Những điều (có lẽ) Quang sẽ không đọc được

Chừng một năm trước, mình đã từng công bố một trong những lá thư qua lại giữa người cha đỡ đầu Pierre của bé Quý trên Thư cha đỡ đầu Pháp gửi con gái Việt

Hơn một năm rồi, tối nay mình lại tiếp tục hành trình dịch thư cho Pierre và hai anh em. Cũng như tất cả những lần dịch thư khác, mình luôn học được một điều gì đó qua những gửi gắm của Pierre và lời lẽ mộc mạc của anh em Quang, Quý. (Quý chỉ là học sinh cấp 1 nên anh Quang của Quý là người giúp đỡ viết thư).

Những lá thư của Pierre luôn rất chân tình và đầy chất thơ. Khỏi bàn cãi, Pierre là một người Pháp viết văn mà. Một người Pháp vốn dĩ nhân văn từ trong cốt cách, huống gì còn làm nghề viết văn phải không?

Những lá thư gần đây, Quang kể với Pierre nhiều hơn về chuyện của mình. Một chàng thiếu niên mới lớn trăn trở với những câu chuyện đời sống và thân thế là điều dễ hiểu. Mình cảm nhận rõ sự tin tưởng của Quang dành cho người cha đỡ đầu ngoại quốc của em gái mình. Xin trích và ghép từ trong hai lá thư “khứ hồi” của hai phía để gộp thành hai đoạn thoại đầy tính người mà mình rất thích.

VỀ GẠO

Quang

Còn hơn một tháng nữa là quê cháu sẽ thu hoạch lúa, quê cháu cắt lúa bằng một cái máy điều khiển bằng tay, chắc quê chú gọi là máy cắt cỏ – mang trên vai đưa qua đưa lại để cắt? Về phần tuốt lúa, quê cháu còn nghèo nên nhà nào cũng có máy tuốt đạp bằng chân. Phương tiện chở lúa là chiếc xe đạp với một cái cây gỗ phía sau cao 1m5, với cái moi để móc hai bao lúa đẩy về nhà.

Cánh đồng trước nhà ở Hội An _Photo credited to Jean Cabane

Pierre

Có tới nửa gạo sản xuất ở Việt là được xuất khẩu trên toàn cầu, nghĩa là khi cháu chở gạo trên xe đạp, một bao gạo của cháu sẽ cho người Việt ăn còn bao còn lại là để xuất khẩu.

Với tiền bán gạo, Việt Nam dùng để mua những sản phẩm không được sản xuất tại Việt Nam. Nếu nước Việt Nam càng phát triển (và sản xuất được các sản phẩm mà nước con đang cần) thì số gạo xuất khẩu sẽ ít đi. Tóm lại là trong tương lai Việt Nam sẽ không chỉ còn ngập trong lúa gạo nữa.

VỀ CÔNG VIỆC

Quang

Phía sau nhà cháu là bãi đồi cát trắng. Đứng lên đồi cao là nhìn thấy biển. Chiều đến thỉnh thoảng cháu dắt em Quý lên đồi cát để chơi đùa và ngắm cảnh. Anh em cháu hay chọn một đồi cao nhất để định hình nước chú nằm hướng nào.

Anh em cháu cứ nhìn mãi mà chẳng thấy gì, chỉ thấy một khoảng trời rộng mênh mông. Thế giới rộng quá chú nhỉ, không biết tương lai anh em cháu như thế nào, đi được đến đâu và làm được những gì…

Pierre

Trong lá thư trước, cháu đã nói với chú là cháu đang học năm cuối ở cấp ba, nếu như chú tính đúng thì cháu đã 17 tuổi rồi. Thời trung học sắp qua, chú rất muốn biết cháu muốn làm gì sau đó, cháu muốn học gì tiếp theo (phi công, thủy thủ, găng-tơ, người phu công quét đường, tu sĩ… ?)

Câu cuối của chú dừng ở từ « tu sĩ » bởi chú muốn có một ghi chú nhỏ về Phật. Phật không phải là một vị thần thánh để mà chúng ta cầu nguyện xin điều này hoặc điều kia. Phật là một con người đã đem cả cuộc đời mình ra như một cái gương để người khác soi theo. Ông ta đã mở ra con đường tự do, tự do để mỗi người có thể theo đuổi, để mỗi người chúng ta giải phóng chính mình ra khỏi những âu lo, trong niềm vui, nỗi bất hạnh và cả nổi thống khổ.

