Lefebvre Elise, cô nàng Digan trên chiếc xe gốm sứ

Không chịu nhận mình là một nghệ sĩ đương đại nhưng Elise vui vẻ chia sẻ ước mơ « thổi gốm sứ vào đời sống người Pháp đương thời » của mình – cô du mục dọc ngang đất nước với chiếc xe chở đầy đồ sành sứ.   

Elise Lefebvre

Người thổi hồn vào đất

         Nước Pháp chưa bao giờ tắt huy hoàng trong tất cả những lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật, điều này hiển hiện trước mắt du khách trong cửa hàng của nhà thiết kế trẻ ở khu Marais, gian hàng bé xíu trên phố trong những ngày Lễ hội hay cả những tấm áp phích giới thiệu Triển lãm nghệ thuật được dán chi chít trong métro. Thế giới sáng tạo nghệ thuật của những nghệ sĩ trẻ tuổi mới đôi, ba mươi luôn không ngừng chuyển động, và Lefebvre Elise là một trong số những nghệ nhân làm gốm điển hình.

Coup-Thedeferme

Cuộc đời gốm sứ của cô bắt đầu từ những ngày luyện thi bằng tú tài Nghệ thuật ứng dụng ở trường cấp ba, với tận 15 tiếng vẽ mỗi tuần. Sau đó, cô tiếp tục theo học bằng BTS ngành Sản xuất vải vóc ở Roubaix, miền Bắc nước Pháp, trước khi chuyển sang học Nghệ thuật gốm sứ thủ công ở Paris. Ngôi trường « Dupérré » ở Paris là một trong bốn trường công về nghệ thuật ứng dụng ở thủ đô ánh sáng với những thành tích nổi bật nhất. Từ chuyên ngành vải chuyển sang gốm đơn giản vì cô muốn đầu tư vào một công việc đòi hỏi lao động tay chân cao. Với Elise, đây là một lĩnh vực mà người làm nghề phải luôn tiếp tục học hỏi không ngừng bởi nền công nghiệp gốm rất đa dạng và còn nhiều bí ẩn, kể cả đối với những người thợ lành nghề. Cô cũng cho hay, có một mối liên hệ rất gần gũi giữa gốm và những lĩnh vực nghệ thuật khác đó là điêu khắc, nhưng bản thân cô lại thích hội họa để qua đó tìm kiếm màu sắc, cảm hứng sáng tạo, rung cảm nghệ thuật… trong mỗi sản phẩm của mình.

Một trong những sản phẩm của Elise

         Làm gốm là một nghề thủ công luôn tồn tại cho đến những giờ phút hoàng kim cuối cùng vào những năm 70, thời kì thịnh vượng của phong trào Hippie, khi người ta vô tình quên lãng lĩnh vực này cho những vấn đề mang tính nhân văn khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, công nghiệp gốm sứ trở lại với hình ảnh trong suốt, sáng động và đơn giản hơn. Sinh ra và lớn lên trong thời kì đồ gốm không còn thực sự phát triển, nhưng Elise vẫn quyết theo đuổi sự nghiệp của mình bằng cách tìm đến những con người đặc biệt để xốc thêm động lực: gặp cụ già làm gốm truyền thống ở Auvergne, ghé thăm một xưởng luyện bằng đồng hay tham quan nơi làm việc của một nghệ sĩ gốm sứ thành thị. Nhưng cuộc gặp gỡ hay nhất là với ông thợ đúc tên Guy Eliche, một nghệ nhân đã làm việc trong suốt 18 năm ở xứ Xevrơ. Kể từ 7 năm nay, Elise sở hữu một xưởng đồ gốm ở Pantin, ngoại ô Paris.

