Chàng mặc vest đi xe đạp

“Hạnh phúc là  khi ngắm những chiếc quần âu bị lật ống (hoặc không)”

Từng sống ở Hà Lan, thiên đường hạ giới của xe đạp, nơi xe đạp còn nhiều hơn cả dân số, tôi bỗng dưng bị cuốn vào thói quen đạp xe nghênh ngang giữa đời.

Và cũng từ đó, tôi quan tâm hơn đến những chàng trai đi xe đạp. Mà khoan đã, đó phải là một chàng trai mặc vest đi xe đạp thì tôi mới chịu!

Mùa Thu đầu tiên đặt chân đến châu Âu, tôi đã được Charlotte mời về ngôi nhà nghỉ của bà ở Combloux, một ngôi làng nhỏ neo mình bên dãy Alpes trắng xóa.

Sau khi đã chán chê với những ngôi làng đẹp-và-hẻo-lánh đúng kiểu nghỉ dưỡng ưa thích của dân nhà giàu Âu châu, hai cô cháu quyết định sẽ vượt biên sang Thụy Sĩ, tới thành phố Genève để đổi gió.

Charlotte đã từng ghé qua nhiều thành phố của quốc gia láng giềng này, nhưng “riêng Genève thì cô đã từng đi xe ngang qua cách đây chừng mấy chục năm, nhưng không có dịp quay lại, vì nó chẳng bao giờ là lựa chọn đủ hấp dẫn để đi-cho-biết”.

Như vậy là cũng may mà có tôi, mà Charlotte mới có được động lực mà đi Genève. Hay nói đúng hơn là nhờ có Charlotte mà tôi mới có một cái nhìn Thụy Sĩ bằng đôi mắt Pháp.

Chưa vào thành phố, Charlotte đã phủ đầu luôn: “Thành phố này không bao giờ hết thi công. Nhưng con yên tâm, vì con sẽ chẳng có cảm giác nó đang là công trình thi công đâu, người ta bao bọc kĩ lắm, một hạt bụi cũng chẳng có. Dân Thụy Sĩ mà”.

Chưa dứt lời, Charlotte kéo tay tôi chỉ về phía một người đàn ông mặc vest đang đạp xe, cười khoái trá: “Con nhìn vào dưới cái ống quần ông Thụy Sĩ kia xem. Ta nói đâu có sai, đến đi xe đạp cũng phải vén ống quần lên vì sợ xích bôi bẩn cơ mà”.

Đó là một người đàn ông mặc âu phục với cái ống quần xắn cao, mỗi lần nhấn pê-đan là lại tòi một khoảng da lấp ló sau đôi tất ngắn và đôi giày da bóng lộn. Hai cô cháu được một trận cười vỡ bụng vì sự trùng hợp ngẫu nhiên ngay sau lời phán “sự sạch sẽ của người Thụy Sĩ”. Nhưng rồi cả hai nín bặt khi chạy xe lòng vòng trong khu ngân hàng để tìm chỗ đậu xe – một nơi mà sau này mãi mãi ám ảnh tôi như sàn diễn đường phố của những bộ sưu tập vest lịch lãm, điệu nghệ nhất trên đời.

Phong độ của những chàng trai mặc vest khu ngân hàng đã xóa luôn trong tôi ám ảnh về chiếc quần lật ống cao nọ. Người Thụy Sĩ nổi danh với đồng hồ và ngân hàng, hai lĩnh vực cần sự tỉ mẩn và kĩ cơ nhất thế giới, căn bản là vì họ dám lật cao ống quần âu khi đi xe đạp.

Để đạt được hiệu quả của công chuyện họ đang quan tâm, người Thụy Sĩ sẵn sàng để bị đánh giá là “lập dị”, là “không lãng mạn”, và mặc kệ luôn những chỉ trỏ dòm ngó của người ngoài cuộc. Bí quyết giản đơn có vậy thôi, nhưng không phải ai cũng làm được đâu nhé!

Thử hỏi một anh chàng láng giềng Pháp hay Ý mà xem, chắc chắn họ sẽ phủi tay ngay với thói quen phi thời trang đó, bởi với họ: kĩ cơ và kiểu cách là kẻ thù – bụi phủi của tự do mới là quan trọng nhất.

Càng đi ngược lên phương Bắc lạnh lẽo, bạn sẽ càng bắt gặp thường xuyên hơn hình ảnh chàng veston đạp xe đến công sở mỗi ngày, đặc biệt là ở The Hague, nơi còn được gọi là thủ đô công lí của thế giới với hệ thống các tòa án quốc tế rộng khắp.

