Những chuyến xe đêm

Vượt biên luôn cho tôi cảm giác nghiêm trọng, dẫu cho biên giới châu Âu đã rộng mở đến mức hải quan còn chẳng buồn chặn xe lại hỏi thăm.

Đã có một năm trời tôi bắt tuyến xe bus Hà Lan – Pháp (và ngược lại) trung bình một lần mỗi tháng. Những lần đầu có hơi khớp, nhưng đi một hồi rồi cũng đến lúc không còn cảm giác đơn độc. Tôi cũng chẳng còn lạ lẫm những đôi mắt ái ngại của đội cảnh sát khi nhìn cô gái mơn mởn tuổi đôi mươi, một mình một lap ngồi trước sảnh nhà ga, chờ bắt chuyến bus khởi hành lúc nửa đêm. Có lần bác tài gốc Ả rập muốn lừa tôi xuống thành phố lạ để tiết kiệm quãng đường. May mà tôi không dễ bị lừa, lì lợm, và nói được tiếng Pháp.

Chừng đó chuyến xe là bao nhiêu lần được nghe những lí lẽ vượt biên khác nhau. Có lần tôi ngồi cạnh một ông bố làm nghề thợ sơn nhà, vừa tan việc là ông nhảy xe đi thăm cậu con trai học ở Grenoble luôn. Ông không đủ thời gian để sửa soạn gì nhiều, hành trang vỏn vẹn một túi bánh mì cho đỡn tốn tiền mua thức ăn dọc đường, những giọt mồ hôi của cả ngày lao động ngoài trời còn chưa kịp khô. Khoảng cách cả ngàn cây số của hai cha con tự nhiên được lấp đầy. Ông bố hứng thú nói với tôi rằng, chỉ một cái chớp mắt thôi, ông sẽ được thấy cậu con trai của mình. Mà đúng là chỉ một cái chớp mắt thật, ông dễ ngủ cực kỳ – vừa nhắm mắt là ngáy o o đến sáng.

Một lần khác, tôi gặp cô bé mới lớn phải chia đều những kỳ nghỉ của mình cho bố và mẹ, vốn đã ly dị và sống ở hai đất nước khác nhau. Ước mơ của cô bé giản dị thôi “không cần hai người quay lại với nhau, chỉ cần một trong hai dời về thành phố mà người kia sống để em đỡ phải đi đi về về”. Vậy đấy, đôi khi những đứa con chỉ cần một sự chia ly ít rắc rối kéo theo, để chúng đủ sức quan tâm một lúc được cả hai người lớn.

Điều khiến tôi yêu thích những chia sẻ dọc đường kiểu này có lẽ vì nó không có chỗ cho sự đánh giá. Người kể chuyện cũng không sợ xúc cảm của mình rơi vào tai một kẻ thứ ba nào khác. Trong khoảnh khắc mơ màng của đêm tối, người ta cũng chẳng muốn phân định giữa chuyện của mình hay người khác.

Lần nọ, chú chó nghiệp vụ của cảnh sát Luxembourg lần ra mùi cần sa trong ba lô một anh chàng đi cùng xe bus. Dù không biết sẽ phải chờ đợi trong bao lâu, nhưng cả xe đã nhất trí ở lại chờ. 3 tiếng sau khi anh chàng quay lại, cả xe chỉ hỏi thăm xem đã diễn ra những gì trong đồn cảnh sát, tuyệt không một lời phàn nàn. Anh ta đã gặp đủ rắc rối rồi, nếu tiếp tục phải chịu đựng bọn tôi thì chẳng phải anh chàng sẽ càng thêm mệt mỏi sao? Lần đó tôi nhận ra một điều kỳ cục rằng những người xa lạ chính ra lại dễ bao dung cho nhau nhất.

Quãng đường The Hague – Rotterdam – Antwerpen – Brussels – Liège – Luxembourg – Dijon chỉ có một, nhưng mỗi chuyến đi mang lại cho tôi một cảm xúc mới toanh. Có lẽ vì những nỗi bận tâm trong đầu tôi thay đổi theo từng thời điểm, vì người đồng hạnh ngồi ghế bên cạnh cần những sự hỏi thăm lại từ đầu, và vì cuộc sống ngoài ô cửa kia cũng chuyển động theo mùa. 12 tiếng thật ra cũng có phần ngột ngạt với một đôi chân không được duỗi thẳng vào những mùa nắng đẹp, nhưng mùa Đông thì khác. Tôi thích cảm giác bó gối ngắm tuyết bám thành lớp bên ngoài cửa kính. Thỉnh thoảng giữa đêm tối lại hiện lên một cây thông

Noel được quấn sau những dải đèn màu lấp lánh. Tất cả những thần tiên của mùa Giáng sinh cứ thế trải dài ra trước mắt.

Rồi những chuyến xe vượt biên giới cũng phải có ngày kết thúc. Chuyến hành trình cuối cùng thực sự khó, tôi thậm chí đã không dám nhìn ra cửa sổ mỗi lần xe lướt qua những góc phố quen. Đừng nói là quen, bởi tôi đã từng bước đi trên đó bao giờ?

TRANG AMI

NGƯỜI ĐẸP magazine, January 2014 issue

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s