Thất nghiệp ở Pháp và ở Việt Nam

Nói thất nghiệp ở Pháp thì oan quá vì chưa bao giờ mình thực sự tìm việc ở Pháp (với suy nghĩ tìm cũng sẽ không thấy, thấy cũng không tới lượt mình, nên thôi thì không trông mong từ đầu), còn Việt Nam thì cũng chẳng phải đang thất nghiệp mà là “bỏ một chậu nước ngọt để chuẩn bị nhảy qua thau nước mặn” – nhưng dù sao cũng là cảm giác bỗng nhiên rảnh rang sau một thời gian vò võ 9 tiếng văn phòng mỗi ngày. Thử làm một so sánh về trải nghiệm thất nghiệp Pháp – Việt Nam, cho vui!

Bánh mì hay nhậu

Thất nghiệp ở Pháp đáng quan ngại hơn ở Việt Nam khoản ăn uống vì chẳng ai sẵn sàng mua cho mình một cái bánh mì, vì bạn còn lo cái bánh mì của bạn (bạn nào cho vay hẳn bột mì để nhào bánh thì đã cho mượn rồi, trả nợ bạn chưa xong thì vay thêm đâu có được, mà thể loại “bạn bột mì” chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi). Mỗi lần đi siêu thị về chất đầy tủ lạnh là một lần sót ruột, dặn lòng lần sau mua ít nhé, tiền trong tài khoản cạn rồi, khoản nợ đã to hơn rồi. Còn ở Việt Nam, một người bạn tỉ năm chưa gặp vẫn sẵn sàng bóc đầu đi nhậu. Chỉ cần mình đủ dũng khí nói “tôi hết tiền” thì sẽ được bao lô trọn gói, từ đồ nhắm tới rượu, bia, café, thuốc lá, hệt như chúng mình vẫn chưa hề có cuộc chia ly – dù túi nó có khi tiền còn xẹp hơn cả túi mình!

Facebook và mặt người 

Ở Pháp, một ngày thất nghiệp bắt đầu bằng công việc lên net, vừa điểm tâm vừa comment Facebook, vừa ăn trưa vừa like Facebook, vừa định ngủ trưa lại có notification ầm ĩ rồi bận rộn reply đến quên luôn giấc ngủ, chiều tà tính ra phố đi siêu thị cũng bị Facebook mê hoặc đến giờ đóng cửa (lại nghĩ “may quá, có Facebook bữa nay lại lui tiền chợ được một ngày)… Thành ra, ở Pháp mà scandal một phát biết ngay, cô nào vừa up cái gì lên Facebook xong bẽ bàng kéo xuống cũng ghi tâm khắc cốt, chuyện Facebooker này ghét Facebooker nọ tự nhiên cũng vơ vô người để rồi thấy nội tâm mình giằng xé hệt như người trong cuộc. Thế là hết giờ, thế là chìm vào giấc ngủ, thế là hôm sau lại tiếp tục chương trình văn nghệ với hai vị Facebooker đâu đâu và quên luôn nhiệm vụ kiếm việc cấp bách.

Rảnh không, không rảnh

Thất nghiệp ở Việt Nam, có quá nhiều việc để làm nên chẳng phải giờ phút nào cũng kịp nhớ ra là “à, tôi thất nghiệp”. Buổi sáng vừa mở mắt đã lao lên word gõ bài, tự hiểu đây là giờ phút hiếm hoi bình yên quý giá nhất trong ngày. Vừa hay, ngoại ngọt ngào “chở ngoại đi chùa”, là lại ra đường nhìn dòng người lao tới chỗ làm với tất cả hưng phấn “ô hô, ta đây rảnh không, ta đây không có một ngày 9 tiếng đằng đẵng trước mắt”. Hàng ngay ra đường gặp một, hai, ba, năm, bảy, chín, một trăm, một triệu… bao nhiêu con người qua lại giữa phố phường, chẳng như ở Pháp có cả tuần lễ chỉ ra ngoài đúng hai lần để đổ rác và đi siêu thị. Tối về nhà, thấy mình vẫn giữa lòng Xã hội, rủi ro tự kỷ bay xa.

