Jean giấy dó, người họa sĩ ở túp lều thân hữu

« On fait souvent des rêves insensés de vouloir courir le monde »« Chúng ta vẫn thường mơ thấy giấc mơ rồ dại được chạy vòng quanh thế giới » và Jean Cabane cũng vậy. Chỉ khi đến với Hội An, người họa sĩ đến từ miền Nam nước Pháp này mới quyết định khép cửa giấc mơ lang thang của mình và ném chìa khóa trái tim đâu đó dưới đáy sông Hoài.

Tình cờ đến, tình cờ ở lại

Về những người nghệ sĩ và nghệ thuật, Paul Eluard viết: « Đó là sự hợp nhất của thế giới với con người và giữa con người với nhau. » Với thầy giáo Jean, quyết định đi Việt Nam đã mở ra cho ông một sự hợp nhất với những gặp gỡ mang tính đời người.

Để trả lời cho câu hỏi tại sao lại chọn Việt Nam, Jean Cabane hồi tưởng : « Đối với những người thuộc thế hệ tôi, Việt Nam vẫn còn nguyên trong tâm trí với khẩu hiệu « Paix au Vietnam » (Hòa Bình ở Việt Nam) vang vang trong các cuộc biểu tình phản chiến diễn ra ở Pháp, châu Âu, thậm chí là trên toàn thế giới vào những năm 60,70 » Bản thân ông cũng từng tham dự những cuộc biểu tình phản chiến đó với tất cả ngưỡng mộ dành cho dân tộc Việt. Chính vì thế, ngay khi nhận được lời mời sang Đà Nẵng giảng dạy ở khoa tiếng Pháp trường Đại Học Ngoại Ngữ sau khi về hưu, thầy giáo Jean đã ngay lập tức nói « Oui » với trải nghiệm này. Sau đó là một cuộc gặp gỡ, một tình yêu kết thúc bằng đám cưới truyền thống cùng người phụ nữ Việt Nam da vàng.

Họa sĩ Jean Cabane trước hết là một người thầy. « Trong suốt 37 năm gắn bó với nghề nhà giáo ở Pháp, tôi đã từng làm việc với những trẻ em cá biệt có hoàn cảnh gia đình éo le và thường là con cái của những người nhập cư nghèo. Công việc của tôi là giúp những học sinh này hòa nhập với cuộc sống nhà trường như những em khác. Đây là công việc đòi hỏi rất nhiều tính kiên nhẫn và lòng nhân ái. » Ông cho rằng, công việc sư phạm có một mối gắn kết với nghề vẽ của người họa sĩ với tinh thần bao dung và sự cho đi. Và Jean đã tìm đến hội họa ở tuổi 40 khi tìm thấy sự đồng điệu giữa hai công việc này. Ở Pháp, không có cánh cửa nghệ thuật nào khép lại khi bạn thực sự muốn bước vào. Vậy là ở lứa tuổi lưng chừng của đời người, Jean bắt đầu theo học tại một xưởng vẽ ở Nîmes và tham dự những lớp học ngoại khóa của trường Mĩ thuật thành phố, bắt đầu tìm hiểu về tranh sơn dầu, màu nước, màu phấn… Cuộc gặp với Pascal Thouvenin, thầy giáo ở xưởng vẽ mà Jean gắn bó trong suốt 12 năm trời, đã đánh dấu sự gắn bó của ông với công nghệ giấy : tranh thủy mạc, tranh vẽ bằng màu keo – Tempera (sơn làm bằng một chất màu trộn với lòng đỏ hoặc lòng trắng trứng và nước), nghệ thuật cắt dán, mực Tàu. Cùng những kiến thức này, họa sĩ Jean Cabane tìm hiểu kĩ hơn về các nghệ sĩ Hoa Kỳ thuộc trường phái Chủ nghĩa biểu hiện Trừu tượng (Pollock, Rothko, Sam Francis, Motherwell) và những họa sĩ lừng danh Pháp từ Cézanne đến Picasso hay Matisse, cũng không quên nhắc tới các tên tuổi thời Phục Hưng Ý thế kỉ 14,15… để tự hình thành phong cách mĩ thuật Jean Cabane. Tranh của Jean độc đáo ở chỗ nó được thể hiện toàn bộ trên nguyên liệu của người Việt Nam, với giữa những bát mực, màu, bút vẽ có cán tre, rượu trắng và đặc biệt là giấy vẽ mà ông sử dụng là loại giấy dó thủ công của người làng Dương Ổ, Bắc Ninh. Sắc màu thường xuất hiện trong tranh Jean Cabane là những sắc màu của đất và trời, xanh và nâu, mà ông thường bắt gặp trong con hẻm rêu phong phố Hội hay trên những cánh đồng quê.