Mình thích cách Pierre chuyển tải những thông tin tưởng chừng nhiều người trẻ Việt Nam sống và lớn lên ở thành thị chẳng bao giờ bận tâm. Những điều cơ bản về lúa gạo và chỗ đứng thực sự của nước mình trên trường quốc tế. Bởi lẽ họ quá bận rộn với những giá trị vật chất sương sương gió gió nào đó ngoài kia. Quang ơi, em may mắn lắm khi được trải nghiệm những bài học này. Trái tim nước Pháp hi vọng sẽ giúp em an tâm hơn trên hành trình sớm mai ra của mình.

Mình thích cách Pierre nhắc đến những vị trí công việc mà Quang có lẽ đang ước mong trở thành. Phi công hay người phu quét đường? Thủy thủ hay găng tơ? Và tu sĩ?… Cái cách Pierre đặt tất cả những ngành nghề trên kia ngang hàng nhau không phải bất kì người cha nào trên đời cũng có thể trìu mến “kê khai” ra, với cậu con trai của mình. Con muốn làm nghề gì? Cao cấp hay bình dân? Kiếm nhiều tiền hay ít thôi, chỉ đủ cơm ăn ba bữa mỗi ngày? Kể cả con có là tu sĩ, thì con ơi, chú vẫn luôn ủng hộ sự lựa chọn của con.

Có lẽ, phải đi đến tận cùng của cái dốc bên kia cuộc đời, hoặc trải nghiệm cuộc phẫu thuật đầy rủi ro của căn bệnh nan y giai đoạn cuối, con người ta mới dễ dàng từ bỏ những phù phiếm bên ngoài để hướng tới sự giải phóng toàn diện về tâm hồn – như Pierre đang làm và muốn cậu con trai đỡ đầu của mình cũng làm được.

Rồi từ vùng đất cát Bình Dương kia, nơi em và bé Quý vẫn ngóng về phía Tây để dòm chừng ra thế giới, em rồi sẽ bước đi. Thánh thiện. Trưởng thành. Vẩn đục. Và trở lại với một tinh thần trắng tinh như đất cát nơi đó, khi em lại hóa thân thành cát bụi, chấm hết một vòng đời mau lẹ.

Cuộc đời mỗi người chính xác sẽ không thoát khỏi cái vòng tuần hoàn trong “Xuân hạ thu đông rồi lại Xuân”. Em cũng vậy, chị cũng thế, và cả tỉ người ngoài kia cũng chẳng thể thoát khỏi bánh xe luân hồi đó (có khác thì cũng chỉ chênh nhau về mức độ sân si mà thôi).

Chỉ mong em trên hành trình đó, lâu lâu hãy nghĩ về những câu chữ thánh thiện này từ người cha đỡ đầu “ở nơi ngón cái khi cầm quả cam lên”.

Và Quang biết không, thế giới có rộng lớn thật đó nhưng nó vẫn chỉ quanh quẩn trong lòng bàn tay em thôi. Đi đến đâu thì cứ phải tiến lên mới biết được phải không, em trai qua mặt giấy?

5 Comments Add yours

  1. Riz nói:

    Mình thực sự xúc động khi đọc bài viết này, từ cách bạn Ami đưa hai lá thư thành một đoạn đối thoại. Đoạn cậu bé 17 tuổi dắt em lên ngọn đồi nhìn về phương trời của người cha nơi đất nước hình lục lăng khiến mình cảm giác như đang xem một bộ phim, như những khung cảnh mênh mông trong truyện Nguyễn Ngọc Tư vậy. Cảm ơn bạn đã chia sẻ những điều tuyệt vời thế này đến những độc giả như mình.

    Thích

  2. Trang Ami nói:

    Cám ơn Riz đã chia sẻ. Vì mình cũng xúc động với lá thư nên đã quyết định viết ra đây.

    P/s: Mình vẫn thường tự hỏi Riz là ai, có phải người quen không đấy!

    Thích

  3. Cảm ơn Trang Amin. Mình cũng là một người làm chút việc ctxh, thật cảm động với những tấm lòng nhân ái từ tâm!

    Thích

    1. Trang Ami nói:

      Ở thật xa quê hương nhưng mỗi lần xem Như chưa hề có cuộc chia ly hay Ngôi nhà mơ ước trên Youtube là lại thấy vẫn như thiệt gần gũi với từng nỗi lo lắng, cái khổ sở của người nghèo. Cùng cố gắng Tuấn nhé.

      Thích

  4. Cảm ơn Trang Ami rất nhiều!

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s