Đi hay ở

Thất nghiệp ở Pháp rất áp lực về những chuyến di cư. Thời gian còn lại để kiếm việc đếm bằng mùa, bằng tháng. Mỗi sáng thức dậy đã lo nghĩ đến một cái ngày nghe-thì-xa-tít-tắp nhưng lại gần-ngay-trước-mắt. Cái ngày hết hạn trong thẻ cư trú. Áp lực thứ hai đến từ những chuyến đi của bạn. Ở Pháp, thất nghiệp, suốt ngày lên Facebook, suốt ngày nhìn thấy những check-in của bạn bè ở xứ này xứ khác, thấy tủi thân, thấy chùng chân, thấy cảm tình lấn át bao nhiêu là sáng suốt. Tự động đặt mình và cái-kẻ-vừa-check-in-kia lên một bàn cân vô hình với lòng vòng những câu hỏi “Tại sao nó làm việc ở Việt Nam mà vẫn có tiền đi du lịch nước ngoài”, “Tình hình trong nước đã khá đến mức lương cao thế ư?”, “Hay là mình cứ ở lại đi… bưng phở”? Đi về Việt Nam hay đi bưng phở, mãi mãi là một câu hỏi quá khó để có câu trả lời. Cái nào cũng hấp dẫn, dù về Việt Nam thì được đường hoàng vào ra tiệm Phở, còn ở Pháp thì phải cun cút chạy đi bưng Phở cho kẻ khác ăn!

Photo from Internet

Run rẩy và niềm tin

Thất nghiệp ở Pháp, bước ra đường tự nhiên thấy mình là kẻ tội đồ. Lên tivi thỉnh thoảng lại nghe Đảng này Đảng nọ cãi nhau có nên tống hết dân nước ngoài về. Đi xin gia hạn thẻ cư trú, đụng phải ánh mắt dò xét của bà viên chức “có thật muốn học ngành này thêm để nâng cao hiểu biết, hay chỉ là một động tác giả để kéo dài thời hạn cư trú”. Lúc trả lời bà viên chức, cố gắng nói cứng “tôi không xin bất cứ trợ cấp nào từ nước Pháp ngoài trợ cấp tiền nhà như quyền lợi của bất kì sinh viên nào khác, tôi không ở lại Pháp để đi làm thêm bất hợp pháp” nhưng giọng run rẩy, cả người run rẩy, cả một tâm trạng run rẩy khi nghĩ về quãng đường phía trước. Còn ở Việt Nam, thất nghiệp đã là chuyện quá thường. Bạn cũ gặp lại, phân nửa chưa có việc làm hoặc đang cần mẫn đếm lui giờ làm ở siêu thị, cửa hàng. Ông bạn tốt nghiệp Kinh tế hí hửng khoe đã vào được Lễ tân một khách sạn 5 sao, ông anh kể chuyện cậu bạn cùng lớp Bách khoa hài lòng với vị trí bảo vệ khách sạn, một người lạ nào đó hụt hẫng và khiến gia đình phát khóc khi bị nghỉ việc, dù đó là công việc nhận mẫu xét nghiệm và chỉ cần vận động đôi chân để chạy lên chạy xuống cầu thang – tiệt không đụng tới chuyên ngành mấy năm Đại học. Thất nghiệp nhưng không thiếu việc, bởi cơ hội vẫn ở khắp nơi. Hàng ngày vẫn ra rả tuyển nhân viên bán hàng đa cấp. Mạng việc làm vẫn liên tục update. Bạn bè vẫn í ới “mày ơi, tao có dự án”. Và bao nhiêu thứ công việc muốn-làm-trong-đời như chạy bàn café, bartender, sửa xe gắn máy vẫn hấp dẫn mời gọi một lần trải nghiệm. Thấy đời vẫn vui, tiền vẫn dễ kiếm, và mình vẫn hài lòng.

