Ấn tượng Notting Hill trong tôi là sáng Chủ nhật ở quán cà phê Starbucks, một dòng slogan trên chiếc áo thun « bia bọt » và chiếc móc khóa của anh cảnh sát địa phương « mãi luôn lặng im » trên những hành trình sớm mai ra.
Nơi « ngon » hơn điểm tâm sáng kiểu Anh
Đó là ngày cuối cùng ở London trong chuyến tham quan những trụ sở truyền thông danh tiếng ở xứ sở sương mù, do trường IUT de Besancon tổ chức vào tháng hai năm ngoái. Thay vì cùng nhóm bạn đến quán Bar gần khách sạn để dùng điểm tâm sáng kiểu Anh, tôi quyết định một mình tìm đường đến Notting Hill vào những giờ phút cuối cùng trước khi lên tàu về Pháp, mong được « chạm » vào khu vực được xem là vương giả nhất nhì thủ đô. Có lẽ tôi là một trong số ít những người đến Notting Hill khi chưa xem qua bộ phim hài tình cảm nổi tiếng một thời. Nhờ sự ngây ngô đó mà Notting Hill để lại trong mắt tôi những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, tươi mới như bình minh sáng Chủ nhật một ngày tháng hai năm nào.

Giữa không khí ngái ngủ của đường phố sáng cuối tuần, tôi thấy mình dạo chơi Notting Hill với một ly Starbucks ấm sực trong cái lạnh cuối Đông. Vì không hợp với cà phê pha kiểu người Âu châu, tôi thường tìm đến những quán cà phê « nàng tiên cá màu xanh lá » vào buổi sáng lạnh lẽo. Những quán cà phê đóng mác thương hiệu này có nhiều khác biệt về mặt bằng, một phần do bất động sản đắt đỏ của siêu đô thị tầm cỡ quốc tế. Nếu ở góc quán trong khu Camden, tôi phải ép mình trong chiếc ghế con chật hẹp giữa bức tường dọc ngang lịch sử trích chéo của « những con người nổi tiếng từng sống ở khu Camden », thì quán Starbucks gần Bảo tàng Thương hiệu, đóng gói và Quảng cáo lại phóng khoáng rộng rãi với lớp cửa sổ bằng kính cạnh những chiếc ghế sofa bọc nhung êm ái. Quán Starbucks góc phố buổi sáng hôm đó lại khiêm tốn khép mình sau cánh cửa kính kẹp gỗ, che đậy lối vào tí hin của quán. Quán nhỏ, đôi mươi mét vuông chỉ đủ để đặt vài chiếc bàn tí xíu bởi mặt bằng đã bị choáng hết bởi quầy hàng và chiếc tủ thơm phức mùi bánh ngọt. Sáng hôm đó tôi đã chọn loại ly giấy có thể mang đi vì muốn tận dụng từng giây phút ở Notting Hill, tuy nhiên có một điều đã làm tôi khựng lại ngay khi vừa bước ra khỏi cửa hàng – đó chính là slogan trên một chiếc áo thun du lịch đang phấp phới chào mời trước cửa hàng đồ lưu niệm bên cạnh. Nội dung đại ý xoay quanh chuyện uống bia của khách du lịch khi đến Anh:
- Nếu uống một cốc bia, bạn sẽ bắt đầu nói tiếng Anh
- Nếu uống cốc thứ hai, bạn nói tiếng Anh đúng ngữ pháp
- Nếu uống cốc thứ ba, bạn phát hiện mình có thể hát được bằng tiếng Anh…
- Nếu uống cốc thứ n, bạn bắt đầu nói thứ tiếng Anh của người Mỹ.
Một slogan quá độc đáo với sự hài hước đúng kiểu phớt Ăng-lê, điển hình cho thế giới sâu rộng của truyền thông London. Và sự thật là sau những ngày chinh chiến qua Ban truyền thông của báo The Guardian, CLB Arsenal ở sân vận động Emirates hay Bảo tàng Thương hiệu, đóng gói và Quảng cáo, câu slogan trên chiếc áo lưu niệm ở góc phố Notting Hill đó mới chính là điều khơi nguồn cảm hứng truyền thông cho tôi nhiều nhất. Và tôi biết mình không có gì phải tiếc nuối khi bỏ lỡ bữa « điểm tâm sáng kiểu Anh » ngày hôm đó.
Không có Notting Hill kiểu Việt
Notting Hill vượt xa khỏi suy nghĩ của đại đa số người Việt Nam chưa từng đặt chân đến đây (mà chỉ mới biết tiếng qua bộ phim hài lãng mạn). Nhiều người vẫn nghĩ đây là một khu đồi sau khi suy từ cái tên riêng của khu phố, tuy nhiên Notting Hill đắt đỏ thật ra là thế giới thu nhỏ của giới nhà giàu London. Những cửa sổ lớn trang trí kì công theo kiến trúc thành thị Victoria (hình thái kiến trúc thịnh hành tại Anh trong thời trị vì của nữ hoàng Victoria, 1837-1901) khiến tôi không khỏi tò mò ngắm nghía đề-co nội thất của những căn nhà riêng ở bên kia hàng rào trắng, đằng sau mấy khu vườn khiêm tốn nép mình.

