Amsterdam, Amsterdam

 Gái hư đến Amsterdam ?

Tôi đặc biệt thiết tha những câu slogan đính trên áo thun du lịch ở các thành phố từng đặt chân qua. Bỏ xa những đối thủ nặng kí khác như Paris hoa lệ hay London nhiệt tình tuổi trẻ, Amsterdam chính là thành phố có những slogan khiến tôi liên tục ố á vì thích thú. Có chiếc áo thun với kí hiệu M (McDonald’s) bị chỉnh trang lại thành thế ngồi dạng chân gợi mời của cô đào nóng bỏng, không quên phụ họa thêm dòng slogan cố hữu « I’m lovin’ it ». Hay chiếc bao cao su có hình minh họa ở ngoài là ổ bánh mì baguette của người Pháp sẽ được khuyến mãi thêm dòng nhắn nhủ Bon appétit vô cùng mang tính hình tượng. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là dòng slogan liên quan ít nhiều đến gái hư : « Gái ngoan (chỉ) lên thiên đàng, gái hư đến Amsterdam » hay « Gái hư trở nên hoang dại ở Amsterdam ». Khoan vội gật đầu, sự ngoan hay hư của một cô gái là điều không thể phán xét ngày một ngày hai.

Thật vây, thích thú đó, cười vui đó, nhưng mỗi lần đọc thấy chữ gái hư ở Amsterdam, tôi vẫn thấy trống hoác trong lòng một nỗi lăn tăn khó tả. Các cô khách du lịch ngoài kia dễ dàng phá lên cười khi vô tình « được » liệt vào hàng gái hư như cái slogan đã tố cáo, nhưng chắc chắn có những cô gái không thể cười nổi khi nhìn thấy dòng chữ đó. Đó là những cô gái điếm buồn của tôi. Em có thể từ Mỹ Latinh nồng nhiệt, Phi châu nóng lửa hay tự chính Âu châu quê mình. Sự khác biệt từ chính hình hài, màu da của những cô gái bán hoa ở De Wallen (khu đèn đỏ lớn và có tiếng nhất ở Amsterdam) thể hiện ngay chính thái độ của họ khi ỡm ờ chào mời với khách. Với số lượng đối thủ cạnh tranh dày đặc và những ô cửa kính dọc khắp các con kênh khu trung tâm, các cô gái bán hoa tự tìm cho mình những các tiếp cận khách hàng khác biệt. Có cô táo bạo tiến sát ô cửa kính sẵn sàng kéo tuột chiếc quần nhỏ khi có khách tỏ ý săm soi, có cô thẳng thừng trừng mắt trước những khách du lịch vị thành niên hăng hái tò mò, nhưng cũng có nàng bình thản nhìn đoàn khách du lịch duyệt binh qua mắt mình, như thể ánh mắt soi mói là một phần của cái nghề buôn hoa bán phấn mà cô đang đeo đuổi. Raluca, cô bạn Rumani của tôi, có lần còn nhìn thấy một cô gái điếm bình chân như vại ngồi đọc sách đằng sau ô cửa hoang lạc.

Vậy đó, ai bảo một cô gái điếm thì không được đọc sách? Và càng chẳng có lí do để cấm họ đọc sách trong lúc chờ hành nghề. Cái sự chờ đợi của những cô gái điếm thực ra không mới. Họ đã chờ những chuyến tàu cập bến từ hồi thế kỉ 14, chờ những anh thủy thủ cần kíp một chút tình nơi đất cảng. Hồi đó, sau những chuyến lênh đênh bạc sóng, thủy thủ đã quá quen thuộc hình ảnh những người phụ nữ xách đèn lồng đỏ đến cảng biển để tìm khách. Và Khu đèn đỏ ra đời như một lẽ dĩ nhiên : có cung ắt có cầu. Chính vì những người đẹp đã giữ một vị thế quan trọng trong đời sống ái ân của giới thủy thủ mà trong bài hát « Ở cảng Amsterdam », danh ca người Bỉ Jacques Brel đã xướng lên :

« Ở cảng Amsterdam

Những chàng thủy thủ lướt khướt

Họ nốc và lại nốc

Rồi lại cứ nốc mãi

Họ nốc rượu chúc tụng những gái điếm từ Amsterdam

Từ Hambourd hay từ nơi khác nữa… »

Cũng như trái tim những chàng thủy thủ trong bài hát « Ở cảng Amsterdam » (Jacques Brel), khát khao nổi loạn của người trẻ trong tôi luôn đòi được thỏa mãn khi đến phố thị nơi này – thành phố của những « đôi chân cột bong bóng ».

