Đến đảo Lý Sơn vào đầu tháng hai dương lịch, chúng tôi được người nhà dặn mua hành tím Lý Sơn mang về, bởi đó là thời điểm vào mùa của đặc sản trứ danh đất Quảng Ngãi. Và chúng tôi đến với Lý Sơn để nhận ra hòn đảo xinh xắn miền biên viễn này còn ẩn chứa nhiều nét duyên ngầm của một vùng đất được thiên nhiên đặc biệt ưu ái.
Không cô đơn ở xứ tỏi cô đơn
Có câu người dân miền biển ăn sóng nói gió nhưng tính cách đôn hậu và niềm nở, và người dân Lý Sơn cũng y hệt như thế. Nhóm chúng tôi đến đâu cũng được mọi người vui vẻ đón chào, chỉ đường, hỏi cô cậu từ đâu đến và đã đi thăm những đâu. Thấy chúng tôi ngạc nhiên vì bóng dáng học sinh trong bộ đồng phục quần xanh áo trắng đạp xe đi học – trong khi học sinh thành thị phải học online bao lâu nay, bác tài bảo trong lúc đại dịch Covid bùng phát dữ dội ở các phố thị, đảo Lý Sơn vẫn còn rất an toàn và học sinh vẫn được đến trường học trực tiếp đúng như lẽ thường ở độ tuổi học trò của các em. Đến Lý Sơn vào giữa tháng giêng âm lịch, chúng tôi còn được chủ homestay soạn bánh mứt, hạt dưa ra mời, hệt như cách họ thết đãi khách quý ngày đầu năm trong phong tục của người Việt Nam.

Điều khiến tôi thích thú đầu tiên khi đặt chân đến đây là những nóc nhà tưởng như bước ra từ một câu chuyện ngày xửa ngày xưa ngoại kể. Thấp thoáng đâu đó là những chiếc hàng rào đơn sơ, phủ lên bởi tấm áo choàng được dệt từ những loài cây leo xanh rì, che chắn cho những căn nhà ba gian thường thấy khi nhỏ. Bên cạnh là những ngôi nhà thờ tộc, đình làng có đường chỉ và hoa văn rực rỡ sắc màu, mái ngói âm dương, hay đặc biệt như căn nhà sở hữu một chiếc tháp như được dùng làm nơi canh gác ở những tòa lâu đài bên xứ Pháp.
Nhà ở là một chuyện, ở Lý Sơn còn có nhiều công trình tín ngưỡng không thiếu phần thiêng liêng để du khách gần xa có thể chiêm bái, ngưỡng vọng, nào là chùa Đục nơi sườn núi Giếng Tiền, cheo leo trên 100 nấc thang, hay chùa Hang tọa lạc trong một hang đá lớn, có màu nham thạch và những vách núi đồ sộ. Và nếu chạy xe trên cung đường ven biển, ta còn có thể bắt gặp Nhà thờ Giáo xứ Lý Sơn sừng sững vươn cao. Như một lẽ dĩ nhiên, nơi đầu sóng ngọn gió, đức tin tín ngưỡng chắc chắn là chốn bình an cho bao đời cư dân nương tựa.






Nhưng đã đến Lý Sơn, đặc sắc nhất vẫn là những khu vườn, cánh đồng hành, tỏi vang danh khắp chốn gần xa, như một nguyên liệu không thể thiếu của các bài thuốc chữa bệnh dân gian. Người ta phơi tỏi giữa lòng đường, nơi hiên nhà, khắp mọi ngóc ngách của xóm giềng. Vào tháng giêng (ÂL) khi hành tím Lý Sơn đến độ thu hoạch, thật khó để bỏ qua hương hành, hương tỏi đặc trưng. Hương nồng nhưng vị lại thơm và chẳng có độ gắt như bao loại hành, tỏi khác, chẳng thế mà tỏi Lý Sơn được trưng dụng trong rất nhiều món ăn đặc sản như một phần không thể thiếu, mà đã đến Lý Sơn, không thể không một lần đụng đũa, hồi hộp cắn một miếng, rồi thì mắt chữ A mồm chữ O tự hỏi sao hành tỏi lại dễ ăn đến vậy.






Hóa ra Lý Sơn nổi tiếng nhất với tỏi cô đơn, nhưng ngoài ra còn nhiều loại hành tỏi khác phù hợp với cách chế biến và công dụng: tỏi thường nhiều tép, tỏi đen nhiều tép, tỏi cô đơn, tỏi đen cô đơn, hành lá, hành khô… Tươi ngon và trù phú đến mức người bán hàng ở chợ còn chẳng màng bày bán sẵn – đợi khi khách mua nhiều mới về nhà hái thẳng từ vườn. Bằng không, họ sẽ phơi khô mà gửi đi dọc đất nước chúng ta theo các thương lái mua sỉ, thậm chí là ra tận nước ngoài.
Xóm chài bình dị, con người anh dũng trên nền dung nham cổ
Tương truyền, khoảng 25-30 triệu năm về trước, hiện tượng địa chất do núi lửa phun trào đã hình thành nên đảo Lý Sơn, và hiện nay vẫn còn dấu tích của dung nham đã tắt tại năm ngọn núi hiện diện trên đảo. Người dân nơi này cho hay, chính hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này đã tạo nên những rạn đá ngầm giúp ích cho môi sinh dưới nước và lớp đất bazan màu mỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng trọt ở khu vực nam đảo. Du khách có thể bắt gặp vẻ đẹp do thiên nhiên hàng triệu năm kiến tạo tại Cổng Tò Vò.
Trên cao là bầu trời, trước mắt ngập một sắc xanh biển cả, dưới chân bát ngát những bờ đá được kết dính với nhau mà nghe đâu chính là dấu tích của những bãi san hô cổ. Đúng như tên gọi, nơi đây có một chiếc cổng hình vòm tự nhiên, được ví von là cổng đá nham thạch tự nhiên đẹp nhất Việt Nam. Chồng tôi là một người Mỹ từng có dịp đến thăm kỳ quan Hang Rái thuộc tỉnh Ninh Thuận, và anh đã sớm nhận ra sự giống nhau giữa hai kỳ quan thiên nhiên này.

