Thử một buổi chiều ngồi xuống, nhìn ra ngoài kia cửa sổ mà xem, bạn sẽ phát hiện rằng có rất nhiều thứ đã khác đi rồi. Bằng chứng là những cảnh tượng của bây giờ không còn giống như buổi chiều hôm qua đó. Chỉ có kí ức đẹp ở lại…
Nụ cười dưới những sợi dây ròng rọc
Có một câu của ElisabethKübler-Ross đại để thế này, người ta cũng như những ô cửa kính màu luôn lấp lánh khi mặt trời chiếu rọi, nhưng chỉ khi ngập trong bóng tối thì vẻ đẹp tự bên trong mới thực sự tỏa sáng. Cái người ta muốn được nhìn thấy sau những cánh cửa không phải là thứ ánh sáng từ trời, mà là những tốt đẹp trong đời.
Mẹ tôi có nghề bán chay nổi tiếng khắp đất Đà Nẵng mấy mươi năm trước, nhưng rồi mở quán nào cũng phải đóng cửa sau mấy mùa trăng. Lí do vì chủ nhà bao giờ thấy khách tới đông cũng lấy lại mặt bằng rồi mở lại một quán khác, nguyên xi. Có lần mẹ tôi mở quán ăn chay Nhân Ái ở trước Nhà thờ Con gà, tên quán lấy từ chữ Nhân quả trong đạo Phật và Bác ái bên Thiên chúa Giáo. Tới khi khách đông, hai vợ chồng chủ quán lấy lại cửa hàng rồi mở luôn một quán chay dùng đúng cái tên mà mẹ tôi nghĩ ra. Về sau, những người em trong khu xóm nơi mẹ bán chay đã tìm tới tận nhà rủ mẹ tôi ra vỉa hè bán lại.
Ngày đầu tiên mở quán chay hè phố, vốn liếng của mẹ chỉ độc một cái bàn. Không có ghế. Thầy Thanh dạy Toán một trường cấp III của thành phố đã cùng với học trò nối dây dừa vào băng ghế dài (mà thầy vẫn dùng để dạy thêm) thả xuống cho mẹ tôi.
Sau này mẹ tôi nhắc mãi hình ảnh đó, rằng đó là hình ảnh mẹ không bao giờ quên được trên đời.*
Lần nghỉ lại căn hộ của cô Marie-Hélène vào mùa hè đầu tiên tới Paris, mẹ tôi đã cột tiền vào trong sợi chỉ rồi thả xuống cho đám nghệ sĩ đường phố. Khỏi nói, họ đã hết sức ngạc nhiên cách ủng hộ đặc biệt này và chơi tặng mẹ tôi rất nhiều ca khúc yêu thích của mẹ.

Những ô cửa chẳng đóng bao giờ
Ở Pháp có rất nhiều tòa nhà vẫn còn lưu giữ những hình vẽ sống động trên tường nhà. Phổ biến nhất của nghệ thuật vẽ tường là những bức tường có hình vẽ ô cửa sổ. Hỏi ra mới biết, ngày đó nước Pháp đã từng có một thứ thuế vô lí đối với việc xây cửa sổ. Vì thế, những ngôi nhà bình dân đã vẽ để bày tỏ mong-ước-nhà-có-nhiều-cửa-sổ như những dinh thự xa hoa ngập tràn ánh sáng, dù là qua tâm tưởng.

Sau này, khi được phép xây dựng cửa sổ ởbất kì nách tường nào (mà không phải trả thuế), người Pháp cũng trở nên thoải mái hơn trong khâu thể hiện cảm xúc của mình bên cửa sổ.
Có lần ba, mẹ và tôi đi trên đường phố Nimes để ra chợ trung tâm. Một người bạn thân của ba ngó thấy chúng tôi khi đứng hóng gió nơi tầng ba căn hộ đã ngoắc lại hỏi thăm. Vui miệng, ba tôi khoe bạn mình sắp được lên chức ông rồi đấy. Mới nghe tới đó, một cặp đôi tre trẻ đi ngang qua đã ngoái lạiFélicitation pépé! (Chúc mừng ông nội nhé!) như thể đó là niềm vui của người thân thích.
Bà nội của tôi thì có thói quen luôn để cửa mở vào những buổi trưa hè. Lí do vì bà có một bí mật chờ mong đằng sau cửa sổ. Đó là một chiếc giỏ nhựa cũ được chú Richard móc vào một sợi dây thừng rồi thả tự do xuống tường nhà. Vì nhà bà thông với con hẻm nên ông đưa thư đã đồng ý đưa thư theo cách độc đáo này. Vậy là ngoài việc chờ đợi cô y tá đến tắm và một cô giúp việc đến giúp nấu ăn, mỗi ngày bà tôi còn một niềm vui lớn lao khác nữa là chờ tiếng còi tin tin của ông đưa thư, báo hiệu một chiếc giỏ chở những niềm vui đã được chất đầy. Khi đó, bà tôi sẽ từ từ kéo giỏ lên và lật giở từng tấm bưu thiếp một mà đám con cháu gửi về từ những chuyến du lịch xa xứ.
Cho đến những năm cuối đời, ấn tượng mùa hè của bà nội trong tôi vẫn là những cánh cửa mở rộng như thế.
* Bài viết trên Facebook Page của Trang Ami
* Khám phá những câu chuyện tuổi thơ của tác giả Trang Ami trong tác phẩm đang trong quá trình tự xuất bản Đi đâu loanh quanh cho đời lộn xộn.
>> Gửi email đặt sách tại didauloanhquanhchodoilonxon@gmail.com
>> Mua sách online tại Smashwords