Thành phố có đôi chân cột bong bóng

« Ba ơi, có phải là khi còn trẻ, người ta phải một hút cần sa trong những quán cà phê ở Hà Lan không ?» Câu hỏi đó dường như luôn vang lên sau cánh cửa của gia đình có con cái đến tuổi vị thành niên trên khắp thế giới này. Chị gái Elise của tôi cũng có lần nói « Đến giờ tuy đã đi du lịch khắp nhiều thành phố trên thế giới nhưng chị vẫn chưa đến Amsterdam vì những người bạn đã đến đó về đều xiểng liểng vì cần sa và những đêm trác táng ». Không phải tự nhiên mà Amsterdam bị cả thế giới đánh đồng với hình ảnh thác loạn, bởi nó là nơi quy về một mối của những thói hư tật xấu bị bài trừ ở hầu như đa số các quốc gia khác. Trong cái thành phố có vẻ ngoài hết mực lãng mạn và chỉn chu này, hết gái điếm lại đến cần sa.

Tháng 5 năm ngoái, giới chức Hà Lan quy định nửa cuối năm 2011 sẽ không cho phép bán ma túy cho khách du lịch nước ngoài, khiến những người chưa một lần đến Amsterdam sốt sắng tiếc nuối cho ngày tàn của một thời đại hút và bay. Tuy nhiên, đến đầu năm nay, tình hình tiêu thụ ma túy trong du khách nước ngoài vẫn chưa có gì cấm cản. Xoay quanh chuyện bật đèn xanh cho ma túy cũng có một số điều lệ đắt giá: Không bán ma túy nặng, không quảng cáo, cấm bán cho trẻ em, không bán hơn 5g cho một lần giao dịch với một người…

Các coffee shop là nơi người ta có thể mua và tiêu thụ cannabis (cần sa, một loại ma túy lấy từ cây dầu gai) và ma túy dưới những quy định khá nghiêm ngặt. Có thể bắt gặp hình ảnh cannabis xuất hiện trên những logo, kí hiệu ở khắp mọi nơi, ngay cả trong các cửa hàng lưu niệm cũng tràn trề những chiếc kẹo mùi cannabis. Mùi nồng ngái của loại cần sa này vẫn luôn lởn vởn thoáng ẩn thoáng hiện trên đường phố Hà Lan. Nếu thực sự quan tâm đến cannabis, bạn có thể tìm đến các bảo tàng cần sa nằm khiêm tốn cạnh các con kênh khu trung tâm. Ở dưới các bảo tàng này thường có một căn phòng bên dưới tầng hầm để trồng cần sa cảnh và đừng quên đặt câu hỏi cho những nhân viên bảo tàng.

Có dịp dừng chân một coffee shop bít bưng kín cửa then cài, tôi còn nhớ như in cảm giác hồi hộp khi đưa điếu thuốc quấn cần sa lên miệng, trong tiếng ngăn cản yếu ớt của anh bạn đồng hành. Với khoảng 5 euros cho một điếu thuốc quấn, tôi vậy là cũng đã có cảm giác thử qua một trong những món ăn chơi khét tiếng cấm kị trên đời. Nhưng thật… tiếc là tôi đã chẳng có cảm giác gì đáng kể bởi theo lời của anh chàng phục vụ trong quán giải thích thì « Những người đã từng hút thuốc sẽ không có được cảm giác gì vào lần đầu tiên hút cannabis ». Vậy nên, không phải bất kì ai cũng có thể có được cảm giác « Đừng uống và lái xe mà hút và bay » như slogan dễ dàng bắt gặp ở Amsterdam.

Mùa Xuân năm nay, chị Elise quyết định cùng chồng và cậu con trai trưa tròn một tuổi ghé thăm Amsterdam lần đầu tiên trong đời. Tôi trộm nghĩ, có lẽ Elise muốn tận mục sở thị phố thị nơi này để chuẩn bị cho khúc mắc của cậu con trai trong chừng hai mươi năm nữa. Chẳng biết lúc đó Amsterdam có còn bật đèn xanh với ma túy không ? Nếu mà có thì tôi (may phước) chắc không phải là người buồn nhất.

TRANG AMI

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s