Con đường ngọc trai ở Zurich

Nếu ngọc trai là trân châu duy nhất được tạo ra từ sinh vật sống, mang ý nghĩa thịnh vượng và hạnh phúc, thì trên thế giới cũng chỉ có một Bahnhofstrasse được mệnh danh « con đường ngọc trai » ở Zürich, Thụy Sĩ.

Chuỗi cườm phố thị

Zürich được xem là thành phố Thụy Sĩ nhất Thụy Sĩ trong mắt người xứ khác không đơn thuần vì đó là trung tâm kinh tế – tài chính – khoa học của quốc gia này, mà còn vì nơi đây sở hữu « chuỗi cườm » Bahnhofstrasse. Nếu « mọi con đường đều dẫn đến Roma » ở thủ đô nước Ý, thì những du khách đến Zürich đều đổ về Bahnhofstrasse để được sống trong không khí xa hoa của loạt cửa hàng thời trang, phụ kiện cao cấp. Đôi khi, chẳng hề cố ý mà con đường cứ viện những lí lẽ của riêng để dẫn chân người ta tới: kẻ ra bến thuyền, người veston tất bật đến công sở ở quảng trường ngân hàng Paradeplatz, đến « vô công rồi nghề » như tôi ở thành phố lạ cũng chẳng ngày nào quên ghé thăm con đường nhà ga (trong tiếng Đức). Đi đâu loanh quanh một hồi, bạn cũng sẽ bị dẫn ra đây bởi mê hồn trận những hang hẻm dọc ngang thông với con sông thành phố.

Photo by Henrique Ferreira on Unsplash (2)

Cũng như Genève hay Lausannce, thành phố này sở hữu góc nhìn tuyệt đẹp xuống đỉnh Alpes phủ tuyết trắng xóa từ buổi chiều đi thuyền trên sông Limmat. Chính hai yếu tố thiên thời địa lợi này đã khiến những người Zürich đầu tiên chọn định cư lại đây từ 7000 năm trước, và ngày nay đây vẫn được xem là thành phố có GDP đầu người cao ngất ngưỡng. Tôi vẫn thường đùa với bạn bè rằng, nếu ở những đô thị đất chật người đông như Paris, London, việc có garage xe trong nhà đã là giàu sụ, thì phải đến Zürich chứng kiến cảnh người ta sở hữu hẳn garage cho du thuyền !!! Thời Trung cổ, thành phố còn là đích cuối những cuộc hành hương về thánh tích của thần hộ vệ Félix và Régula. Bản thân con đường Bahnhofstrasse cũng có một lịch sử đặc biệt đáng tự hào.  Trước đây, khu vực bao trùm con đường này là một chiến hào (Fröschengraben) san sát thành lũy có nhiệm vụ bảo vệ thành phố. Chỉ vào cuối thể kí 19, thành phố mới chịu lấp đầy vũng trũng quân sự này và con đường mới thực sự lột xác, danh giá cho tới ngày nay. Chưa hết, nếu giới học thức ghi nhớ Zurich như thành phố có quan điểm tiến bộ nhất châu Âu với quyết định nhận nữ sinh vào học Đại học vào năm 1864, thì tín đồ nghệ thuật lại nhớ mãi những ngày tươi đẹp của phòng trào Đa đa (Dadaisme, 1916-1922), nơi nhiều tri thức Âu châu đổ về đây vì biến động Chiến tranh thế giới.

Nói đến tất cả những biến động lịch sử đó để thấy ý nghĩa quan trọng của Bahnhofstrasse, con đường chứng nhân lịch sử phát triển đô thị hòa bình, thịnh vượng nhất châu Âu. Với 1,4km kéo dài từ nhà ga trung tâm ở Bahnhofplatz đến hồ Zürich ở Bürkliplatzet, con đường lớn còn cắt ngang Paradeplatz, quảng trường nơi đặt trụ sở nhiều ngân hàng quan trọng của Thuy Sĩ. Chính vì những địa điểm mang tính « máu mặt » này, sự đắt đỏ của Bahnhofstrasse càng được nhân lên. Người dân Zürich vẫn thường truyền tai nhau câu nói « bước đi trên kho báu » để chỉ những con đường mua may bán đắt, đến Bahnhofstrasse câu nói này lại càng đúng nghĩa đen khi bên dưới là những cốp tiền, vàng của ngân hàng Thụy Sĩ UBS, Credit Suisse…

