuyến tàu buổi sáng sớm, một chàng trai đã vẽ trái tim ngoài lớp cửa kính tặng cô người yêu ngồi cạnh tôi trong RER, chúc em yêu một ngày vui vẻ giữa Paris khói bụi và luôn nhớ rằng, ở bến tàu nơi ngoại thành này có người đợi em trở về tối nay đó nhé!

Một dại khờ, một nụ hôn

Phải rồi, bất kì chàng trai nào cũng không khỏi âu lo khi để bạn gái mình lang thang phố xá Paris một mình, bởi Paris quá đẹp và luôn sẵn sàng chăn dắt người ta vào những phiêu lưu tình ái mới. Năm đầu tiên tới Paris, tôi đã có lần tim đập loạn nhịp vì một chàng tài xế xe bus hai toa ở gần Nhà thờ Đức Bà, anh chàng đã nháy mắt nhường tôi qua đường dù đèn giao thông lúc đó đang chỉ đèn xanh cho xe bus. Lần đầu tiên đó, tôi phát hiện là  ở Pháp có rất nhiều luật lệ nhưng chẳng có luật lệ nào hết. Trong bất kì album ảnh về Paris của những cô bạn tôi, luôn có ít nhất một tấm ảnh chụp chàng parisien nào đó: có tấm lén lút chụp anh chàng đang đứng chờ người yêu ở quảng trường Concorde, nhưng cũng có khi nghịch ngợm hỏi thẳng anh chàng chạy bàn vui vẻ nơi quán nước ven sông Seine « cho em chụp chung với anh một tấm nhé ». Và những anh chàng Paris phong lưu kia thì có bao giờ biết nói câu chối từ!

Nếu Paris không phải là nơi khởi đầu những chuyện tình mang tính bất ngờ và tình cờ thì Joe Dassin đã chẳng viết bài Aux Champs Élysées với lời hát « Hôm qua có hai kẻ xa lạ và sáng nay trên đại lộ đã có đôi tình nhân dại dột…» Đúng là dại dội thật. Nếu Champs Élysées là niềm tự hào của người Paris bởi con đường thẳng tắp, cắt ngang những công trình quan trọng của thủ đô : bảo tàng Louvre, vườn Tuileries, bảo tàng Concorde nối với khu La Défense của những tòa nhà trọc trời – thì tôi vẫn không thể quên sự « dại dột » mà quán cà phê Unisex đã đầu tư cho cái toilettes của mình, nơi hai bồn cầu được đặt trong cùng một phòng vệ sinh duy nhất. Chỉ có thể là Champs Élysees của những kẻ nhân tình dại dột đến, dại dột gọi một ly Coca có giá bằng cả chiếc áo cửa hàng Zara cách đó mấy căn, để rồi dại dột cùng chia nhau một cái toilettes « tập thể » có một không hai!


Aux Champs Élysées

         Đã ghé qua Champs Élysées của những kẻ lãng tử dại dột, không thể không băng ngang quảng trường Concorde, dừng chân bên hiên bảo tàng Orangerie ngắm bức tượng « Le Baiser » của Rodin, để suy ngẫm về chuyện tình yêu nổi tiếng với kết cục buồn của ông và cô học trò Camille Claudel. Vì yêu người thầy điêu khắc của mình, Camille đã từ chối cuộc sống bình thường như bao người phụ nữ khác để đi cạnh Rodin trong 15 năm trời, góp tài năng của mình vào sự thành công trong nhiều tác phẩm của ông. Rời xa người thầy của mình, cô mất luôn khả năng nhìn nhận cuộc sống bằng tâm trí của một người bình thường, Camille đã phải vào nhà thương điên sống cuộc đời còn lại của mình khi mới ở tuổi 49. Nhắc đến vật chứng của một tình yêu không có hậu để biết được sự sắc sắc không không của tình trường, biết trân trọng hơn những gì mình đang có. Ở bên kia khu vườn Tuileries nơi đặt bảo tàng Orangerie, tôi cũng từng chia sẻ khoảnh khắc ngắm hoàng hôn màu vàng rực trong sân bảo tàng Louvre với người yêu của mình. Giữa tiếng trẻ con đùa giỡn con quay phát sáng của mình và tiếng kèn người nghệ sĩ đường phố chơi trong hành lang bảo tàng, tụi tôi đã lặng người trước ánh chiều nơi góc trời Paris tháng tám.