Đã xuống biển không thể không lên núi, điểm hẹn của chúng tôi là Đỉnh Thới Lới. Bãi đất nhô ra giữa trời với một bên là vách núi cheo leo, lẩn khuất bên trong bãi đá đứng và cây xanh rậm rạp ấy là khe suối liên tục chảy xuống với âm thanh róc rách không ngơi, và xa xa là chiếc cột cờ uy nghiêm phấp phới lá cờ đỏ sao vàng như một lời khẳng định chủ quyền. Đúng vậy, Lý Sơn là hòn đảo gần nhất với Hoàng Sa và Trường Sa, nơi hậu duệ nhà họ Đặng ở Đồng Hộ còn lưu giữa một tờ sắc lệnh quý giá, có liên quan đến Đội Hoàng Sa do Vua Minh Mạng ban năm 1834, khẳng định trong dòng tộc này đã từng có người được cử đi Hoàng Sa làm nhiệm vụ quốc gia. Chẳng thế mà trong các lễ hội thu hút du khách gần xa đến đảo Lý Sơn, không thể không kể đến “Lễ khao lề thế lính” có từ hơn 300 năm trước, nhằm tri ân hương hồn của những người lính đảo Hoàng Sa – Trường Sa đã hy sinh cho sứ mệnh bảo vệ bờ cõi của đất nước.

Đến đảo Lý Sơn để thưởng ngoạn trước vẻ đẹp của đất trời, để thán phục trước những công trình kiến trúc đặc trưng cho ba nền văn minh Sa Huỳnh, Chăm Pa và Việt Nam, và cũng để cảm nhận một chữ “yên” giữa những nếp nhà dung dị dưới những rặng dừa xanh. Chúng tôi trọ tại một homestay có tên là An Duyên của người dân địa phương. Cái thú của nhà trọ này nằm ở chỗ chúng tôi phải băng qua một con hẻm nhỏ mới đến nơi. Từ trên chiếc sân phơi, với cái nhìn bao quát xóm chài, tôi có thể ngắm cảnh trẻ em chạy nhảy nô đùa không sợ xe cộ ngược xuôi, thích thú trước hình ảnh người chồng ra vườn hái rau, sơ chế cho bữa ăn chiều, và bật cười thích thú khi thấy những người người phụ nữ, cụ già sang nhà hàng xóm chuyện trò. Hẳn họ đang bàn luận rôm rả về mẻ cá sáng nay vừa đánh bắt.

Từng là một đứa trẻ lớn lên nơi xóm biển Thanh Bình – cách Lý Sơn khoảng 134km, tôi không khỏi nhớ về những tháng ngày chiều chiều cùng đám trẻ con trong xóm rủ nhau ra tắm biển, mò cua bắt ốc, xây lâu đài cát nơi bãi biển vắng người, dưới những hàng dừa cần mẫn soi bóng mát mà như đang dõi mắt trông coi đám trẻ.
Rồi đây giữa những công trình nhà nghỉ, khách sạn, giữa cảng biển du lịch sắp được thành hình để đón thêm nhiều du khách hơn nữa, vẻ đẹp giản dị của nơi này có còn được lưu giữ vẹn nguyên? Mong ước rằng dù Lý Sơn có phát triển đến đâu, sự ngự tri của thiên nhiên và tính cách hồn hậu của người dân nơi đây vẫn luôn còn mãi. Chỉ được tô đậm, khắc sâu thêm, chứ đừng nhạt màu như những biển đảo không giữ nổi cá tính riêng của mình, Lý Sơn nhé!
TRANG AMI
Savour Vietnam số Quý I – 2022
Thông tin du lịch đảo Lý Sơn
- Còn có tên gọi là Cù Lao Ré, đảo Lý Sơn là nơi lưu giữa bằng chứng xác thực về chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Để tìm hiểu thêm về lịch sử hình thành và phát triển của hòn đảo, bạn có thể ghé thăm Nhà Trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải.
- Để đến đảo Lý Sơn, bạn phải đến đảo Sa Kỳ để bắt tàu, và chuyến tàu cao tốc vượt biển kéo dài 15 hải lý sẽ mất khoảng 40-50 phút di chuyển, tùy theo điều kiện thời tiết.
- Thời điểm lý tưởng nhất để đến với Lý Sơn là từ tháng 3 đến tháng 8 với thời tiết khô ráo, ít mưa. Một số món ăn không-thể-không-nếm thử: gỏi tỏi Lý Sơn, ram chả cá, mực nướng, sò nướng mỡ hành, cháo nhum, lẩu cá Tà Ma và hằng hà sa số các món đặc sản khác.