Cánh đồng _Photo credited to Jean Cabane

Ngoài chủ đề cuộc sống Việt Nam được thể hiện trên giấy dó truyền thống, họa sĩ còn tự đặt mình vào tâm thế của một trái tim thuần Việt trong khi sáng tác: « Để vẽ, tôi thường lặng ngồi trong căn phòng thờ có đặt di ảnh của ba mẹ mình. Ở nơi đó, tôi luôn cảm giác sự vắng mặt và hiện hữu là một, là duy nhất. Điều gì đã dẫn tôi tới đây? Tôi đến đây và đánh rơi bản thân mong tìm thấy một tôi tốt lành hơn, nói đơn giản là để tìm thấy chính mình. Rồi cuộc sống vốn nhiều sự tình cờ và tình cờ tôi được gặp gỡ một người thay đổi cuộc đời mình. »

Ami Galerie, túp lều thân hữu

Những ngày đã qua không thuộc về chúng ta nữa, trong mỗi người chỉ còn lại dấu vết của những chặng đường xưa cũ. Và còn lại trong trí nhớ của người họa sĩ có ánh mắt hiền từ này là ánh sáng vàng rực buổi bình minh ruộng đồng, là bóng hoàng hôn buổi chiều tà trong tiếng chân trở về của những người nông dân làng Cẩm Thanh hay những chiếc vỏ sò mà sóng biển Thanh Bình xô dạt bờ. Tất cả những hình ảnh gắn bó với cuộc sống của Jean từ nửa thập niên nay ở Đà Nẵng và Hội An chính là nguồn cảm hứng bất tận trong nghệ thuật của ông: từng ngọn núi, những dòng sông suối nước, hay đầm sen rực rỡ đều là những hình ảnh có thể tìm thấy trong tranh của Jean được triển lãm tại Ami galerie.

Hội An mai mối cho ông tình bằng hữu với cố họa sĩ chân quê Từ Duy, và Jean Cabane quyết định gắn bó với nơi đây bằng Ami galerie trên phố Nguyễn Thái Học, vốn là Phòng Triển lãm chuyên đề của thành phố. « Ami » trong tiếng Pháp có nghĩa là Người bạn và « Cabane » chính là Túp lều.

Một buổi diễn kịch ở AMI galerie, 46 Nguyễn Thái Học, Hội An, Photo credited to AMI GALERIE

Cũng chính tại túp lều thân hữu này đã đem đến Jean những cuộc gặp gỡ với khách du lịch, nghệ sĩ trong nước và quốc tế từ năm 2008 đến nay. Tại đây, họa sĩ Cabane đã tổ chức các triển lãm cùng với những họa sĩ Việt Nam đến từ Đà Nẵng, họa sĩ sơn mài Michelle Pontie, đôi vợ chồng họa sĩ Hà Lan, họa sĩ Đức… và cả triển lãm ảnh cùng « nữ hiệp sĩ văn chương gốc Việt » Anna Moï với một nhiếp ảnh gia trẻ người Pháp. Năm 2008 và 2010, Jean đã thực hiện hai cuộc triển lãm ở Bordeaux, Paris và tháng 3 năm nay ông sẽ triển lãm ở Trung tâm Văn hóa Pháp tại Huế.

