Nếu Amsterdam được xem là thủ đô relax của châu Âu với khu đèn đỏ sặc mùi cannabis (một loại chất gây nghiện phổ biến ở Ams) và gái điếm, thì The Hague chính là thánh đường của những ngài đại sứ « nốc » bia thay nước.
Có một The Hague không kênh
Người ta vẫn thường đánh đồng Hà Lan với hình ảnh kênh rạch rằng chịt và những balcon ngập tràn tulip. Điều này chỉ đúng với hầu như tất cả những phố thị khác của quốc gia này, trừ The Hague, thủ đô chính trị của Vương quốc Hà Lan. Không sở hữu những khu phố ven kênh lãng mạn như trong tranh và tulip thì cũng chẳng « cường tráng» tới mức có thể khoe sắc quanh năm suốt tháng. Cũng chẳng có được những khu chợ truyền thống như kinh đô gốm sứ Delft hay thành phố lãng mạn Leiden nơi sở hữu trường Đại học đầu tiên của Hà Lan. Thủ đô Công lí và Hòa bình có thể được so sánh như một ly cocktail hạng nặng với đủ mọi hương liệu từ khắp nơi trên thế giới, có ma lực làm xiểng liểng bất kì trái tim chân dài nào.
The Hague (Den Haag theo cách gọi của người dân hoặc tên gọi hành chính ‘s Gravenhage) là thủ phủ phía nam của Vương quốc Hà Lan (Zuid Holland). Là thành phố lớn thứ ba sau Amsterdam và Rotterdam, nhưng đây lại chính là thủ đô chính trị với những trụ sở quan trọng như Chính phủ, Nghị viện và các Bộ. Thành phố The Hague đồng thời là nơi ở của nữ hoàng Beatrix và gia đình hoàng gia.
Không có nhiều kênh nhưng The Hague sở hữu khu resort biển Scheveningen hiện đại, nức tiếng với hai môn thể thao lướt sóng và thả diều. Khu Statenkwartier, nằm giữ những đồi cát đặc trưng ở Scheveningen và khu trung tâm, là nơi có thể tìm thấy những ngôi nhà phong cách kiến trúc Baroque từ thế kỉ 19. Đây chính là nơi có Cung điện hòa bình vốn là trụ sở của nhiều văn phòng của Liên Hiệp Quốc, quan trọng nhất là Tòa án công lí quốc tế, nơi xử những vụ tranh chấp quốc gia khét tiếng trên thế giới. Clip Viva La Vida của Coldplay đã chọn đây làm bối cảnh cho MV của mình. Cung điện hòa bình cũng chính là công trình kiến trúc mà ông trùm công nghiệp thép Hoa Kỳ Andrew Carnegie đã dâng tặng cho Liên Hiệp Quốc với đặc trưng là những con gà lôi tạc bằng vàng ở ngoài bãi cỏ trước cung điện và một tháp chuông chuyên ngân các bản nhạc Elvis và Beatles.
Sức hấp dẫn ngoại lai
Mặc dù thành phố đã bị thiệt hại nặng nề sau Thế chiến thứ II khiến The Hague phải trở thành phố đi đầu (bất đắc dĩ) cho phong trào xây nhà cao tầng ở châu Âu, nhưng bạn vẫn có thể tìm thấy những góc phố cổ chạy quanh khu vực Hofvijver và Binnenhof.
Nếu quảng trường Dam là trái tim Amsterdam, nơi dừng chân của tất cả khách du lịch trước khi ghé thăm Red light district thì Binnenhof được xem là biểu tượng của thủ đô công lí vì đó chính là nơi đặt trụ sở của Chính phủ Hà Lan, Cộng Hòa Hà Lan và đến nay là Vương Quốc Hà Lan bắt đầu từ thế kỉ 13. Trước đây, Binnenhof từng là cung điện được bao bọc bốn bề bởi hồ nước, nay đã được lấp đi một phần để thuận tiện cho việc nối liền với khu trung tâm. Hiện nay người dân vẫn có thể đứng từ góc Hofvijver để ngắm nhìn tòa nhà soi mình xuống mặt nước mỗi buổi hoàng hôn.
Ở The Hague, không khó để tìm ra một cửa hàng truyền thống của bất kì quốc gia nào. Thành phố không thiếu những nhà hàng, shop thời trang, dịch vụ đa văn hóa ngay khu centrum. Nằm ngay cạnh trung tâm mua sắm Bijenkorf nổi tiếng là khu Chinatown sực nức mùi thức ăn Trung Quốc, dịch vụ massage Thái lan và đa chủng loại hàng hóa nhập khẩu từ châu Á. Những ki-ốt kebab Thổ Nhĩ Kì hay pizza giá 1euros phục vụ các thực khách « bay đêm » đã tạo nên một khu trung tâm đa chủng tộc vô cùng thú vị.
Mỗi bước chân là một anh chàng veston công sở
Không chỉ là thủ đô chính trị của những trụ sở quan trọng trong nước, The Hague còn là một thành phố quốc tế với sự có mặt của những Tòa án quốc tế quan trọng như Tòa án Tội phạm Quốc tế cũng như 150 trụ sở quốc tế chính : Đại sứ quán, Tòa án quốc tế, văn phòng của Liên minh Châu Âu, văn phòng của Liên Hiệp Quốc. Sau New York và Geneva, Den Haag của người Hà Lan chính là thành phố quan trọng thứ ba được Liên Hiệp Quốc « chọn mặt gửi vàng ». Ngoài ra, đây còn là thành phố Đại học với những trường lớn như Royal Conservatory of The Hagueis, The Hague University với nhiều sinh viên chọn chuyên ngành Luật học trứ danh.
