Bao giờ cho đến sân ga?

Đi tàu đã từng là kết quả những trông đợi sau giấc ngủ chập chờn mong mau tới sáng, để được lên ga đưa tiễn mỗi lần ngoại có dịp về quê, để được nhìn ngó đoàn tàu dài lăn bánh, để được nghĩ đến một lúc nào đó mình sẽ được đĩnh đạc ngồi lên như một hành khách đích thực…

Rồi tôi cũng có dịp đạt được sở nguyện của mình, trong quãng thời gian sống tại châu Âu.

Khung cảnh ngoài kia cửa sổ tàu cao tốc - Photo by Lang thang
Khung cảnh ngoài kia cửa sổ tàu cao tốc – Photo by Lang thang

Chẳng biết những châu lục khác thì sao, còn ở trời Âu nhà ga luôn được đặt ở ngay trung tâm thành phố, thuận tiện vô cùng cho việc di chuyển và thiết lập cuộc sống. Tàu vừa vào ga, tức khắc bạn hòa cùng nhịp điệu cuộc sống địa phương. Những gì đẹp đẽ nhất của một thành phố hiện ra ngay trước mắt, khi vừa bước xuống ke tàu. Thấp thoáng là sông, bên kia đường là con phố chính, ngẩng lên đã thấy những nóc nhà thờ đón chờ bước chân khám phá. Tôi tin tưởng tuyệt đối vào cái lí thuyết “nhà ga luôn dẫn về khu trung tâm”- đã ở trung tâm, thì sợ gì đi lạc? Thế là cứ thế mà đi, tùy hứng, tùy duyên, tùy hầu bao cho phép mình đi bao xa.

Thời du học ở Hà Lan, tôi chia nhà với một cô bạn hàng ngày vẫn đều đặn đạp xe, cho xe lên tàu, nhảy tàu đến thành phố nơi có sở làm, đạp xe đến chỗ làm. Vòng về cô lại trải qua quãng đường y hệt. Nhìn cảnh nàng thong thả đạp xe trên phố, chắc chẳng ai nghĩ cô gái này làm việc ở nơi cách mình 60km và phải ngủ dậy lúc 5am mỗi ngày để chuẩn bị.

Nhìn lữ khách đi tàu thật quá khó để biết họ đến từ đâu, đi về đâu, và vì công chuyện gì. Có lẽ vì thế mà tờ tạp chí TGV của hãng đường sắt quốc gia Pháp ưu ái dành cả trang báo cho chuyên mục “Où vas-tu?” (Bạn đi đâu đấy?) để hỏi chuyện những vị khách của mình. Người mẹ từ Strasbourg ở cách thủ đô gần 500 km vẫn hàng tuần tháp tùng con trai tham gia lớp kịch ở nhà hát. Cô gái chuyên làm nghề sắp đặt các ô cửa kính (ở hàng quần áo), hiện trên đường đi công tác ở Aix-en-Provence. Cậu sinh viên năm cuối tất tả đi nửa vòng nước Pháp để tham gia phỏng vấn xin thực tập… Đọc những cuộc hành trình của họ bỗng thấy vui như vừa được bắt chuyện người lạ trên đường.

Những chuyến tàu chính là sân khấu của Xã hội, phản chiếu những khác biệt về điều kiện, tính cách của những người đồng hành. Tôi thường rất thích thú với những tưởng tượng về cuộc đời họ. Cô bé tuổi vị thành niên còn chưa khô nướt mắt chia ly chẳng biết đã quen cậu bạn kia lâu chưa, hay hôm nay mới là buổi đầu tiên gặp nhau ngoài màn hình máy tính?

Cô giáo hí hoáy sửa bài đến đỏ bài kiểm tra hẳn là một giáo viên khó tính trong mắt học trò? Ông cụ tập tễnh phải nhờ đến gậy chống chẳng biết lát nữa có bước xuống tàu được không, hay mình sẽ ra sau cùng để giúp.

Đi tàu ở trời tây để thấy đó là quãng thời gian ít lo lắng nhất (có chăng là lo chuyến tàu này bị trễ sẽ ảnh hưởng tới việc nối chuyến sau – nhưng thường thì luôn được xử lí thấu đáo), mỗi người bận rộn tận hưởng quyển sách, bộ phim, trò chơi yêu thích của mình. Đó là phương tiện di chuyển khi mà sự thơm tho thành dĩ nhiên, sự nhanh chóng là tất yếu, sự tiện nghi là thứ “ai cũng phải có phần”.

Đi tàu ở Việt Nam lại là một trải nghiệm khác. Đó là một chuỗi những cảm xúc lên xuống thất thường mà tâm trạng cơ bản nhất là lo lắng. Vẫn nhớ tin nhắn tôi gửi đi cho người yêu khi chuyến tàu Huế – Đà Nẵng vừa lăn bánh, hồi tháng 5 vừa rồi: “Tàu chạy với tốc độ TGV, lắc lư như sắp rớt ra khỏi đường ray, cửa sổ lộng gió, âm thanh sống động luôn, người nằm la liệt dưới ghế, trên ghế. Em ngồi ghế cứng…”

Đi tàu ghế cứng để thấy cuộc đời còn lắm người chẳng dám mơ một lần bước vào phòng chờ sân bay. Bằng chứng là bao nhiêu người ông, người cháu còn lót nilon ngủ dưới gầm ghế kia kìa. Tối nay, có lẽ bé con sẽ nhớ mãi ấn tượng về một chuyến tàu đầu tiên sao chẳng đẹp, chẳng hay như cô giáo tả, và có khi nào bé đang quẩn quanh trong đầu nỗi chờ mong “bao giờ cho đến sân ga”…

TRANG AMI

Người Đẹp magazine, July 2014 issue

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s