Chuyến đi tới buổi trưa của nước Pháp

Beauty in the City (Người Đẹp số 325, ra ngày 1.10.2012)

325_ chuyen di toi buoi trua nuoc Phap_Nguoi Dep

Người Pháp hay gọi miền Nam là Midi, một từ còn có nghĩa khác là “ban trưa”. Cội nguồn cái tên này do bầu trời luôn ngập nắng, hay bởi trái tim ấm nóng của con người nơi đây? Tôi nghĩ là do cả hai.

Ngày biết tôi sẽ sang Hà Lan học suốt một năm ròng, ba dượng tôi vốn là một họa sĩ đến từ Nimes, thành phố cổ xưa ở miền Đông Nam nước Pháp, đã nhắn nhủ rằng: “Cái lạnh nơi đó sẽ khiến con bị shock đấy, nhưng không phải cú shock nào cũng xấu. Giống như Van Gogh đến từ phương Bắc xa xôi, vì quá shock với tiết trời ấm áp nơi miền Nam nước Pháp mà quyết định ở lại Arles và vẽ nên những kiệt tác hội họa”.

Không đến từ một xứ sở lạnh lẽo phương Bắc, thậm chí còn quá thân thuộc với bầu trời nhiệt đới hừng hực tới 35-40 độ, nhưng khi tới “buổi trưa nước Pháp”, tôi vẫn hiểu được “cú shock nắng ấm” của Van Gogh năm nào. Tôi thích cảm giác ngồi trong xe ngắm nhìn những ruộng nho và cánh đồng hoa hướng dương trải dài ra trước mắt, thích những cuộc gặp gỡ đã mở ra trong tôi nhiều liên tưởng thú vị. Chẳng hạn, trong hành trình đi thăm và thử rượu vang ở các lâu đài mùa hè này từ tỉnh Médoc tới vùng Languedoc Roussilon, tôi đã được nghe những cách mà ông/bà chủ lâu đài nói về niềm đam mê của họ với rượu vang. Có người so rượu vang với mùi nước hoa, có người so với một cái váy ưa thích, nhưng tôi vẫn khoái nhất lối so rượu vang với người yêu. Theo ý họ, uống rượu vang cũng phải tùy duyên, tùy gu như việc chọn một mùi hương hay chiếc váy vía. Không phải rượu thượng hạng grand cru là ngon nhất, chẳng phải vang đỏ ngon hơn vang trắng, hay chai nào lâu đời là xịn nhất, mà còn phải tùy vào món ăn kèm, người bạn nhậu cùng bàn, hay thời điểm uống…

Rượu vang trắngtrong buổi thử rượu ở lâu đài Baudan -Photo credited to Trang Ami

Về miền Nam nước Pháp nhiều lần, nhưng mỗi lần về đây là một lần gặp gỡ những con người mới, với những cách phản ứng rất lạ cho mỗi câu chuyện phiếm tưởng như đã cũ.

Người miền Nam nồng nàn và ấm áp ngay từ buổi gặp mặt đầu tiên. Khi nghe tôi sống ở Besancon, cô hàng xóm kể về cô cháu gái hiện làm nhân viên Truyền thông ở Ủy ban vùng Besancon, trong khi bà giữ cửa phòng triển lãm tranh nhiệt tình khoe có cô bạn cũ đang làm giảng viên ở trường Y xứ đó. Besancon tưởng quá xa mà không xa, là vì hình như người miền Nam nào cũng có những mối quan hệ ít nhiều liên quan với thành phố của tôi. Huống gì giờ đây, từ Nimes về Besancon đã có tàu cao tốc TGV chạy một mạch vài ba giờ liền.

Cũng trong triển lãm UtopiANTE lúc chiều ở làng Aubais, tôi được giới thiệu về dự án “sách đi du lịch”. Đơn giản thôi, mỗi người khách đến xem triển lãm sẽ chọn một cuốn sách bọc giấy đỏ bất kì. Sau đó, bạn chỉ cần mang cuốn sách đó theo trong chuyến du lịch hè và viết lại một đoạn cảm nhận sau khi đọc xong, trước khi gửi sách về “nguyên quán”. Đây là một minh chứng rõ ràng về cá tính cộng đồng, ham mê chia sẻ của người Midi.

