Chuyến viếng thăm của quý bà hạt đậu
2012 sẽ là một năm quan trọng đối với nghệ sĩ 82 tuổi người Nhật, Yayoi Kusama. Sau Centre Pompidou (Paris), Kusama tiếp tục đưa triển lãm của mình tới Tate Modern (London), diễn ra đến ngày 5.6, và triển lãm sẽ được tiếp diễn ở Whitney ở New York từ 12/7 đến cuối tháng 9. Đặc biệt là cả hai triển lãm ở Tate Modern và Whitney đều được tài trợ bởi Louis Vuitton. Vì sao Louis Vuitton lại ưu ái Kusama đến vậy ?
Bởi vì bà chính là nhà thiết kế chính cho bộ sưu tập mới của Louis Vuitton, ra mắt vào tháng 7 năm nay. Với mái tóc điện tử màu đỏ chóe, Kusama được biết đến với những tác phẩm hình họa màu sắc, quen thuộc nhất là họa tiết hạt đậu mang thông điệp « Cuộc đời tôi là một hạt đậu lẫn trong hàng ngàn những hạt đậu khác.»
Vẫn còn chừng nửa năm đến ngày ra mắt bộ sưu tập nhưng công luận đã tỏ ra mất kiên nhẫn với lần hợp tác này. Kể từ những ngày đầu tiên bước chân vào nhà LV vào năm 1997, Giám đốc sáng tạo Marc Jacobs đã từng cộng tác với một số nghệ sĩ, nhưng lần cộng tác này đặc biệt hơn cả. Kusama là nữ nghệ sĩ đầu tiên được Louis Vuitton mời thiết kế cho riêng một dòng sản phẩm limited. Bộ sưu tập này sẽ gói trọn các sản phẩm cao cấp : trang phục, phụ kiện, túi xách. Cũng có một số ý kiến cho rằng phong cách Avant Garde của Kusama cùng hình họa, màu sắc quá tươi sáng của bà (gần với trào lưu Pop Art những năm 60) sẽ khó đồng điệu với xu hướng cao cấp nhà LV. Phản hồi thế nào thì đợi đến ngày ra mắt Bộ sưu tập hẳn rõ, nhưng có một điều chắc chắn là, khi quyết định bắt tay với xu hướng Tiên phong trong nghệ thuật, tức là LV đã sẵn sàng cho những trải nghiệm mới mẻ hoàn toàn.
Bao giờ cho tới tiên phong ?
Avant Garde là một cụm từ tiếng Pháp được sử dụng trong cả hai lĩnh vực Nghệ thuật và Quân đội. Khái niệm này xuất hiện từ thế kỉ XIX, lấy cảm hứng từ Cách mạng Pháp. Đến thế giới thời trang, thuật ngữ được sử dụng để nói về những thiết kế mang tính đột phá, tiên phong. Bất kể thời điểm nào, từ trứng nước ý tưởng đến chập chững bước đi trên sàn runway, Avant Garde Fashion vẫn luôn mang lại cảm giác tươi mới cho người xem mà không bị trùng lặp với bất kì phong cách nào trước đó. Đối lập với Avant Garde là Hàn lâm. Và đối lập với suy nghĩ của nhiều người, kinh đô của nghệ thuật Tiên phong trong thiết kế thời trang không phải ở London phá cách hay New York khoáng đạt, mà chính là Nhật Bản.
Trong nghệ thuật, các nghệ sĩ Avant Garde có khuynh hướng đi trệch ra ngoài mối liên hệ với người đi trước. Họ muốn trở thành những kẻ tiên phong của thời đại. Trong cung cách nhu nhường khép kín của người Nhật cũng có thấp thoáng bóng dáng nét tính cách này. Cơ bản là nó có đất để thể hiện và có phải đúng thời điểm để thể hiện chưa thôi.
Cú tiên phong từ Nhật
Ba nhà thiết kế không trộn lẫn nhất của xu hướng Avant Garde trong thời trang ở Nhật là Issey Miyake, Yohji Yamamoto và Rei Kawakubo. Những buổi diễn thời trang của họ vào cuối những năm 70, đầu thập niên 80 đã gây sốc cho thế giới phương Tây bởi các mẫu thiết kế phá cách, phụ kiện có phần quái dị. Sự phá cách của họ lúc bấy giờ có lúc đã bị chỉ trích bởi nó quá khác biệt so với nền văn hóa Nhật Bản như kimono, thắng lưng obi, nghệ thuật xếp giấy origami… Được xem như những nhà thiết kế tài năng tiên phong ở Nhật Bản, họ vẫn không hề có ý định làm người đặt nền móng cho trào lưu cận hiện đại của giới thời trang. Cái họ đã làm được đó là đã biến Nhật Bản thành kinh đô của một trào lưu thời trang mới, đã gây sốc cho Xã hội phương Tây vốn là cái nôi của những phát kiến tự do.
Một trong những người đầu tiên phát kiến ra dòng chảy Avant Garde âm ỉ trong những mẫu thiết kế thời trang của người Nhật là Mary Baskett, quản lí khi đó của vải hoa in ở Cincinnati Art Museum. Vào cuối những năm 60s, Mary bắt đầu thực hiện những chuyến đi đến Nhật Bản để mua các tác phẩm của những người làm vải in đương đại Nhật Bản. Tại đó, bà đã khám phá thế giới mới của những nhà thiết kế thời trang Nhật Bản đương thời. Bị thu hút bới áo quần lập dị, bà bắt đầu sưu tập và mặc thời trang Avant Garde kiểu Nhật… cho đến nhìn thấy những bước thành công của thì hiện tại tiếp diễn.
TRANG AMI
[Mỹ Thuật magazine – March 2012 issue]