         Thế giới gốm thần tiên 39m2

Khác biệt giữa một nghệ nhân làm công với một người làm chủ đó là, khi làm chủ, Elise có thể bắt tay thực hiện tất cả những dự án của mình. Thành công đạt được cũng rất đặc biệt bởi cô chính là người làm từ A đến Z tất cả công đoạn sản xuất đồ sành, sứ cho thương hiệu riêng. Thông thường, chỉ có một mình Elise ở xưởng, thỉnh thoảng cô nhận thêm một vài thực tập sinh.

Pantin là một thành phố nằm ở ngoại ô phía Đông Bắc của Paris với rất nhiều dân nhập cư đa văn hóa. Để khuấy động phong trào phát triển nghệ thuật của thành phố, ngài Thị trưởng của Pantin đã tiếp đón nhiều nghệ sĩ đến đây với ưu đãi cho giá thuê mặt bằng. Mặc dù Elise chỉ bán tại xưởng được rất ít sản phẩm nhưng vẫn hài lòng vì được hòa nhập với cuộc sống đa văn hóa nơi đây, điều giúp tạo thêm nhiều cảm hứng cho các sản phẩm của mình. Có khi họ là người từ châu Phi xa xôi hay từ châu Á sang, nhưng hầu hết đều có mối liên hệ với đất, nên ai cũng quý cô nghệ nhân làm gốm này. Elise chia sẻ : « Tôi có nghĩ về một xưởng gốm ở ngay trong nội thành Paris nhưng bạn biết đấy, giá mặt bằng ở Paris quá đắt và tôi thì muốn thuê được một xưởng gốm kiêm cửa hàng nên yêu cầu phải có diện tích thoải mái, như vậy sẽ không phải mất công chạy tới chạy lui để bán sản phẩm gốm của mình. » Vào ngày hội mở cửa các xưởng thủ công nghệ thuật trên toàn nước Pháp năm nay, xưởng gốm của Elise đã được thành phố Pantin chọn làm nơi đến thăm của ông Bộ trưởng thủ công nghiệp – vinh hạnh lớn lao mà bất kì nghệ nhân nào cũng mong có được.

Hiện nay Elise đã sản xuất được hai bộ sưu tập sành sứ. Nếu đồ sành tập hợp các món đồ có tính ứng dụng (chén dĩa, giá để xà phòng, bình hoa…) với nhiều họa tiết đầy màu sắc thì bộ sưu tập sứ Wonderland lại tập hợp những sản phẩm gắn họa tiết con thú thuộc thế giới truyện cổ tích của trẻ em: khuy áo mặt thú, dây chuyền mặt thỏ, hộp đựng nữ trang có nắp hình thú, thậm chí trên chiếc dĩa ăn cũng có một con sói nhỏ được đính trên một góc dĩa tạo hình con sói đang đi ăn lang với những dấu chân sống động. Bộ sưu tập theo chủ nghĩa hiện thực này, khi vừa xuất hiện trên thị trường đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của chuyên gia và những người bán hàng ở khắp nơi trên thế giới : Hà Lan, Nhật, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh. Thời điểm nặng nhọc nhất nhưng cũng thú vị nhất của nghệ nhân gốm là vào mùa Noel, đây là khoảng thời gian mang lại cho cô chủ đến 1/3 doanh thu của năm và cô thường phải làm việc 7/7 ngày với cái lò nung liên tục hoạt động.

Elise cho biết, công đoạn sản xuất yêu thích nhất của cô là đổ khuôn. Vì cô chọn sản xuất thủ công nên luôn phải lặp lại nặn hình dáng, chăm chút cho các chi tiết trang trí. Khi đã xong đúc khuôn, những sản phẩm này sẽ được khoác lên một lớp đất có màu nhạt còn gọi là lớp áo. Trong phần nung, mẻ đầu tiên sẽ nấu ở 1050° và sau đó là được tôi luyện trong men trong suốt và nấu lại ở 1000°. Khó khăn nhất trong việc sản xuất là nghệ nhân phải thực sự cẩn thận trong tất cả các vật liệu mình sử dụng cho mẻ nung như nước, khoáng vật và lửa. Ngoài ra, người nghệ nhân gốm sứ cũng phải kiên nhẫn với các công đoạn khác nhau (sấy 2 ngày, nung 1 ngày).

