Chị Lan Vũ nhắn tin trên Facebook, nói rằng chị muốn đọc lại bài viết “Gap-year bất đắc dĩ” tôi viết hồi năm 2009, một năm sau ngày “thành-công-bị-trì-hoãn” ở kì thi Đại học năm 2008. Tôi không bất ngờ với lời đề nghị này, bởi đây cũng là một trong những bài viết đặc biệt của mình.
Chúng ta hãy đi bằng một con đường khác. 🙂
Có một điều thú vị nữa là, khi vừa trở về từ cours học Pratique Pro sáng nay, đọc được tin nhắn yêu cầu của chị, tôi đã reply ngay là tôi sẽ làm điều đó vào tối nay. Chị trả lời rất nhanh sau đó “Em lúc nào cũng thật-là-nhanh”. Thực ra đó đã là thói quen của tôi rồi, tôi luôn sợ mình sẽ bị quên đi một việc gì đó (nhất là những việc trước sau gì cũng phải làm), vậy là một khi có bất kì điều gì cần làm, tôi thường note lại trong cuốn sổ cầm tay của mình và tối tối lại kiểm tra xem những việc của ngày đã hoàn thành hay chưa. Hơn nữa, công việc đó còn là một niềm vui khác nữa. Đâu phải ai cũng quan tâm đến những điều tôi từng viết ra, nhất là những bài viết của những ngày đã cũ.
—
H2T reality
Gap – Year bất đắc dĩ
Tháng 7 này là đúng một năm tròn xoe ngày tớ bị loại ra khỏi… vòng giữ xe của trường Đại học! Đây cũng là mốc khởi đầu cho một gap – year đúng nghĩa trải nghiệm của tớ.
Lên list cho những kì thi khác
Tớ biết tin về điểm thi Đại học của mình trong lúc đang đi du lịch dài ngày với gia đình trong một ngôi làng nhỏ tên Le Born, ở miền Nam nước Pháp. Việc đầu tiên tớ làm sau sau khi online xem điểm là chạy ào xuống nhà bếp, nơi mẹ tớ đang hì hụi làm món bánh xèo, và… khóc lu loa. (Tất nhiên rồi, vì tớ đã tự tin là mình sẽ đậu, thậm chí là đậu cao sau khi thi xong mà!) Và mẹ với papa đã nói với tớ đúng một câu y chang nhau (dù ở hai hoàn cảnh khác nhau) sau khi biết chuyện là : “Chúng ta đi con đường khác, chúng ta làm cách khác vậy”.
Ngay ngày hôm sau, tớ đã lên kế hoạch cụ thể sẽ đi học thêm photoshop, tiếng Anh (luyện thi IELTS), và đàm thoại tiếng Pháp khi về nước. Trước mắt, tớ sẽ chạy đua trong một năm để chinh chiến với các kì thi tiếng, và mục tiêu đã rõ: du học Pháp.
Tớ chủ động đi làm thẻ thư viện tiếng Pháp ở tầng 5 trung tâm tư liệu để tìm sách chuẩn bị ôn cho kì thi DELF B1. Với sự giúp đỡ của chú Gérard và nhất là papa, kết quả là tháng 11 tớ qua được kì thi DELF B1 với 20/25 điểm dành cho phần nói. Nhận ra tính chủ quan là một trong những yếu tố làm trì hoãn thành công ở kì thi Đại học, tớ bắt đầu làm quen với cách học chủ động, và nhất là không-chủ-quan. Chính tớ là người “tầm sư học đạo” lẫn thành lập một nhóm học với Estelle, lúc này đang làm giảng viên của trường Ngoại ngữ. Sau này vì bận cho chương trình thạc sĩ của mình, cua học tiếp tục với sự hướng dẫn của Julien (vốn là… bạn trai của cô Estelle, anh này có gương mặt kiểu Justin Timberlake nhé J). Dù chuyên ngành của Julien là Công nghệ thông tin, nhưng đâu hề gì, bọn tớ học đàm thoại và văn hoá Pháp là chính mà! Kì thi TCF hồi tháng 2, tớ có số điểm viết ấn tượng, và nhất là kì thi DELF B2 tháng 5 (Trình độ yêu cầu dành cho học sinh muốn đi học ở Pháp) tớ cũng đã làm bài rất tốt, dù đến lúc đang gõ bài này thì tớ vẫn chưa nhận được kết quả, hì.
