Hay vẻ đẹp tự do tự tại của tinh thần nữ nhà báo Sylvia von Harden trong tranh của Otto Dix.
Chừng 12 năm trước, Rei đi Việt Nam chơi. Trước chuyến đi, cô sinh viên tuổi đôi mươi gặp một giáo sư Đại học Tokyo và được dặn hãy đi tìm một người bạn cũ rất độc đáo của thầy. Rei lên đường với kỳ vọng gặp được người phụ nữ có cái tên rặt Việt Nam, cô “Hoa chay” ở Đà Nẵng – mẹ tôi.
Rei khi đó 35 kg, thuốc lá là bạn đồng hành và hành trang vỏn vẹn một chiếc quần jean với đôi ba cái áo ba lỗ bụi bặm bạc màu. Sau khi rời Việt Nam, nghe đâu cô sang Singapore rồi Mỹ du học ngành Luật trước khi trở về Tokyo hành nghề luật sư. Cũng đã 7,8 năm nay, cô ‘Hoa chay’ không còn chút tin tức nào nữa từ Rei. Nghe tin bên Nhật động đất, mẹ thường thấp thỏm cho Rei, dù bặt tin Rei đã lâu rồi.
Nhà cô Hoa nghèo xơ nhưng Rei cũng được xếp cho một chỗ ngủ trong ngôi nhà ba thế hệ phụ nữ Việt. Viết thư tay về bên Nhật, cô kể: “Ở đây kì khôi lắm nha, cái phòng tắm nằm ngay cạnh chuồng heo!” Nhà cửa sơ sài nhưng Rei quý cô Hoa tới khóc ngất lúc tạm biệt lên đường đi Hạ Long. Tưởng lần tạm biệt đó dài lâu, ai dè vài ngày sau đã thấy Rei lững thững trong sân nhà vì “Hạ Long đẹp thiệt, nhưng em nhớ Hoa quá, em muốn ở lại với Hoa thêm nữa”.
Ngày đó sau khi đã giải nghệ bán cơm chay lừng lẫy, mẹ tôi chuyển về bán cơm sinh viên ngay tại khu vườn ba gian của ngoại. Mẹ nấu cơm, Rei bưng bê phục vụ, còn tôi rửa chén. Chẳng ai tin Rei khi đó là con gái của một giám đốc ngân hàng ở Tokyo, bởi cô lúc nào cũng lúi húi với công việc chạy bàn và gương mặt thì hốc hác vì hút thuốc nhiều quá.
Sau này tôi gặp lại vẻ mặt đó của Rei trong bức Bildnis der Journalist Sylvia von Harden (Portrait of the journalist) của Otto Dix tại Bảo tàng quốc gia nghệ thuật hiện đại Pompidou (Paris). Bức chân dung cô nhà báo Đức không đơn giản là một sự phác thảo về Sylvia. Đó là sự phản ánh một hình mẫu phụ nữ mới với mái tóc bob tân thời, ngồi trong một quán café với điếu thuốc trên tay và ly cocktail trước mắt.
Năm 1959, Sylvia von Harden viết một bài báo tiếng Anh có tựa đề Hồi ức về Otto Dix, trong đó cô đã kể lại căn nguyên của bức chân dung thời đại. Hôm hai người lần đầu gặp nhau trên phố, ngay lập tức, Otto Dix đã hét lên:
– Tôi phải vẽ cô. Tôi đơn giản là phải vẽ. Cô đại diện cho cả một kỷ nguyên.
– Vậy ông muốn vẽ đôi mắt lờ đờ, đôi tai vằn vẽ, chiếc mũi dài thòong, đôi môi mỏng lét, ông muốn vẽ đôi bàn tay dài ngoằng, cặp giò ngắn tủn và đôi chân to bè – những thứ có thể khiến người khác phát sợ sao?
– Cô có một phong cách rất thu hút của chính cô và tất cả những thứ làm nên một bức chân dung có thể làm hình mẫu của cả một thời đại. Đó không đơn thuần là một vẻ đẹp của người phụ nữ, mà chính là trạng thái tinh thần của cô ta.
Và Rei cũng chính là một đại diện của vẻ đẹp phụ nữ Nhật hiện đại trong mắt tôi. Những cô gái Nhật được đàn ông thế giới đóng khung trong câu Ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật, ở nhà Tây đã đổi khác rồi. Cũng không còn là con búp bê bằng sứ lặng phắc trong trang phục cầu kỳ với ánh mắt phẳng lặng và đôi môi mím chặt nữa. Phụ nữ Nhật mới có đôi chân sải bước trên thế giới, trái tim mở rộng với những điều khác biệt, và đôi khi, lấy chính bản thân mình làm mẫu hình cho sự khác biệt.