Từ chối và tại sao lại bị từ chối

Thất nghiệp ở Pháp căng thẳng mỗi lần nộp đơn. Nộp xong sợ nhận một lá thư từ chối trong thùng thư, sợ nhận mail kêu đi phỏng vấn sẽ không có tiền nhảy tàu, sợ gọi skype sẽ không nghe kịp người ta nói gì, sợ ngoại ngữ không đủ tốt để đảm nhiệm công việc dù chỉ mới đọc miêu tả, sợ tính hài hước của mình bị “chênh, phô, vô duyên” khi nghĩ tới những cuộc vui công sở, sợ đủ điều, sợ được nhận việc thì cả một mớ thủ tục lằng nhằng cần phải đối diện nữa. Còn ở Việt Nam lại chẳng sợ bất cứ một “thế lực thù địch” nào. Điện thoại nghe không rõ sẽ “Xin lỗi chị vui lòng nói to hơn một chút nhé”. Ở Việt Nam, không nhận được thư trả lời sẽ gọi điện trực tiếp lên cơ quan tuyển dụng hỏi “tại sao chưa trả lời”, bị từ chối sẽ viết mail “tại sao tôi thế này mà không nhận”. Hà ha.

Tiền, tiền

Thất nghiệp ở Pháp mệt mỏi về tâm trạng, chán chường về cuộc sống, héo úa về tâm can, cảm thấy cô đơn, cảm thấy chẳng ai đủ tiềm lực tài chính cho mình vay mượn khi cần thiết. Ở Việt Nam, cuộc đời vẫn chảy trôi tuồn tuột, dự án vẫn nhiều, tiền vẫn vào, đồ ngon vẫn ê hề, những chuyến đi vẫn mời gọi và… tiền vẫn thiếu, nhưng không bao giờ kẹt. Ngoại sẵn sàng “đi về quê đi, đi đi rồi ngoại bao, bao hết từ A tới Z, con khỏi phải lo”. Mẹ sẵn sàng vồ vập hỏi “bao nhiêu, khi nào cần” mà chẳng màng “tại sao, bao giờ trả”, hoặc thậm chí mặt mày ủ rũ buồn tình đều bị mẹ quy ra là hết tiền để rút tiền ra cho vì một lí lẽ nào đó “đó, đi mà đổ xăng”, “mua cái chi mà ăn”…

Vui hay không vui

Tóm lại, thất nghiệp ở đâu cũng đau khổ thiếu thốn, nhưng ở Việt Nam thì không cấp bách, mà quan trọng là vui. Vui vì không còn phải lao nhao chạy đua với cái máy tính giờ làm bằng vân tay, chẳng còn phải mệt mỏi chống chọi với không khí điều hòa qua giờ Ngọ. Vui vì biết mình không còn phải đối chọi với ông chủ nhà cho thuê, chẳng còn sợ bị chính phủ sở tại đuổi về quê, không sợ ra đường với cái túi lép kẹp chục euros đổ lại (với mình có 200k cầm ra đường đi uống café là ngon rồi). Vui vì mình thất nghiệp ở Việt Nam, nhưng sở hữu một tấm bằng của Pháp. Bằng của Pháp muôn năm, bằng của Pháp muôn năm.

TRANG AMI

(Thế giới gia đình, số ra 22/4/2014)

P/s: Câu cuối đang chọc ngoáy các bạn du học Pháp về mà thất nghiệp đấy nhé haha.

6 Comments Add yours

  1. vyoungspirit nói:

    Em chào chi, doc duoc bài viet’ dung’ tam trang em qua’ x) cam on chi da chia se bai nay a

    Thích

    1. Trang Ami nói:

      Xin cám ơn em. Trời đất ơi chị đọc được tin nhắn của em muộn khủng khiếp, muộn sau 2 năm lận :))). Cám ơn em đã dõi theo và thân chúc em mọi điều tốt lành ❤

      Thích

  2. Đinh Thị Quy nói:

    hóm hỉnh mà sâu sắc. ủng hộ chị!

    Thích

    1. Trang Ami nói:

      Xin cám ơn em yêuuuuu ❤

      Thích

  3. Ngọc Thịnh nói:

    hay thât chị ạ, cám ơn Chị cho Em 01 góc nhìn mới về thất nghiệp ở VN. Cơ mà Em vẫn mơ ước đi học ở Pháp ạ.

    Thích

  4. Trang Ami nói:

    Ôi trời, bây giờ chị mới đọc được comment của em gần… 2 năm trước!!! Chị đúng là low tech!!! :)) Cám ơn em rất nhiều nha. Mong rằng 2 năm vừa qua thật nhiều niềm vui và may mắn đã đến với em <3.

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s