Ở đây, bạn sẽ phải làm quen với những trận gió nghiêng ngả quật về từ biển Bắc. Gió ở đây rất lạnh, nhưng không thốc từng cơn, nó chỉ XỘC THẲNG vào tận bên trong thân thể bạn, rồi cứ thế ở nguyên đó không chịu rời đi.

Có lẽ vì thế mà người Hà Lan đối phó với gió bằng cách đi xe đạp để giữ ấm thân thể.

Có một sự thật là, những quốc gia càng có phong trào đạp xe mạnh mẽ như ở khu vực Bắc Âu thì chỉ số hạnh phúc của họ càng tăng cao.

Cô bạn sinh viên trao đổi từ Hy Lạp cho rằng, chính những phút giây đạp xe chậm rãi hưởng thụ cuộc sống đã khiến người Đan Mạch, người Phần Lan, người Hà Lan… trở thành những người hạnh phúc nhất.

Còn tôi, chỉ cần quan sát anh chàng công sở chỉn chu vest đang loay hoay với cái ống quần khi đi xe đạp đã là một thói quen hạnh phúc trong ngày.

Tôi thích cảm giác đạp xe song hành với những chàng trai Hà Lan, vì tôi chẳng muốn phải mang trong mình cái cảm giác quá nhỏ bé (sự thật là tôi dù có đang ngồi trên yên xe đạp thì đôi khi cũng chỉ cao tới… cổ của một anh chàng Hà Lan xấp xỉ 2 mét đang đi bộ trên đường).

Và mặc dù họ trông rất buồn cười với bộ dạng gã khổng lồ trên chiếc xe đạp tí hin, thì ít nhất là khi đó chúng tôi sẽ cùng tham dự một cuộc đua xe đạp không chính thức, và vì chỉ có một mình tôi biết đến sự hiện diện của cuộc đua đó nên chắc chắn tôi sẽ là người đạp nhanh hơn và cán đích sớm hơn.

Nhưng rồi sau này, khi đã về đích nhiều đến phát ngán, tôi mới phát hiện ra ngay cả khi những anh chàng đó có biết đến sự tồn tại của giải-đua-xe-đạp-của-tôi, thì họ cũng sẽ có khả năng thua cuộc rất cao vì sự thật là họ đạp xe quá chậm.

Vì thích đạp xe chậm  để hưởng thụ cuộc sống nên họ mới chọn con đường mòn trong rừng Haagse Bos để lên khu trung tâm (centrum) thay vì đi đường dành riêng cho xe đạp được kẻ ngay cạnh vệ đường ô tô?

Hay vì thích đạp xe chậm  để ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, nên họ mới phát hiện ra cái chân chống xe của tôi bị tuột để còn  đạp lên “nhắc tuồng”?

Mà cũng có khi vì đạp xe quá chậm nên họ mới cần… hít cannabis (một loại thuốc phiện hợp pháp phổ biến ở Hà Lan) để nạp năng lượng mà tiếp tục những vòng quay không ngừng nghỉ?

Thật quá khó để trả lời cho một thắc mắc về bản chất của một “đại sứ quốc gia” nào đó mà bạn gặp trên đường, dù bản chất đó bạn nhận định chỉ dựa trên cảm nhận chủ quan đầy cảm tính. Chẳng phải anh chàng Thụy Sĩ nào cũng kĩ tính đến tiểu tiết là cái ống quần âu của mình. Chẳng phải “gã khổng lồ phương Bắc” nào cũng đạp xe từ từ rãi rãi thua cả một cô gái Á châu chưa đầy 1m6.

Tất nhiên, có nhiều khi tôi sai be bét trong trò chơi “đoán quốc tịch qua cách xử sự” của những anh chàng mặc vest đạp xe này. Nhưng sau tất cả, tôi thấy mình chẳng mất gì khi tham gia trò này cả.

Carrie Bradshaw trong Sex & The city thậm chí còn bày trò với Charlotte bí mật làm khảo sát xem có bao nhiêu anh chàng mà cô muốn… ngủ cùng trong số 100 gã đàn ông đi ngang qua bàn café nơi góc phố. Và cũng trong một lần nhận giải thưởng khi tham gia series này, Samantha, nhân vật ưa thích nhất của tôi, đã tuyên bố rằng: “Các bạn sẽ không biết tôi đã phải ngủ với bao nhiêu đàn ông để nhận được giải thưởng này đâu”.

Phải rồi, không “lăn xả” xuống đường sao tìm được những niềm hạnh phúc mỗi ngày phải không? Hạnh phúc giản đơn là lúc nhìn ngắm một chiếc ống quần bị lật lên (hoặc không). Chỉ có vậy thôi à.

Trang Ami

[Lifestyle – Người Đẹp magazine]

 

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s