Le baiser (Rodin)

Paris tình yêu trong tôi là…

Nhắc tới Paris của những kẻ yêu nhau, tôi chợt nhớ tới buổi chiều mùa Đông năm ngoái khi tôi và người yêu chạy tới chạy lui trong tầng hầm Gare de Lyon để tìm đường lên sảnh chính của nhà ga, nơi chuyến tàu Paris-Besancon Viotte của tụi tôi sẽ rời bánh trong một vài phút sau đó. Tất nhiên là tụi tôi đã bị trễ tàu và phải mua vé mới, và đương nhiên là tôi phát cáu với anh chàng của mình, dù đó không hẳn là lỗi ở anh. Tôi còn nhớ, một trong những câu mình đã nhặng xị với anh là « Nếu em quen một anh chàng Pháp, thì em đã không bị lạc trong tầng hầm nhà ga và trễ tàu rồi ». Nhưng, nếu như tôi yêu một chàng trai Pháp thì sẽ không thể có được những kí ức tình yêu đặc biệt ở Paris với anh chàng Việt Nam của mình.

Tình yêu của tụi tôi khởi đầu từ bộ xếp hình Nhà thờ Đức Bà Paris với góc nhìn từ sông Seine và cây cầu  l’Archevêché, nơi chứng nhân cho những người nguyện đóng khóa trái tim và sẻ chia cuộc đời còn lại với người được khắc tên cạnh mình. Ngày đưa anh bộ xếp hình 1000 miếng đó, tôi đã nghĩ rằng anh chắc chắn sẽ vượt qua thử thách này và tôi sẽ không có lí do gì từ chối tình cảm của chàng trai bước vào lớp song ngữ 15 năm trước. Anh đã cho tôi biết, có thứ tình cảm gọi là tình yêu nối liền khoảng cách hơn 10.000km, Anh đã làm tôi tin rằng nếu một nửa trái tim lên máy bay đi xa thì cuộc tình đó sẽ không phải chấm hết, cũng chẳng phải mòn mỏi ngồi chờ. Anh đã theo tôi sang Pháp và cùng nhau chia sẻ góc nhìn xuống cửa sổ hoa hồng Nhà thờ Đức Bà Paris. Có người nói, nếu cùng nhau nhìn ngắm 16 mũi kim cương tạo nên ánh sáng thiêng liêng trong Nhà thờ Đức Bà Paris, bạn sẽ có được tình yêu vĩnh cửu với người đó. Tôi chỉ không biết phải hiểu thế nào cho nghĩa vĩnh cửu của tình yêu, chẳng lẽ phải chờ đến cái chết như trong tác phẩm của Victor Hugo, thằng gù Quasimodo và nàng Digan « tự do như khí trời » phải chết mới được yêu nhau sao? Tôi cũng nhớ những buổi chiều đi làm về ở khu vực ven sông Seine, bao giờ đi ngang ngang qua Flame of Liberty – ngay trên địa điểm mà công nương Diana đã gặp nạn – lúc đó tôi thường man mác buồn cho một trái tim trốn chạy. Nếu cả đời bà hoàng nước Anh đã phải trốn chạy những điều tiếng về tình cảm của mình, thì đến khi chết, bà cũng không được thong thả đón nhận nó…

Ấn tượng tình yêu ở Paris không mãi chỉ có những nụ hôn ngọt ngào bất tận, tôi cũng chưa từng trải qua cảm giác hôn người yêu mình trên đỉnh tháp Eiffel mà là buổi ăn trưa với anh ở khu vườn Trocadéro, nơi có thể cho cả tháp Eiffel vào lòng bàn tay với góc nhìn bao quát nhất. Ở đó, anh đã hỏi tôi một câu hỏi quá khó để trả lời, rằng không biết 10 năm nữa có còn được ngồi cạnh nhau ăn trưa như vậy ở trước tháp Eiffel không ?

TRANG AMI 

[Mỹ Thuật magazine,  December 2011 issue]

4 Comments Add yours

  1. Riz nói:

    Ami viết ngày càng nồng nàn rồi đấy :”>

    Thích

    1. Trang Ami nói:

      Cám ơn Riz, Paris luôn xứng đáng được viết bằng cả trái tim bên ngực trái :X.

      Joyeux Noel Riz nhé!!!

      Thích

  2. Nhã Trần nói:

    chị ơi xin lỗi cho em hỏi,chị có bản “Đi đâu loanh quanh cho đời lộn xộn” bằng tiếng Pháp toàn bộ không ạ? Em thấy đoạn đầu chị viết song ngữ Pháp Việt,nhưng đoạn sau lại chỉ viết thuần việt. Merci chị nhiều

    Thích

    1. Trang Ami nói:

      Chào em, “Đi đâu loanh quanh cho đời lộn xộn” không có bản tiếng Pháp em nhé. Lí do chị sử dụng bản song ngữ trong phần đầu vì đó là bài thuyết trình chị đã thực hiện cho môn “Diễn đạt” hồi năm đầu du học – cũng là căn cơ của sự ra đời quyển tự truyện này. Cám ơn em đã quan tâm,

      Thích

Bình luận về bài viết này