« Ông Tây » của người nông thôn và miền núi

Jean Cabane hòa nhập nhanh chóng với đời sống văn hóa xã hội Việt Nam và xem dải đất hình chữ S như quê hương thứ hai của mình. Từng là thành viên của nhiều hiệp hội nhân đạo quốc tế tại miền trung, ông hiện là đại diện của tổ chức « Giọt nước », một hội từ thiện được thành lập ở Nimes bởi những người bạn có nguồn cội Việt, chuyên các dự án hỗ trợ sức khỏe người nghèo ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị. Vào những sự kiện của Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng, Jean Cabane cũng không thể vắng mặt với tư cách là thành viên bảo trợ danh dự. Ông đã đưa các sinh viên Canada đến hai cơ sở của Hội nạn nhân chất độc da cam để tổ chức các hoạt động văn hóa cho các em: vẽ tranh, chơi đàn violin, tổ chức Tết trung thu… và còn làm cầu nối cho các chuyên gia Pháp đến hoạt động tình nguyện tại Bệnh viện chỉnh hình Đà Nẵng.

Đến với người dân nghèo bằng tấm lòng thiện nguyện của một người thầy và trái tim thân ái của người họa sĩ, Jean Cabane là ông Tây nhân hậu trong mắt người dân miền núi và nông thôn miền Trung Việt Nam. Vào những dịp Lễ đâm trâu hay hội hè quan trọng của buôn làng, người dân tộc K’tu ở miền núi Quảng Nam vẫn nhớ tới ông bà nhà Cabane. Lần gia đình K’tu lũ lượt gần cả chục người dẫn con xuống phố chữa bệnh, chính hai ông bà đã đứng ra giúp đỡ họ từng miếng ăn, cái mặc. Hai người cũng thường xuyên lên núi thăm dân làng với những túi quà thiết thực. Đối với ông, cuộc gặp gỡ với những già làng luôn là cơ hội học hỏi quý giá về tập tục văn hóa của tộc người.

Ngưỡng mộ những học giả Pháp từng nghiên cứu về lịch sử các dân tộc anh em như George Condominas hay Jacques Dournes, Jean thường xuyên đi thăm các đồng bào ở Tây Nguyên hay Tây Bắc. Có lần ông đã từng cùng con gái của nhà dân tộc học Condominas (tác giả quyển sách « Chúng tôi ăn rừng » nổi tiếng) lang thang trong các buôn làng Tây Nguyên để tìm hiểu về văn hóa M’Nông Ga. Với Jean, mỗi chuyến đi là một hạt giống tâm hồn ý nghĩa cho cảm hứng sáng tạo nghệ thuật trong tranh của mình. Có nhiều người vẫn khó hiểu khi đứng trước những bức tranh trừu tượng kí tên họa sĩ Jean Cabane, nhưng một khi đã hiểu được trái tim người nghệ sĩ, bạn sẽ nhìn thấy có rất nhiều ý nghĩa ẩn chứa đằng sau tác phẩm của « ông Tây mực tàu, giấy dó ».

Mỗi khi kéo chiếc rèm cửa mở ra nền trời xám xanh vào buổi bình minh, Jean thường tự nhủ chắc hẳn hôm nay là một ngày tốt lành vì cuộc đời sẽ lại mang đến cho ta những lí lẽ mới để yêu thương. « Tôi thường muốn ra biển hoặc đi dạo sang ngôi làng bên cạnh trong không khí tươi mới của buổi sương sớm, bằng sự dẫn lối của ánh sáng ngày mới. Trên con đường đó tôi sẽ gặp những con người mới, một lời nói, một hình ảnh, một cảm xúc mà tôi luôn muốn giữ lại. Vậy nên, tôi vẽ ».

TRANG XÍU

[MỸ THUẬT magazine – February 2012 issue]

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s