Ngang qua những ngôi nhà phong cách Địa Trung Hải, dấu ấn của buổi lễ ra quân của thanh niên trong làng vẫn luôn còn đó. Theo truyền thống miền Nam nước Pháp, cứ đến thời điểm đám trai tráng trong làng sắp đi nghĩa vụ quân sự, họ sẽ hò nhau đến từng nhà để nhận tiền lì xì của người dân, rồi dùng số tiền đó tổ chức hội hè tạm biệt bạn bè. Tuy nghĩa vụ quân sự không còn là bắt buộc ở Pháp, nhưng trai tráng trong làng vẫn cùng nhau chọn một mẫu kí hiệu, rồi dùng chúng để đánh dấu “đã ghé qua” trên các bức tường nhà.

Người miền Nam thân thiện với nhau, hẳn rồi, và cũng rất hiếu khách với người xứ khác, đặc biệt với những ai đóng mác nghệ sĩ. Dường như cái phóng khoáng cộng đồng bao bọc, cho cái phóng khoáng của cá nhân trú ngụ mà không kỳ thị, không tọc mạch. Ở sâu trong các ngóc ngách của những ngôi làng có từ thời Trung cổ vẫn luôn thấp thoáng một xưởng vẽ, xưởng làm gốm, hay nơi làm việc của một tay vẽ truyện tranh đến từ xứ nào xa lắc, sống và sáng tác ở đấy bình yên.

Làng Sauve – Photo credited to Trang Ami

Có lần ghé thăm phòng tranh Du bout du monde, có nghĩa là Ở tận cùng thế giới, tôi được cô họa sĩ Rika người Bỉ kéo vào xưởng vẽ của cô đặt  tại nhà kế bên để khoe các sản phẩm con cưng. Đang nói chuyện dở, Rika vội vã hôn chào tạm biệt tôi vì đã đến giờ dắt chó nhà người ta đi dạo để kiếm thêm chút tiền. Người trong làng thấy cô gái tóc đỏ mơ màng với mấy chú chó lững thững trong công viên chắc chẳng ai tin cô này vừa đoạt giải nhất một cuộc thi hội họa ở Paris. Cô trả lời nhẹ tênh: “Ừ, tôi được giải nhất, được nhận thưởng nhiều tiền lắm, nhưng tiêu hết rồi”. Tiền làm ra tiêu rồi cũng hết, người miền Nam ở đâu hình như cũng thuộc lòng phương châm sống hào sảng “sáng xả láng, tối ăn khoai”…

Phòng tranh Ở tận cùng thế giới-Photo credited to Trang Ami

Tôi yêu Người và Đất ở miền Nam nước Pháp, có lẽ là vì một cái duyên đời nào đó, bởi có nữ khách nào không hàm ơn mỗi mái nhà ấm áp, vô tư, mở rộng cho tâm hồn phiêu lãng của nàng được nghỉ chân…

                                                                           TRANG AMI

6 Comments Add yours

  1. TV nói:

    Nice post. Chị cũng muốn đi thăm mấy nơi thế này lắm, đẹp rất bình dị 🙂

    Thích

  2. Châu nói:

    thanks for sharing! Hy vọng sẽ được đọc version bằng tiếng Pháp một ngày nào đó 😀

    Thích

  3. ha phuong nói:

    Reblogged this on Oóc and commented:
    Ôi em cũng muốn được đến Vùng đất ngập nắng vàng này quá chị Trang ơi!

    Thích

    1. Trang Ami nói:

      Sẽ sớm có một ngày em đặt chân đến! 🙂

      Thích

  4. Trang Ami nói:

    ❤ Xin cám ơn mọi người ❤

    Thích

Nhận xét về ha phuong Hủy trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s