Mỗi mùa, Elise luôn tìm cách nghĩ ra một chủ đề mới để đỡ gây nhàm chán cho khách hàng. Việc phát triển sản xuất trên trang sức và chén dĩa là một cách làm mới mình với những sản phẩm có tính ứng dụng khác. Một ngày làm việc của Elise bắt đầu sớm hơn những người Pháp khác. Cô dậy lúc 7h (bây giờ là với một bình sữa trên tay cho cậu bé con mới ra đời trong năm nay) và dành khoảng 30 phút cho máy tính để trả lời mail, đơn đặt hàng và các hóa đơn. Tiếp theo, cô chủ đến xưởng bằng xe đạp và luôn bắt đầu bằng việc đem các mẫu trong khuôn ra và tô màu cho chúng, sau đó đem những mẫu trong lò ra và tạo mẫu mới: tráng men, trang trí mẫu, chuẩn bị màu và đất hoặc chuẩn bị cho các đơn đặt hàng. Cuối cùng, Elise hóm hỉnh « Buổi tối như tối hôm nay, tôi trả lời các bài phỏng vấn! »

Cô gái du mục với chiếc xe chất đầy gốm sứ

Cô không cho rằng mình là nghệ sĩ nhưng là một người thợ thủ công ham dịch chuyển trong thế giới nghệ thuật đương thời. Để có được cảm hứng làm việc, Elise thường nghe radio để được tiếp xúc với những câu chuyện của mọi người, ngoài ra các buổi triển lãm gốm sứ, hội họa (Morandi hoặc Rothko) và du lịch khám phá vùng đất mới cũng là lựa chọn kiếm tìm cảm hứng. Elise thường theo dõi nghệ thuật trang trí hoặc nghệ thuật đại chúng trong những năm 30 và 60 ở Pháp và len lỏi vào các hội chợ đồ cũ trong và ngoài nước : Mexico, Hàn Quốc, Thụy Điển, Việt Nam.

Khi được hỏi làm thế nào để tìm khách hàng, Elise đã trả lời cô thường đi Paris và đến các buổi triển lãm trong Pháp với phép so sánh thú vị: « Tôi là một người du mục với chiếc xe được chất đầy đồ gốm ». Để tìm các khách hàng chuyên nghiệp, Elise tham gia triển lãm Maison&Objets (Nhà&Đồ vật) là một triển lãm ngày càng có tiếng tăm ở châu Âu, dành cho đối tượng là người mua từ các cửa hàng trên toàn thế giới. Để tìm tới những khách hàng nhỏ lẻ, cô tham gia những triển lãm như sự kiện thường niên diễn ra tại bảo tàng Louvre hay tại miền Nam nước Pháp. Chợ lớn nhất Pháp của nghề này là ở Aubagne. Để cập nhật thông tin của mình, cô nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia đồ họa Cabane, cũng là bạn trai cô. Julien đã tạo website, lập blog và làm các quyển catalogue, thực hiện logo, áp-phích cho mỗi sự kiện mà Elise tham gia. Ngoài ra, cô còn là thành viên của Ateliers d’art de France, một tổ chức quan tâm đến sự phát triển của các nghề về nghệ thuật ở Pháp cũng như đưa ra hình ảnh của lĩnh vực này ra nước ngoài : ủng hộ về mặt Pháp lí, tài chính cho các nghệ nhân khi tham gia triển lãm, học nâng cao, cửa hàng.

