Spirit – Người Đẹp 331 (January issue)
Blanche và Bertrand là một cặp đôi như tất thảy những cặp đôi tri thức bình dị nào đó bạn vẫn thường đi ngang qua trên phố xá Paris. Nhưng một khi bước vào căn nhà nhỏ của họ, bạn sẽ được chạm vào một cuộc sống hoàn toàn khác biệt.
Ở nhà Blanche-Bertrand, tôi luôn mang trong mình cảm giác hồi hộp, không biết sẽ được xem tiết mục kịch nghệ nào đó vào chiều nay, lúc trở về từ chỗ thực tập. Vì đã về hưu, con cái lại sống ở nước ngoài, nên cả hai dành hết tâm huyết cho một Hiệp hội chuyên tổ chức triển lãm nghệ thuật. Đó có thể là một buổi triển lãm tranh do chính Bertrand “đạo diễn kiêm diễn viên chính”, có khi là một buổi nhạc kịch của những cụ già, cũng có thể là nơi trưng bày triển lãm sắp đặt của một cô nghệ sĩ trẻ còn đang ngơ ngác vì không tin là mình đã một lần được triển lãm ở Paris.
Còn nhớ, lần đầu tiên đến thăm hai vợ chồng “nghệ sĩ nghiệp dư” này là một buổi triển lãm của hai nghệ sĩ đến từ châu Á: Việt Nam và Hàn Quốc. Hôm đó, tôi rất ấn tượng với hình ảnh hai ông bà thay nhau giúp đỡ cô nghệ sĩ trẻ Hàn Quốc trong việc trả lời phỏng vấn các nhà báo Pháp. Kiên nhẫn và từ tốn như đang giúp đỡ một cô cháu gái ruột thịt.
Sau này, tôi gặp lại những sự quan tâm đó trong bữa ăn, lúc cả nhà cùng xem chương trình thời sự 20h hay ngay cả khi một trong hai người đang bận bịu với công việc nào đó còn dang dở. Bao giờ, ưu tiên quan tâm số một cũng là chuyện về tấm áp-phích của buổi triển lãm sắp tới, hay đơn giản là nhắc nhớ nhau về một cú điện thoại để bàn về những cuộc họp của hội.
Bertrand từng là giảng viên Đại học kinh tế, từng đi giảng dạy ở nhiều nơi trên thế giới, còn Blanche trước đây làm trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Vì cùng có đam mê nghệ thuật nên cả hai toàn tâm toàn ý vun vén cho những hoạt động của Hội.
Cứ mỗi tuần một buổi, ông bà lại cho một thầy giáo dạy hát opéra người Bỉ dẫn học trò đến tổ chức học ngay tại nhà. Cây đàn piano nơi góc phòng khách cũng là để “ai đến thích đánh đàn thì xin mời cứ tự nhiên biểu diễn” đó thôi.
Vào những dịp như Ngày hội cửa mở, căn độc đáo của ông bà, vốn được sửa sang lại từ một nhà máy, lại nườm nượp người ra kẻ vào, chẳng khác gì một bảo tàng nghệ thuật được giấu kín giữa Paris hoa lệ.
Xem phim Ensemble, c’est tout – Chỉ cần có nhau, tôi đã khóc vì hạnh phúc cho cái kết có hậu, khi mỗi nhân vật nhận ra ý nghĩa quan trọng nhất của cuộc sống này là có ai đó dưới cùng một mái nhà đang đợi mình trở về. Ở nhà Bertrand-Blanche, niềm hạnh phúc đó không đến trễ như trong phim. Nói phim ảnh không chắc lúc nào cũng hay hơn đời thực là vì như vậy.
Tôi không thể đếm hết những người bạn mới mà tôi đã may mắn được gặp dưới mái nhà Bertrand và Blanche. Gần gũi nhất là Manu và Léandro, hai người “khách trọ” cùng với tôi đã “ăn dầm ở dề” tại nhà trong hơn mấy tháng trời. Mỗi ngày ở đây hệt như một buổi tiệc đặc trưng kiểu người Âu châu, khi mà mỗi thành viên sẽ đem đến một điều gì đó để góp vui “chương trình văn nghệ”.