Mỗi cửa hàng, một hạt báu

Nói không ngoa, ở Bahnhofstrasse, bạn sẽ có cảm giác như đang tham dự một bữa tiệc thời trang đẳng cấp với tất thảy những tên tuổi nhà thiết kế thời trang, thương hiệu phụ kiện và đồng hồ hàng top của thế giới. Với 150 cửa hàng cao cấp, Zürich sở hữu tất thảy những nhãn hiệu  hàng đầu mà bạn có thể bắt gặp ở bất kì đại lộ sang trọng khác của ông bạn láng giềng Pháp Champs-Élysées hay Fifth Avenue bên kia bờ Đại tây Dương: Prada, Cartier, Hermès. Một số cửa hàng đặc sản cao cấp cũng tập trung ở đây như tiệm chocolate, mứt kẹo Sprüngli và cửa hàng đồng hồ, trang sức Gübelin AG. Muốn shopping ở trong một tòa trung tâm thương mại tập theo « tác phong » của các plaza ở Việt nam? Globus sẽ thỏa mãn mỗi bước chân của bạn với những nhãn mác có thể bắt gặp ở Galerie Lafayettes bên Pháp hay Harrods của người Anh. Cũng như Vincom hay Diamond, Globus chính là nơi hội tụ những mặt hàng từ thời trang đến thực phẩm, không thể quên kể tới nước hoa. Nhiều nhãn mác quen thuộc với người Việt Nam như đồng hồ Swatch cũng chọn Globus để đặt cửa hàng, thay vì phải trả cái mác chục ngàn francs cho một mét vuông ở mặt tiền Bahnhofstrasse.

Ở Bahnhofstrasse, tôi thường nghe thấy tiếng xuýt xoa của khách bộ hành khi xem những mác giá ngàn francs. Ai đó trầm trồ thật lâu sau ô cửa kính và tanh tách chiếc máy ảnh trên tay, chắc chắn sẽ không phải người dám bỏ 9800 francs, nhưng những người vệ sĩ vẫn vui vẻ nhoẻn miệng cười chào. Hẳn đây đã là cảnh tượng quá bình thường ở Bahnhofstrasse. Từ những chiếc váy dạ hội chỉ dùng để đi trên thảm đỏ đến túi xách theo phom hình một con cá của nhà thiết kế thời trang đương đại đều được bày bán ở bên kia lớp kính. Bally, hãng giày đẳng cấp quốc tế tất nhiên không thể vắng mặt giữa phố thị phồn hoa, giữa vô vàn đối thủ cạnh tranh cùng đẳng cấp ở bên kia hè phố. Từ 17/11 đến 31/12/2011, cửa hàng này là nơi diễn ra sự kiện « Bally is Super » trân quý 160 năm lịch sử để đón chào sinh nhật lần thứ 160 thương hiệu.

Photo by Tomek Baginski on Unsplash

Photo by Tomek Baginski on Unsplash

Nếu tín đồ Louis Vuitton đến Paris không thể bỏ qua trụ sở chính của hãng này trên đại lộ Champs Élysées thì thì đi mua đồng hồ ở Thụy Sĩ cũng cho bạn cảm giác tương tự. Đừng ố á ngạc nhiên khi đọc những cái tên cửa hàng đồng hồ đẳng cấp như «Ngài đại sứ » (« Ambassador »), phổ biến nhất là những mặt đồng hồ to bản được treo trước cửa hàng để phục vụ cho bản tính đúng giờ của người Thụy Sĩ, kèm một vài con số tượng trưng cho năm thành lập của hãng. Với người phương Tây, cái gì càng cổ thì càng quý, nên bản thân bốn con số đằng sau chữ « since » cũng đủ để thể hiện đẳng cấp thương hiệu. Để tận mục sở thị sự vượt bậc của ngành đồng hồ Thụy sĩ, nhớ ghé thăm… tầng hầm của cửa hàng Beyer Watches & Jewellery (bí quyết gia truyền qua bảy thế hệ),  nơi đặt Bảo tàng đồng hồ Beyer Zurich với 500 vật trưng bày độc nhất vô nhị từ thời 1400 trước Công nguyên trở lại.

Vì sự xa hoa của những mác giá ngàn đô, rất đông khách du lịch xem Bahnhofstrasse như thánh đường để window-shopping và ngắm nhìn người qua lại chứ không phải là nơi để mua đồ lưu niệm. Một thành viên trên trang TripAdvisor khẳng định: « Đây là nơi để tham quan chứ không phải lãnh địa của túi tiền dân du lịch ». Tuy nhiên, có một điểm chung lớn nhất của những khách du lịch triệu đô hay dân phượt cháy túi, đã một lần đến Bahnhofstrasse trong đời, đều không thể bỏ lơ sức hấp dẫn của tiệm mứt kẹo Sprûngli với món chocolat « ngon nhất trên đời », dù cái giá phải trả cho một hộp chocolat loại trung bình đã là 30 francs.