Cũng như tất thảy những nghệ nhân khác ở Pháp, Elise thường xuyên tham gia vào những chuyến đi bán hàng tại triển lãm trong nước. Thông thường, cô tham dự 15 triển lãm mỗi năm và một nửa trong số đó thường diễn ra ngoài Paris và thường vào dịp cuối tuần. Elise luôn tìm cách liên hệ với ai đó có nhà ở gần nơi triển lãm để được tá túc cho buổi tối thứ bảy. Sáng hôm đầu tiên, cô dậy thật sớm đi bày biện gian hàng của mình trên chợ, vốn thường diễn ra ở ngoài trời. Trong khoảng 1h30 phải sắp xếp đủ mọi thứ và trang trí sạp hàng cho thật bắt mắt trước khi ngày bán hàng bắt đầu. Buổi tối thường là thời điểm mà tất cả các nghệ nhân gặp gỡ nhau để chia sẻ công chuyện. Chủ nhật, việc mua bán lại tiếp diễn và đến tối hôm đó thì tất cả lên đường trở về Paris. Chuyện giăng lều trong vườn nhà người dân để tá túc qua đêm đã quá quen với những nghệ nhân như Elise. Kỉ niệm buồn cười nhất của cô trong quá trình du mục cùng trời cuối đất là khi đi camping ở Lyon cho một triển lãm. Vì chiếc xe camping quá cũ nên cô và người bạn đồng hành đã đi chậm hơn so với bình thường, khiến họ phải ngủ lại trên đường, ngay bên trên đống đồ gốm.

Nghề gốm Việt Nam trong mắt Elise

Mỗi quốc gia, nền văn hóa khác nhau thường có những cách sáng tạo khác nhau cho nghề này. Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc hay Anh là những nơi có nền làm gốm đương đại phát triển nhất hiện nay. Nước Pháp tuy từng có rất nhiều xưởng làm gốm quan trọng, nhưng chúng đang bị biến mất dần. Tuy nhiên, nước này vẫn còn rất nhiều thợ thủ công phát triển độc lập với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Tuy không có nền gốm sứ phát triển nhưng Pháp vẫn nằm trong hàng 10-15 quốc gia quan trọng về lĩnh vực này.

Có dịp ghé thăm những làng gốm ở cả ba miền tại Việt Nam, Elise vẫn còn nguyên ấn tượng với làng gốm Bát Tràng. Ở đây, cô đã được tiếp xúc với những bậc thầy làm gốm có tay nghề cao. Trong mắt cô, sản phẩm  gốm ở đây rất bình dân, truyền thống và thợ thủ công ở Bát Tràng biết sử dụng kiểu dáng cổ xưa để sáng tạo cho sản phẩm gốm đương đại. Elise thích nhất là được tiếp xúc với những sản phẩm gốm gắn liền với đời sống văn hóa của người Việt Nam. Chẳng hạn, ở Việt Nam, bạn có thể tìm thấy những chiếc đĩa kích thước khác nhau, nông hay sâu tùy thuộc vào mục đích sử dụng: tô để ăn Phở, chén ăn cơm, chén nước uống trà… Chỉ tiếc là nghề gốm ở Việt Nam chưa thực sự phát triển và người nghệ nhân gốm sứ vẫn chưa thể « tự do như khí trời » trong sáng tạo và tài chính để phát triển tính nghệ thuật trong lĩnh vực này.

TRANG AMI

[Contemporary Icon – Mỹ Thuật magazine – December 2011 issue]

2 Comments Add yours

  1. Thúy Trần nói:

    Em thích chị quá ạ! Phải làm sao bây giờ?

    Thích

    1. Trang Ami nói:

      Em uiiiii giờ chị mới đọc được tin nhắn của em từ năm 2018 :)). Kinh khủng khiếp là lâu, tại chị, tại chị low tech quá :))) mỗi lần lên wordpress là đăng bài chứ chẳng để ý notification haha. Sorry em giờ chị mới reply nè nha. Em muốn ngó nghiêng các tác phẩm gốm sứ của chị Elise thì có thể follow Instagram của chị ấy nha: https://www.instagram.com/eliseceramique/

      Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s