Lần đầu tiên cái tên Michell Pontie gây ấn tượng với tôi là vào một buổi triển lãm tranh ở Hội An cùng hai nam họa sĩ khác tại phòng tranh AMI (46 Nguyễn Thái Học, Hội An). Lần đó bà đã khiến tất cả mọi người bất ngờ vì quyết định tự cắt tóc tém vài phút trước khi khai mạc triển lãm. Sẵn sàng rũ bỏ thói quen cũ để chào đón một sự gắn bó mới mẻ, đây cũng chính là cách bà chọn gắn bó với nghệ thuật sơn mài.
Sơn mài tùy duyên
Michell Pontie chọn đi con đường chuyên nghiệp, vì thế mĩ thuật trong mắt bà là một công việc thực thụ. Từ những buổi đầu khởi nghiệp với tượng hình, vẽ dầu và màu acrylic, buổi triển lãm lần đầu tiên của bà được tổ chức vào năm 1989.

Phải đến năm 12 năm sau, khi đến làm việc trong một xưởng vẽ ở Huế, họa sĩ mới bắt được cái duyên với nghệ thuật sơn mài. Chính ½ dòng máu Việt trong người họa sĩ Pháp đã mang lại nhiều ý tưởng sáng tạo, nhiều cách dùng sơn mới mẻ cũng lần lượt ra đời từ đó.
Ngoài hội họa, các hoạt động nghệ thuật yêu thích của Michell đều là những môn nghệ thuật gắn liền với đất (đồ gốm, nặn tượng) và các sáng tạo trên những sản phẩm tái chế đã qua sử dụng (gỗ, kim loại, điêu khắc trên đá). Nghệ thuật sắp đặt cũng được họa sĩ đặc biệt yêu thích.
Với họa sĩ Michell Pontie, không có chuyến đi đến Huế nghĩa là không có cảm tình mà bà dành cho sơn mài và cũng chẳng có một nữ nghệ sĩ sơn mài của “Ngôi nhà nghệ sĩ” (một tổ chức chính thức của Pháp về lĩnh vực này) ngày hôm nay. Vậy là bà vẫn tiếp tục hành trình của mình mỗi sớm mai ra, với mục đích để cái tôi Tây phương gặp cái tôi Đông phương, vẫn đi đi về về chuyến bay 12 tiếng đằng đẵng giữa Sài Gòn và miền Nam nước Pháp, vẫn bắt những chuyến tàu sớm để tìm đến nơi đức Dalai Lama thuyết giảng khi có dịp tới Pháp và trong xưởng vẽ của bà vẫn luôn có lá cờ Việt Nam phấp phới. Chính vì thế mà mỗi lần gặp gỡ những cái tên mới – Trang, Thủy, Hiền, Hoa, Phương, Linh… là một lần Michell học thêm được nhiều trải nghiệm hay cho đời sống và mĩ thuật. Cái duyên được gặp gỡ những nghệ sĩ Lê Thừa Tiến, Đào Minh Tri, Đặng Hải Sơn… cũng như việc làm quen với tác phẩm của những nghệ sĩ nước ngoài như Zao Who Ki hay Chu Thê Chun (Trung Quốc) Tapiès, Barcelo (Tây Ban Nha) Joan Mitchel (Hoa Kỳ) cũng giúp hình thành nên những nét tính cách riêng trong cá tính nghệ thuật Michell Pontie. Hiện tại, bà cũng là thành viên của hội LAC, một hiệp hội chuyên tổ chức các triển lãm và sự kiện nhằm mục đích đem sơn mài đến gần hơn với đời sống công chúng.
Khi được hỏi về con người Việt Nam, họa sĩ đáp rất đơn giản: “Câu hỏi ngắn cho một câu trả lời có thể kéo dài vô tận”. Có lẽ tự thân Michell cũng không hiểu tại sao mình lại dễ dàng bị lôi cuốn với nghệ thuật sơn mài đến vậy. Hay tại cái duyên? Người mẹ Việt của nữ họa sĩ là một trong những người đem cái duyên tới đó cho Michell, giúp bà “thấy mình trong mỗi người phụ nữ Việt Nam, trong niềm vui và nỗi đau, trong nỗi sợ hãi và lòng dũng cảm của họ”.
Michell đã nói “tôi có cảm xúc rất riêng mỗi lúc đến và rời Việt Nam”, và với những tác phẩm của Michell, người ta cũng sẽ có được những cảm xúc khác biệt trong mỗi lần xem tranh…
Công việc của họa sĩ gắn bó với trào lưu nghệ thuật nào nhất? Liệu nó có liên hệ đến nghệ thuật đương đại không ?
Nghệ thuật đương đại tất nhiên là có gắn bó một phần nào đó về mặt thời gian, nhưng không chỉ có mặt đương đại mà thôi. (Không phải cứ vẽ vào năm 2012 nghĩa là đang làm nghệ thuật đương đại)…
Định nghĩa nhệ thuật đương đại vẫn còn rất mơ hồ với công chúng. Theo ý kiến chủ quan tôi, công việc tìm kiếm và sáng tạo trong nghệ thuật là đặc thù của Nghệ thuật đương đại.

Một ngày làm việc điển hình của họa sĩ sẽ diễn ra như thế nào?
Đến xưởng vẽ mỗi ngày sẽ giúp tiến lên trong sáng tạo. Trước tiên, tôi sẽ uống một tách trà, mở toang cửa sổ đến đón khí trời, chọn nhạc và dạo một vòng quanh xưởng. Công việc bắt đầu bởi việc chuẩn bị màu và sau đó tôi vẽ. Sau giờ ăn trưa, tôi thường dành thời gian để suy ngẫm về tác phẩm mình đang thực hiện. Không có giờ giấc cụ thể để ngừng công việc, điều này phụ thuộc vào tiến triển công việc.
Việt Nam đã “cư xử” như thế nào với những nghệ sĩ nước ngoài đang hoạt động trong nước ?
Xã hội Việt Nam đã đối xử với các nghệ sĩ Pháp tại Việt Nam cùng một thiện cảm, tình hữu nghị và niềm sẻ chia mà họ dành cho với nghệ sĩ đến từ các quốc gia khác.
Bà nghĩ gì về việc ngày càng nhiều họa sĩ nước ngoài đến sinh sống và sáng tác tại Việt Nam ?
Sự giao thoa của nghệ sĩ nước ngoài đến thường trú tại Việt Nam chỉ mang lại ích lợi khi có sự tiến triển của nghệ thuật. Tính tương hổ này rất quý giá cho các nhân tố làm nghệ thuật nói chung.
Trang Ami
Reblogged this on vuconghoang and commented:
thực sự rất đáng để xem…một bức tranh nghệ thuật
ThíchThích