Nhưng (luôn có một chữ nhưng), trừ chương trình chuẩn bị cho IELTS và các cua Pháp vẫn vận hành tốt, tớ vẫn chưa thu xếp để đi học photoshop được, vì có một vấn đề to đùng nảy sinh vào hồi cuối năm ngoái: Tớ buộc phải đậu vào một trường Đại học nào đó của Việt Nam thì mới được sang Pháp học. Tớ bắt đầu phải học ôn thi Đại học khi teen 12 đã lục tục sang học kì hai!
Tình nguyện hùng hục, làm việc liên tục
Công việc tình nguyện của tớ năm nay gồm nhiều thể loại: chân xe ôm cho cô Dany Mẫn (Chủ tịch hiệp hội nhân đạo “Giọt nước”), cùng tham gia hành trình “như chưa hề có cuộc chi ly” phiên bản người thật việc thật cùng đoàn Hội hữu nghị Pháp – Việt, đến thăm gia đình các nạn nhân chất độc da cam thành phố, và nhất là những lần đi phiên dịch đã giúp tớ nhìn thấy được tận cùng của bất hạnh. Nhớ lần về nơi nghèo nhất thành phố dự buổi phát bò, heo cùng AAFV, tớ đã không cầm lòng được khi vừa về là lao ngay lên văn phòng H2T tại Đà Nẵng để viết bài tham dự cuộc thi viết “Việt Nam quê hương tôi”. Những lần nhìn thấy mình lên hình trên ti vi, dù vỏn vẹn chưa đầy hai phút, tớ vui nguyên cả tuần liền sau đó.
Tháng 5, tớ có một công việc part-time khá hay ho là đi dịch cho hai bác sĩ Francis, Charlotte ở Trung tâm phục hồi chức năng. Tất nhiên với một đứa ngoại đạo như tớ, một tháng đó không là gì cả về chuyên môn, nhưng ít nhất tớ cũng thấm được nhiệt tình làm việc của các bác sĩ ở đây, lẫn việc cảm nhận niềm vui của bệnh nhân ở đây khi một ngày tự đứng dậy khi bị ngã xe lăn… Tớ cũng biết được hậu quả của lần chạy xe ẩu, đội mũ bảo hiểm không đúng cách hay sơ ý ngã xuống hồ nước trong một đợt cắm trại, là cả năm trời ròng rã phục hồi lại từ đầu từng cử động nhỏ nhặt nhất.
Cộng tác cho H2T cũng là một trong những công việc part-time mà tớ không thể không kể ra đây. Dù đã 4 năm kể từ ngày có bài đầu tiên lên báo, tớ vẫn không thể bỏ được thói quen đọc đi đọc lại bài mình mỗi lần báo ra. Tất nhiên, niềm vui mỗi lần nhận offline báo nhuận bút về cũng còn nguyên vẹn nốt, hehe. Dấu ấn của năm là bài báo “Rớt Đại học đã không còn là nỗi ám ảnh” và việc tớ được tăng lương, hehe. Sự vụ có bài đăng lên báo Đất Việt và báo của Hội hữu nghị Pháp Việt (bằng tiếng Pháp, đuơng nhiên ^^) “Perspectives france- vietnam” cũng là hai niềm vui không hề nhỏ của tớ.
Và phượt khí thế
Với giọng văn tỉnh tỉnh và khoa học như năm ngoái tớ đã không ghi điểm, hi vọng là bài văn năm nay, sau khi đã thực sự nhìn ngắm một chuyến tàu đêm (khi chờ bốc hàng ở ven một đường ray tỉnh Quảng Trị, chuyến xe đi Savannakhet), tận mắt nhìn ngắm hình ảnh “Núi đôi” của Vũ Cao hay tiếp xúc với cuộc sống của những người dân tộc thiểu số hai tỉnh Hà Giang, Lào Cai hồi tháng 3… tớ tin rằng tớ sẽ viết được nhiều điều thật hơn, tình cảm hơn trong bài thi sắp tới của mình.
