« Xưa nay làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi ». Và với Pyerrot PREST, người nghệ sĩ hóm hỉnh đến từ miền Đông nước Pháp, không có con đường nào trên thế giới đủ sức khiến ông phải chùng chân mỏi gối. Đầu năm 2012, Pyerrot cùng chiếc xe đạp của mình đã vượt qua chặng đường Hanoi/Savannakhet : 2000km cùng hơn 900km nối Thái Lan với Cam-pu-chia (Siemriep).
Đạp, đi và đến
Đến từ Nancy (miền Đông nước Pháp), Pyerrot PREST là một trong những người Pháp chọn Việt Nam làm điểm dừng chân trong hành trình đi tìm cảm hứng sáng tạo nghệ thuật mà ông đang đeo đuổi. Ngoài công việc diễn viên nhạc kịch cho trẻ em, diễn viên của Compagnie Lavifie, soạn nhạc và biên dịch các bài hát cho Trian Des Gens (Piano, Guitare, Hát), Pyerrot còn là một tín đồ đạp xe bất kể mọi địa hình hiểm hóc nào.
Khi được hỏi kể từ lúc nào Pyerrot quyết định du lịch bằng xe đạp, tôi đã nhận được một câu trả lời vượt hơn mức tưởng tượng : « Kể từ 5 năm nay ở Cam-pu-chia. Trước đó thì tôi đi bộ với ba lô trên vai ». Nếu hiểu theo câu nói « Những kẻ không bao giờ du lịch sẽ không bao giờ hiểu được giá trị của cuộc sống » thì Pyerrot chính là từ-điển-sống với những trải nghiệm sớm mai ra trên chính đôi chân trần : Cuba, Senegal, Guatemala, Madagascar, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Điển, Ai-len, Luxembourg, Bỉ…
Năm 2010, Pyerrot bắt đầu hành trình đạp xe đầu tiên của mình với tên gọi « Hổ đỏ » ở Cam-pu-chia (1700km), « Hổ đen » (1152km ở Les Vosges, Les Coteux), « Hổ xanh » (Việt Nam, Cam-pu-chia : 2700km). Năm 2012, ông thực hiện một hành trình dài hơi hơn có tên gọi « Hổ xanh » cho chặng đường Hanoi/Savannakhet : 2000km và Thái Lan, Cam-pu-chia (Siemriep) 900km. Gọi tên những chuyến đi của mình là Hổ bởi Pyerrot muốn ghi dấu ấn hành trình Á châu của mình.
Với trái tim nhạy cảm của một người nghệ sĩ, mỗi trải nghiệm đều được Pyerrot thể hiện lại trong những tác phẩm của mình : truyện cổ tích cho từng Đất nước ông đã ghé thăm và sáng tác nhạc cho nhóm « Train Des Gens ».
Yêu Việt Nam trên những chuyến đi
Đi du lịch bằng xe đạp, với Pyerrot, là một trong những phút giây được cảm nhận hết giá trị của sự tự do. Ông đã khám phá Việt Nam theo đúng tính cách và cảm quan cá nhân mà không phải « nhìn theo ngón tay của ai đó chỉ mình những chỗ phải xem – đó là điều tôi ghét nhất ». Một động lực du lịch khác nữa của Pyerrot đó là tiếng đóng dấu xác nhận xuất nhập cảnh khi cán đích một biên giới nào đó. Và còn vì « Tôi luôn muốn thấy mình lạc trong những con đường mới, cảnh sắc mới, con người mới ».
Ở Việt Nam, tuy đã từng chứng kiến những tai nạn giao thông chết người trên đường đi, nhưng Pyerrot vẫn quyết tâm thực hiện chặng đua của chính mình. Ông cho biết, chẳng việc gì phải chùn bước, « Tôi chỉ việc thận trọng hơn khi lái xe, và sẽ còn trở lại ». Điều đặc biệt là cả hai hành trình đạp xe xuyên Việt của Pyerrot đều được dành ra một khoảng thời gian dài ở lại Hội An, bởi ông đã lỡ chết mê cái hồn phố cổ và quan trọng là ông đã được sự tiếp đón tử tế của đôi vợ chồng Cabane (phòng tranh AMI, 46 Nguyễn Thái Học, Hội An). Tại đây, Pyerrot đã diễn kịch cho khách du lịch, người dân địa phương và cộng đồng người nước ngoài sống tại Hội An –mang đến phố Hội một hình thức nghệ thuật kể chuyện mới mẻ. Buổi diễn « PasSage » hồi tháng 2 của ông càng được mọi người đón nhận khi nó thể hiện lại toàn bộ những trải nghiệm trên-đường-đi: có lúc sôi nổi vui sướng theo từng câu hát, nhưng cũng có khi thiếu thốn đến mức phải tận dụng hành trang đơn sơ để phơi áo quần chẳng hạn. Nổi lên sau buổi diễn là tinh thần nhân văn và thái độ lạc quan, tạo cảm hứng cho những hành trình riêng trongmỗi người xem.
Chặng đường khó khăn nhất trong hành trình hơn 2000km của Pyerrot là đường Hồ Chí Minh bởi có rất nhiều đồi núi phải vượt qua. Một khó khăn hiển nhiên khác mà là thời tiết, đặc biệt là trong khoảng 11 đến 16h khi mặt trời lên gay gắt nhất. Trung bình mỗi ba ngày, Pyerrot vượt qua được 140km với vận tốc khoảng 33km/giờ. Hành trình tiếp tục sau một ngày nghỉ ngơi và đến hai ngày cuối, tốc độ sẽ được lên dây cót đến 180km-200km. Tuy phải đạp xe gần 50km mỗi ngày nhưng Pyerrot rất chú ý đến cân trọng của mình vì đó là điều trực tiếp ảnh hưởng đến sự nghiệp đạp xe của ông. Tuy vậy, tinh thần lạc quan của Pyerrot vẫn luôn phơi phới khi nói về những khó nhọc trên hành trình mình đã lựa chọn : « Mỗi cuối ngày ngồi nghe tiếng rắc của đôi chân lại thấy giống như đang nghe một đoạn nhạc vậy!»
Mạo muội chế biến lại câu « Hãy nhìn xuống tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa » (Trịnh Công Sơn) thành « Hãy lắng nghe tiếng đôi chân để đếm mình đã đi được bao xa » để dành tặng Pyerrot, ông bạn già hóm hỉnh và mải đi của tôi.
Bạn có thể theo dõi hành trình sẽ còn trải dài ra trước mắt của Pyerrot ở địa chỉ blog www.pyerrot-passage.blogspot.com.
TRANG AMI
[Nam Châm magazine – May 2012 issue]