Điều hay nhất ở Rei là cô luôn tìm thấy niềm vui trong lao động (đó là không kể những đêm sáng trăng, mấy cô cháu ôm đàn guitar hát tình ca nhạc Trịnh). Có lần, không phân định được anh chàng nào đẹp trai nhất trong đám sinh viên ăn cơm, Rei và bà chị họ của tôi cầm quyển vở và cây bút ra đầu cổng chờ chấm điểm. Hễ anh chàng sinh viên nào đạp xe vào nhà sẽ được hai cô gái trẻ chấm cho một điểm. Tôi chẳng nhớ ai là “mĩ nam” của quán cơm sinh viên sân vườn, nhưng danh hiệu xấu trai nhất thuộc về anh chàng dân tộc thiểu số tên Nut. Lí do chỉ vì nước da cháy đen của ảnh.
Rei của tôi ngày đó đặc biệt thích Đan Trường, cô thuộc nằm lòng bài hát Hôn môi xa và có thể hát trơn tru hầu như những bài hit của ca sĩ này vào thời điểm đó. Rồi trong khoảng thời gian hơn tháng trời Rei “ở trọ trần gian” tại nhà cô Hoa chay, Đan Trường có về công viên 29.3 diễn. Cô Hoa tức tối đi kiếm vé xem ca nhạc và dẫn Rei đi may áo dài thiệt đẹp cho đúng nguyện vọng “cô con gái trời cho”. Rút cuộc Rei đã không thể sáp đến gần sân khấu và tặng cho Đan Trường bó hoa kì công mà cô đã chọn mua. Nhưng có sao, Rei hôm sau vẫn tươi rói nhẩm theo “Hôn môi xa, hôn những nỗi nhớ ngút ngàn” và tận hưởng những ngày tươi đẹp còn lại của cô ở Việt Nam, với một trái tim bên lề đúng nghĩa.
Nhớ nhất có lẽ là cái buổi tối Rei bị đau ruột thừa phải nằm lại bệnh viện C, cô Hoa đã thức khuya viết cho Đan Trường một lá thư thiệt dài về Rei. Đó hình như là một lá thư không gửi. Anh chàng ca sĩ điển trai này có lẽ sẽ không bao giờ đọc được lá thư này, nhưng tôi thì đọc được. Khi đó, dù biết sẽ rất khó khăn, nhưng tôi đã tự hứa với bản thân rằng sẽ tìm cho được Đan Trường bằng mọi giá để… nhờ anh đi uống café với Rei một ngày đẹp trời khi cô trở lại. Giờ đây, tuy vẫn không quen biết anh, nhưng tôi vẫn nghĩ điều này không quá khó, nhưng kiếm cho ra Rei lại là một chuyện tỉ khó.
Chưa hết, Rei còn khăn gói quả mướp cùng mẹ tôi đi Quảng Trị Quảng Bình để… đòi nợ những sinh viên nợ tiền cơm. Mang tiếng là đi đòi nợ, nhưng đến cảnh nhà nào nghèo quá, hai cô cháu bấm nhau thôi “từ bi hỉ xả”, thậm chí còn cho thêm. Chuyến đi đó, cô gái Nhật tuổi đôi mươi đã dạy cho mẹ tôi rất nhiều bài học phong cách sống. Lần Rei khóc vì một chuyện buồn, mẹ xua tay «thôi đừng có khóc, người ta nhìn cho thì xấu lắm». Rei tỉnh bơ: “Nếu mình có khóc mà bị người khác nhìn thấy thì cũng có sao đâu. Dù sao người ta cũng chỉ nhìn thấy mình có một lần duy nhất trong đời này thôi”.
Phải rồi, Rei nhỉ, cứ sống cho thật tràn đầy cảm xúc, thật là mình, vì ta cũng chỉ sống một lần này mà thôi.
Trang Ami
She – Người Đẹp magazine – October 2012 issue
Chú thích ảnh:
Bức Bildnis der Journalist Sylvia von Harden (Portrait of the journalist) của Otto Dix được treo tại Bảo tàng quốc gia nghệ thuật hiện đại Pompidou (Paris)