Cái giá của trân châu ?

Trung bình mỗi ngày có tới 100.000 người qua lại đoạn đường từ nhà ga trung tâm Zürich đến khu thương mại Globus, chính vì vị trí nhộn nhịp này, du khách đến Bahnhofstrasse thường có thói quen bàn ra tán vào giá cả địa ốc của con phố. Theo báo cáo về thị trường bán lẻ của Locatinggroup Research, năm nay, trung bình mỗi mét vuông ở Bahnhofstrasse có giá trị 10.000 francs. Cùng với sự ổn định của đồng francs Thụy Sĩ, con đường « châu báu » này tiếp tục nắm vị trí đắt địa thứ ba sau Fifth Avenue của New York (21.622 francs) và Causeway Bay của Hongkong (19.445 francs). Tuy nhiên, khoan hãy phẩy tay chê những nhà đầu tư là ngu muội, bởi doanh thu cho mỗi mét đất ở đây đạt gấp năm lần con số đó (50.000 francs/năm).

Thú vị nhất ở chỗ, đằng sau chuyện chi tiền ở Bahnhofstrasse cũng phản ánh chính xác tình hình kinh tế của thế giới. Kinh tế Trung Quốc phát triển thần tốc lên những năm gần đây ? Chuyện « xưa như Diễm » mà ai ai cũng biết ! Nhưng phải đến xem các quý bà Trung Quốc chi tiền sau những cửa kính Bahnhofstrasse mới hiểu rõ sức chịu chi của họ. Giám đốc Du lịch Thụy Sĩ, Jürg Schmid, từng hóm hỉnh trong tờ nhật báo Tages-Anzeige của vùng nói tiếng Đức ở Thụy Sĩ: « Nếu nhìn thấy những du khách có vẻ là người Nhật Bản thì nhiều khả năng là họ mang quốc tịch Trung Quốc đấy! ». Và mặc kệ những cái mác đầy tính châm chọc như « nhà giàu mới », « giàu sổi », thậm chí còn bị báo chí Âu châu đặt lên bàn cân để phân biệt giữa « nhà giàu mới nổi Bắc Kinh » với « nhà giàu lâu đời Thượng Hải », thì đây vẫn là quốc gia chịu chi chịu chơi nhất khi đến Thụy Sĩ, với 430 francs mỗi ngày cho một người (trong khi mức chi của khách du lịch châu Âu chỉ từ 120 đến 240 euros). Và cũng như chuyện mua nước hoa khi đến Pháp hay những chiếc vé xem sex show ở khu đèn đỏ Amsterdam, đồng hồ là sản phẩm được du khách Trung Quốc quan tâm nhất với tận 25-30% ở thương hiệu Omega…

 Vậy, nếu không có hàng trăm francs để chi mỗi ngày cho Bahnhofstrasse thì có nên đến đây không?

Thật ra, cái giá của con đường ngọc trai không phải 430 francs/ ngày cũng chẳng phải những danh xưng mang tầm thế giới. « Chuỗi cườm phố thị » Bahnhofstrasse sở hữu một giá trị không đo đếm được, cũng như bạn chỉ có thể ước lượng giá trị của hạt ngọc trai chứ không mua được ánh sáng phát ra từ nó.

Thử một lần hít thở không khí Bahnhofstrasse theo kiểu người Zürich qua cửa kính tramway vào buổi sớm – khi khách du lịch (Trung Quốc ?) còn say sưa giấc nồng sau buổi party tối qua ở khu phố cổ – mới thấy người Zürich « đối xử » với thánh đường đắt đỏ của họ theo một cách rất bình thường. Tôi nhớ hoài hình ảnh cô sinh viên xách túi Hermès tự nhiên ngồi ăn quýt trên băng ghế công cộng, hay những bà mẹ mặc đồ Prada cùng con gái « lăng xả » trong thế giới phụ kiện của nhãn hàng bình dân Claire’s.

Vậy mới nói, ở Bahnhofstrasse, « Nhìn vào mặt ai đó, bạn không thể đoán biết số tiền người ta có trong thẻ ATM giắt sau túi quần họ». Đó chính là giá trị thực sự của con đường trứ danh này. Và cái giá của con đường trân châu á ? Có chúa mới biết được!

TRANG AMI

[Người Đẹp magazine, March 2012 issue]       

2 Comments Add yours

  1. Tô mì nói:

    Bài viết rất hay, kết thúc độc đáo 🙂 rất chân thật

    Thích

    1. Trang Ami nói:

      Xin cám ơn :”>

      Thích

Bình luận về bài viết này