Một cặp đôi hoàn hảo

(Người Đẹp 322-333-334, January issue 2013)

Về một cặp vợ chồng như sinh ra là để dành cho nhau, trọn một kiếp này.

 Mot cap doi hoan hao_332333334

Mẹ tôi nói phụ nữ ai cũng sợ già, chỉ khi nhìn cái bóng thì sẽ không thấy mình già đi. Nếu suy luận theo quan điểm của mẹ tôi thì Síu Phạm chắc phải sợ già lắm vì chị rất siêng vẽ bóng người.

Nhưng, nhìn kỹ những cái bóng trong cuộc triển lãm Tạo Hình và Tạo Bóng ở Galerie Ami (Hội An) mới thấy “mấy cái bóng của Síu sao mà cô đơn quá”.

Vậy ra phụ nữ cũng có vài ba kiểu, mỗi kiểu lại có một nỗi sợ khác nhau khi về già. Gặp gỡ và trò chuyện với Síu Phạm nhiều mới thấy chị có thật sợ cô đơn không thì không biết, nhưng rõ ràng là chị chẳng sợ già. Bởi Síu Phạm đã bao giờ già đâu?

Bản thân cái cách chị nhìn ngó cuộc đời qua cặp mắt kiếng Italy tròng vuông tròng tròn cũng đủ để nói lên cái thói quen ăn vận “không sợ tuổi” rồi.

Ở những buổi khai mạc triển lãm tại Hội An, người ta dễ bắt gặp hình ảnh Síu Phạm đạp chiếc xe đạp cà tàng đến dự. Giữa đám đông các madame diện những kiểu váy thuộc bộ sưu tập mới, hay những bộ đồ bà ba cách điệu được đặt may với giá tiền tính bằng đô, Síu Phạm vẫn luôn nổi bật. Chị sở hữu rất nhiều những phụ kiện hiếm có khó tìm, có khi là chiếc túi xách được làm bằng túi đựng cám heo tái chế bởi đám sinh viên Nhật Bản, có lúc lại là cặp mắt kính mỗi tròng một kiểu khác biệt.

Chị lúc nào cũng sôi nổi trò chuyện với mọi người. Còn Jean Luc chồng chị lại như một quý ông thích tĩnh lặng, lúc nào chọn cho mình “riêng một góc trời” trầm ngâm nhìn ngắm mọi người xung quanh, và ngắm vợ.

Síu Phạm và Jean Luc là hai trong số những cặp đôi chọn Hội An làm nơi thường trú cho công việc sáng tạo nghệ thuật. Điều đặc biệt là dù luôn đi với nhau, nhưng họ không hề có sự tương đồng trong phong cách, cũng như hình chẳng biết bóng nghĩ gì bao giờ.

Dù đã bắt tay nhau hơn hai chục năm nay, nhưng triển lãm Tạo Hình và Tạo Bóng lần này ở Hội An chỉ là lần thứ hai họ cùng nhau triển lãm. Lần thứ nhất cách đây hơn 10 năm ở Genève, nơi đã chứng kiến hơn nửa cuộc đời đi đi về về của bóng và hình.

Síu Phạm tạo bóng dùng màu nhạt và dựa theo kỹ thuật tổng hợp, còn tranh của Jean-Luc được tô vẽ bằng màu sắc rực rỡ, với kỹ thuật thể hiện trên các lớp giấy khác nhau. Phải chăng vì Síu Phạm đã thả trôi hết những xúc cảm mãnh liệt qua mỗi vòng quay trên chiếc xe đạp (mà theo người Hội An tả lại là “còn tả tơi hơn cả chiếc xe của mấy bà bán rau”) nên còn lại trong chị chỉ là những tình cảm phơn phớt, cô đơn, nhưng nhẹ tênh.

 Photo : VERNISSAGE DE LA PROCHAINE EXPO : Samedi 22 Décembre à 18 h .

Jean-Luc, một người không có nhiều cơ hội bày ra những ngổn ngang trong lòng, lại là kẻ liều lĩnh hơn trong những thể nghiệm mới. Những bức tranh của Jean Luc Mello mang một chủ đề chung dựa trên những bức tượng bán thân không đầu, không tay của Phật. Anh hóm hỉnh điền vào chỗ trống đó những cái đầu, bàn tay của một hình tượng khác, nhằm bộc lộ cái nhìn trìu mến của anh cho bản giao hưởng liên văn hóa.

Để làm được điều này, anh mày mò trải nghiệm qua nhiều loại giấy: giấy dó, giấy tuyến chỉ, giấy xuyến, giấy bản dùng trong việc cúng bái hay cả giấy dán tường vintage rồi lại phết lên chúng nhiều lớp véc ni, lớp keo, và cả sữa tươi.

Jean-Luc che đậy những lõi giấy mà anh cất công tìm kiếm giỏi như cách anh giấu kín cảm xúc dành cho quê vợ. Hay đơn giản chỉ vì anh đã tìm được một cách khác để nói lời yêu?

Còn nhớ bộ phim độc lập Đó… hay Đây của hai vợ chồng vừa được trình chiếu tại Liên Hoan Phim Quốc tế Hà Nội hồi cuối tháng 11, sau khi đã tham gia một số Liên Hoan phim Quốc tế tại Busan, Osaka, Madrid, Italy, Ba Lan… Trong bộ phim đầu tay của Siu Phạm, Jean-Luc Mello vừa đảm nhận vai diễn viên chính vừa là người viết kịch bản cùng vợ. Bộ phim nói về một người Âu châu nằm mơ mình sống ở Việt Nam, với những cú chạm chân thật vào đời sống của người lao động bình dân. Trong khi đó, bộ phim gần nhất, Căn phòng của mẹ tôi, lại là chuyện về khác biệt giàu nghèo khủng khiếp của những phận người nơi đất Sài Gòn phồn thị…

Như vậy, nếu như phim ảnh là nghệ thuật dành cho mọi người, được thực hiện bởi cả hai vợ chồng đồng lòng cộng tác, thì hội họa là nơi họ tha hồ thể hiện những xúc cảm cá nhân.

Síu Phạm nói: “23 bức tranh màu pastel acrylic trong veo vì bóng người thì phải nhẹ nhàng và dễ tan biến, kể cả khi nó được dùng để biểu lộ sự cô đơn.”

Bài học rút ra là, để nỗi cô đơn dễ bị tan biến đi, cách tốt nhất là hãy tô chúng bằng những gam màu thật nhạt.

NGUYÊN ĐÀI

One Comment Add yours

  1. Jamie Nguyen nói:

    Reblogged this on Jamie Nguyen and commented:
    “… để nỗi cô đơn dễ bị tan biến đi, cách tốt nhất là hãy tô chúng bằng những gam màu thật nhạt.?

    Thích

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s