Tuy nhiên, ngoài là nơi ở của nhiều ngôi sao có tiếng, Notting Hill còn nổi tiếng với nhiều cửa hàng bán nhạc cụ cũ (đặc biệt là văn hóa « alternative ») ở quanh khu Notting Hill Gate, cùng các cửa hàng thời trang high-end vintage. Mỗi cửa hàng mang một phong cách trang trí khác lạ để thu hút những đối tượng khách hàng đến tự mọi ngóc ngách của ngôi làng thế giới. Vì khiêm tốn về mặt bằng nên chủ quán tận dụng mọi góc quán để lăng-xê những món hàng bày bán. Có khi túi xách, váy, giày được treo lủng lẳng cạnh nhau trên trần nhà hay được đặt trên những bậc cầu thang màu sắc. Vì sự phá cách trong khâu bày trí, mỗi cửa hàng vintage dẫn tôi đến một thế giới thần tiên của những câu chuyện thời trang qua các thời kì và từng cung bậc cảm xúc. Đội ngũ các nhà thiết kế thời trang, phụ kiện cũng tìm đến Notting Hill để bày biện thế giới sáng tạo của mình. Bên cạnh những cửa hàng vintage phá cách, đây còn là nơi diễn ra hoạt động đồ cũ Portobello Road, hoạt động mỗi ngày thứ bảy, từng xuất hiện trong bộ phim Notting Hill (1999) do Julia Roberts và Hugh Grant thủ vai chính.
Notting Hill, sao ta lặng im ?
Notting Hill là bộ phim của đạo diễn Richard Curtis (tác giả kịch bản phim « Bốn đám cưới và một đám ma »). Đây là bộ phim Anh có doanh thu cao ngất và được giới phê bình đánh giá cao với giải British Comedy Award và Brit Award cho bài hát trong phim. Câu chuyện tình yêu lãng mạn xoay quanh ông chủ hiệu sách chuyên về du lịch William Thacker (Hugh Grant), vốn không ngừng dằn vặt mình về chuyện bị vợ bỏ để đi theo một người đàn ông có ngoại hình giống hệt Harrison Ford. Thacker tình cờ gặp siêu sao Hollywood Anna Scott (Julia Roberts) sau một lần cô ghé tiệm sách của anh và vô tình chứng kiến cách cư xử khéo léo lúc « ông chủ tiệm sách » « xử lí » một vụ trộm sách. Sau những gặp gỡ bất ngờ và kỉ niệm ngọt ngào, không thiếu những hiểu lầm khó giải thích, thậm chí còn phải trải qua sự tách biệt của thời gian và khoảng cách, cuối cùng Thacker đã chứng minh được tình yêu của mình và thuyết phục được Anna ở lại London. Những người hâm mộ chuyện tình thần tiên này không thể quên cảnh cuối khi hai diễn viên chính ngồi cạnh nhau trong khi Anna đã mang thai trong một công viên ở Notting Hill.
Sự thành công của bộ phim cũng phải kể tới bài hát « When you say nothing at all » của Ronan Keating với những lời yêu đương đường mật về khoảnh khắc yêu thực sự – khi chẳng cần ai nói gì cũng đủ hiểu đôi bên đã thuộc về nhau trọn vẹn.
« Nụ cười trên gương mặt em cho anh biết rằng em cần anh. Sự thật trong đôi mắt em nói cho anh biết rằng em sẽ không bao giờ rời xa anh. Cái chạm tay của em nói cho anh biết rằng em sẽ ở cạnh bất kì khi nào anh gục ngã. Em đã cho anh biết những điều tuyệt vời đó khi lặng im… »
Tình yêu ở Notting Hill không nhất thiết phải được nói thành lời mà vẫn có thể cảm nhận được bằng trái tim, từ một bàn tay, ánh mắt, môi cười như vậy đó. Và có lẽ về sau, khi nghĩ về « Notting Hill sao ta lặng im ? », tôi khó mà quên được ánh mắt chàng cảnh sát tình cờ gặp trong quán Starbucks cà phê giữa những ô cửa sáng loáng trên phố Westbourne Grove.
Vào một buổi chiều gió trước ngày cuối ở London, có người đã lặng lẽ theo chân tôi vào quán Starbucks rồi lẳng lặng ngồi sau chiếc bàn đơn quan sát bốn cô gái khách du lịch từ Pháp. Chưa hết, anh chàng đánh liều làm quen bằng cách dạm ý muốn chụp ảnh kỉ niệm cho cả bốn đứa chúng rôi, và tặng riêng tôi chiếc móc khóa kỉ niệm. Mãi đến khi đã yên vị trên chuyến tàu vượt eo biển Manche về Pháp, tôi mới phát hiện ra số điện thoại của chàng cảnh sát điển trai ở phía sau móc khóa mà anh tặng riêng tôi ngày hôm đó. Chiếc móc khóa này vẫn luôn theo chân tôi đến những phố yêu khắp hang cùng ngõ hẻm Âu châu. Và đương nhiên là tôi đã chẳng liên lạc với anh cảnh sát khu Notting Hill năm nào, vì « tình yêu » ở Notting Hill thì đâu cần phải nói?
TRANG AMI