Bởi tính chất thập cẩm trong đời sống đa văn hóa và tác phong chuyên nghiệp của môi trường quốc tế, bạn sẽ nhanh chóng quen thuộc với hình ảnh những chàng trai công sở ở các văn phòng chính phủ, văn phòng quốc tế nghênh ngang đi bộ, đạp xe giữa đường phố The Hague. Nếu từng chết mê những anh chàng mặc vest tụ tập ở trước các ngân hàng tại Trung tâm tài chính Geneva hay nhân viên văn phòng ở các tòa nhà chọc trời khu La Défense (Pháp), bạn sẽ phải trầm trồ những chàng trai mét tám đúng nghĩa tóc vàng, mắt xanh mỗi bước chân giữa phố cổ The Hague. Veston là trang phục đi làm bạn có thể bắt gặp ở bất kì xó xỉnh nào của Thủ đô công lí : từ các ke tàu ở nhà ga Centraal Station đến giữa các hành lang trong siêu thị Albert Hejin và nhiều nhất là khu trung tâm lát đá cổ.
Một trong những khu vực tụ tập đông đảo các anh nhân viên công sở điển trai là Plein. Đây là quảng trường tấp nập nhất thành phố với ba mặt được bao bọc bởi văn phòng chính phủ và mặt phía Bắc là một dãy các quán bar, café sang trọng. Người dân Hà Lan vẫn không ngạc nhiên khi bắt gặp Thủ tướng Mark Rutte ra đây tụ tập café với những người bạn chính trường của mình ở một góc quán ngoài trời. Đến đêm, khi gió biển Bắc khiến những thân thể 1m84 (độ cao trung bình của con trai Hà Lan) cũng phải co ro trốn mình sau làn khói thuốc, quán xá khu Plein càng trở nên nhộn nhịp, dập dìu trong mùi bia đặc sản.
Thánh đường Beer, Pub
Ở The Hague, người dân có thói quen uống bia nhiều hơn rượu. Sản lượng xuất khẩu bia của Hà Lan đạt tới 50% tổng sản lượng bia trên toàn thế giới, hơn cả nước láng giềng Bỉ. Trong bất kì tờ menu ở nhà hàng, quán ăn nào cũng có một mục riêng dành cho các loại bia : bia ủ rượu, bia trái cây, bia lon, bia tươi. Ba thương hiệu bia có tiếng nhất của Hà Lan là Amstel, Grolsch và Heineken. Tuy nhiên, những « nghệ sĩ bợm bia » Hà Lan không chỉ đến quán bia để lai rai như người Việt mình, họ còn tìm đến đó để thưởng thức nhạc sóng, xem triển lãm và những hoạt động thi vị khác, phù hợp với phong cách của từng điểm đến.
Quán bia ưa thích của tôi là Fiddler Brewpub, một quán bia theo phong cách Anh được mở cửa vào năm 1996. Nghe đồn, quán này đã từng được Eddie Gadd, « nghệ sĩ » ủ bia xịn nhất Hà Lan, tận tay chế biến cùng những nguyên liệu nhập khẩu từ Anh. Trong không khí quây quần giữa những « bợm bia » quen mặt và tiếng nhạc folk đặc trưng, Fiddler Brewpub trở thành quán quen của tôi và đám bạn vào các buổi tối cuối tuần. Một điểm nhấn của quán đó là chiếc thuyền gỗ được treo lơ lửng trên trần nhà và hai bàn bida cho những tối « so cơ » bạn bè ở tầng hai. Nếu muốn tạm quên những quán bia phong cách Hà Lan pha Anh quốc, bạn có thể ghé thăm một tòa nhà được xây từ thế kỉ 17 Boter Waad với nội thất Xpactơ cùng các viên gạch độc đáo được xây theo kiểu vút lên mái vòm nơi trần nhà.
Vượt mặt khu Plein với quán xá sang trọng, chấp cả những quán café ven biển sôi động những đêm có đội bóng áo cam ra trận – danh hiệu quán Bar « chất » nhất The Hague theo Lonely planet đánh giá là De Zwarte Ruiter. Điều tôi thích nhất ở đây là một tầng lửng nằm giữa quầy bar và khu vực bên trong quán giúp những người ngồi trên có được cái nhìn bao quát về những vị khách bên dưới. Quầy bar bằng nhôm nổi bật giữa khung màu nâu cổ kính của bàn ghế và những vật dụng trong quán.
Tôi thích thú so The Hague với những anh chàng Hà Lan lịch lãm veston công sở. Họ có thể không dày dặn kinh nghiệm tình trường như Paris, chẳng náo nhiệt như New York citizen hay hóm hỉnh như một party icon đến từ Địa Trung Hải – tức là chẳng có bất kì một cá tính nào « trội » ngay từ lần đầu gặp mặt (chỉ khuôn phép và lạnh lùng là giỏi!) Nhưng ai mà chẳng biết, khi những chiếc cravat được nới lỏng mới là lúc cuộc chơi bắt đầu?
TRANG AMI
[NAM CHÂM magazine – MAY Issue]