Tôi khoái nhất là những buổi tối Manu trở về nhà với hộp bánh của hãng Pierre Hermé ngạt ngào thơm. Nghe nói, đây là thương hiệu bánh ngọt nổi tiếng nhất thủ đô, đặc biệt chuyên bánh macarons với nhiều công thức rất sáng tạo. Nhưng tôi cũng vô cùng ưa thích những câu chuyện tiếu lâm kiểu Bỉ của Léandro. Đôi khi, người thầy dạy hát opéra lại xuất khẩu thành một… câu hát hào sảng để ngợi khen tôi đã xung phong rửa chén sau buổi tối. Những lúc như vậy mới thấy opéra sao dễ gần biết mấy, chẳng xa lắc lơ như hàng dài người xếp hàng dài chờ đợi để mua được tấm vé ở Nhà hát lớn.
Nhớ cả hai cô cậu người Ý nước mắt ngắn dài vì tuyển quốc gia thua Tây Ban Nha trận chung kết EURO hồi năm ngoái… Những lúc đó, Bertrand lại phải lụi hụi xuống tầng hầm tìm chai rượu ngon ra dụ khị mọi người, «Thôi đừng hơn thua nhau nữa, quan trọng là được cùng nhau xem đá bóng, phải không?»
Sống ở nhà Bertrand cũng sẽ có những điều rất tréo nghoe. Ông bà sẵn sàng dùng chai nước hoa Hermès để… khử mùi trong toilettes, trong khi đó, rổ mận mới mua lúc sáng ở chợ phiên cuối tuần sẽ được mọi người truyền nhau hít hà mùi quả chín.
Ngẫm lại thấy tréo nghoe cũng là hợp lí thôi, vì trên đời chẳng phải gia đình nào cũng rộng cửa đón chào tất cả những bạn bè đến từ khắp mọi miền thế giới như Bertrand và Blanche.
Trong suốt quãng thời gian sống ở đây, có một điều thú vị nữa chính là quãng đường từ nhà tới chỗ làm. Quãng đường ngắn ngủi 4 phút từ nhà tới bến métro cũng đủ để dẫn dắt tôi qua bao nhiêu mùi hương của buổi sáng: mùi dầu nóng hắt lên từ cửa hàng thức ăn châu Á, mùi café espresso của vị khách đang tranh thủ lật giở những dòng tít chính trong tờ Le Monde, mùi mồ hôi của những người vô gia cư còn đang ngái ngủ phải bất đắc dĩ đứng lên nhường đường cho khách bộ hành…
Khi đã chui xuống métro, tôi lại bắt tuyến số 3 lúc nào cũng chật nêm người vào giờ công sở, chen chúc nhau đến nỗi tôi chắc là anh chàng đứng kế bên sẽ nghe được từng nhịp beat của ca khúc đang được phát ra từ cái máy Ipod.
Đến République, tôi lại đi như bay qua những con đường ngoằn nghoèo để đi về hướng tàu số 9. Đã có đèn hiệu, nhưng không sao, tôi chỉ cần lao xuống cầu thang máy và nhảy một cú thẳng chân là sẽ bắt kịp nó vào giây kế cuối.
A lê hấp, lên tàu rồi… Tôi cùng Paris lao đi vào một ngày mới bận rộn, bình yên khi nghĩ rằng Bertrand và Blanche đang ở cạnh bên, cổ vũ cho từng bước chân tôi qua đường mỗi sáng, nơi những ngã tư, ngã năm đại lộ ở Paris. Và nhất là, cả hai đã là đã luôn chào đón tôi mỗi cuối ngày bằng một nụ cười khi trở về.
Thật lòng, chúng ta đâu có cần có quá nhiều điều trong đời để hạnh phúc, miễn là có nhau. Ensemble, c’est tout!
P/s: Nhân ngày đầu tiên đi thực tập ở Montpellier, đăng bài viết về kỳ thực tập ở Paris hai năm trước. 🙂
TRANG AMI