Hầu như tháng nào tớ cũng đi du lịch, nhưng chuyến phượt để lại ấn tượng nhất cho tớ chính là chuyến đi Savannakhet cùng với cô hoạ sĩ Michelle Pontie hồi tháng 2. Chuyến đi này phải gọi là kịch tính vì bọn tớ đã đến nơi bình an và trở về cùng một tỉ những điều không đi thì đố mà biết được. Kịch tính ở chỗ, dù đã mua vé xe ở tận bến hẳn hoi, nhưng rút cuộc bọn tớ đã khởi hành bằng một chuyến xe hàng cổ lổ sĩ và ì ạch 24h đồng hồ mới tới được đến đích. Bài học từ chuyến đi không phải là những địa điểm resort đẹp ngất, các món ăn ngon ở nhà hàng đặc sản Savannkhet, hay những cảnh hoang sơ đẹp đẽ mà mọi người hình dung! Ngược lại, tụi tớ đã biết đến nỗi vất vả của những cô chú người Việt sang Lào buôn bán, những câu chuyện lúc mới sang bị tẩy chay ở lớp chỉ vì màu da hơi khan khác hay nạn nhũng nhiễu trắng trợn của các chú cảnh sát giao thông nước bạn. Nếm mùi nắng nóng của Lào dù chỉ mới tháng hai (nóng gấp mười lần cái nóng ở miền trung vào hè), tận mắt nhìn thấy những cánh đồng cháy khô vì mấy năm chưa được tưới mưa, tớ biết quý hơn những hình ảnh lớp lớp cánh đồng xanh rì ở quê mình. Trên chuyến xe trở về, tớ đã biết là có ngày tớ sẽ quay lại đây, để làm tình nguyện!
Vĩ thanh
Tớ nhận ra rằng, trừ một cái giấy gọi vào Đại học là chưa trọn vẹn, thì những điều tớ trải nghiệm được sau một năm gần quay về lại điểm bắt đầu, là vô giá.
Thành quả lớn nhất của năm chính là được một Viện khoa học và công nghệ ở Besancon chấp nhận vào chuyên ngành truyền thông, theo chương trình ASIUT (một chương trình hỗ trợ tối đa cho sinh viên Việt Nam) cùng gần 20 người bạn trên cả nước.
Trang Ami
HOA HỌC TRÒ MAGAZINE
bài viết rất hay, cám ơn chị. Em đọc bài viết này khi vừa mới nhận tin mình trượt một trường mà em apply ở nước ngoài. Nhưng em vẫn sẽ bắt đầu lại từ đầu cho năm sau và tìm kiếm con đường của riêng mình.
ThíchThích
Ngày chị thông báo mình rớt Đại học, ba mẹ chị, người ở trên lầu, người ở… dưới đất, đều nhìn chị và nói rằng “Chúng ta sẽ đi một con đường khác”. Và chị cũng muốn nói với em y hệt! Cố gắng nhé!
ThíchThích
Có phải Gap-year chỉ dành cho sinh viên không ạ?
ThíchThích
Ôi xin lỗi Phương đến tận… 6 năm sau chị mới nhận được câu hỏi này ahuhu. Gap-year thường là chương trình dành cho các bạn học sinh đã tốt nghiệp THPT, không muốn vào đại học ngay mà dành một năm để thăm thú thế giới, làm từ thiện hoặc chu du đâu đó để tích luỹ vốn sống. Nhưng chị biết những người bạn tốt nghiệp cử nhân cũng theo đuổi gap-year muộn trước khi vào thạc sĩ, hoặc bước vào môi trường công sở. Quan trọng không phải là lúc nào, mà là mình đã thực sự sẵn sàng để “giải lao” một năm trọn vẹn, cho mình. Chúc em gap-year thiệt vui, một năm nào đó trong đời, nha!
ThíchThích