Sau một năm với biết bao lần vượt quãng đường 436 km đến Helena trên hành trình xin thẻ xanh để trở thành thường trú nhân xứ cờ hoa, tôi nhận ra mình cũng mang về nhà những xúc cảm say mê về một vùng đất mang cái tên đậm nữ tính.
Ảnh: Trang Ami, Steven Swanson
Vùng đất mang tên một người con gái
Cũng như bao thành phố khác ở tiểu bang Montana của Mỹ, Helena xuất xứ là một thành phố mỏ. Lịch sử thành phố có thể tóm gọn bằng câu chuyện của bốn người đàn ông từ Georgia với giấc mộng tìm vàng ở khu vực phía Tây Montana ngày nay. Mọi nỗ lực dường như sắp tắt, cho đến khi họ quyết định thử vận may một lần cuối, gần một nhánh sông lân cận Helena. Và số phận đã mỉm cười khi họ tìm thấy vàng vào những phút giây cuối cùng của chuỗi ngày kỳ vọng, vào đêm 14/7/1864, tại một con suối về sau được đặt tên là Last Chance Gulch.

Tin lành lan nhanh, Helena trở thành miền đất hứa gần như chỉ sau một đêm, nhưng cái tên thành phố thì lại trải qua nhiều lần điều chỉnh. Ban đầu là Crabtown, theo tên của một trong bốn người đàn ông Georgia tìm thấy vàng. Tiếp đến là những cái tên như Pumpkinville và Squashtown. Sau cùng, vì hầu hết những thợ mỏ mới đến có xuất thân từ Minnesota, họ đã sớm gọi nơi này theo tên của một thị trấn ở quê nhà, là Saint Helena. Và Helena chính là phiên bản rút gọn của cái tên kể trên, vang vọng cho đến ngày nay.
Lý do vợ chồng tôi phải lái xe hơn ba tiếng đến đây chứ không phải một phố thị nào khác là vì văn phòng Sở Di Trú của tiểu bang thường tọa lạc ở thủ phủ, mà Helena là thủ phủ của tiểu bang Montana.

Lái xe trên một cung đường bất kỳ ở Helena, chẳng khó để bắt gặp Tòa nhà Tiểu bang (Montana State Capitol) được xây dựng vào năm 1899. Đến đây vào những khung giờ mở cửa nhất định, bạn có thể tự do tham quan và đắm mình trong những bức bích họa, tượng điêu khắc và cả những khung kính màu kể lại sức tranh đấu kiên cường của đất và người nơi đây, trên mọi lĩnh vực của đời sống. Là một người theo chủ nghĩa nữ quyền, tôi đặc biệt ấn tượng trước bức tượng toàn thân về nữ chính trị gia lỗi lạc Jeannette Rankin với phong trào đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Tháng 11 năm 1914, Montana chính thức trở thành tiểu bang thứ bảy của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ trao quyền bỏ phiếu không hạn chế cho phụ nữ, để rồi, cũng vào tháng 11 hai năm sau đó, bà được bầu vào Hạ viện Hoa Kỳ, chính thức trở thành người phụ nữ đầu tiên giành được một ghế trong Quốc hội Liên bang.
Helena khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Lần đầu ghé thành phố vào mùa đông năm ngoái, tôi đã nghĩ nguồn gốc cái tên ấy có lẽ gắn liền với một người phụ nữ địa phương nào đó, để rồi nhận ra đó là sự lựa chọn phát sinh từ nỗi nhớ nhà của những người đàn ông tha hương ôm giấc mộng tìm vàng.
Nhưng Saint Helena là ai? Sách sử viết rằng đó là một hoàng hậu La Mã đã kết hôn với hoàng đế Constantius Chlorus, nhưng bị chính chồng mình ruồng bỏ vì lý do chính trị. Khi con trai bà là Constantinus Đại đế được tôn xưng làm hoàng đế xứ York (nước Anh ngày nay) vào năm 306, bà được con trai phong làm hoàng thái hậu và sau đó trở thành một tín đồ Cơ đốc giáo ngoan đạo. Thậm chí, theo Socrates Scholasticus ghi chép lại, bà chính là người đã tìm ra Cây Thập giá Đích thực đã được dùng để đóng đinh Chúa Giêsu.

Một thuở vàng son và những nốt trầm
Dự án đường sắt Bắc Thái Bình Dương dài 10.900 km bắc ngang Helena vào năm 1883 là một trong những sự kiện giúp đẩy nhanh sự thịnh vượng của thành phố. Sự trù phú thể hiện qua những dinh thự và tòa nhà mang đường nét kiến trúc giao thoa. Với một chút tò mò quan sát, bạn có thể bắt gặp ảnh hưởng của phong cách Art Deco qua những đường cong mềm mại lấy cảm hứng từ thế giới muôn màu, phát hiện lối kiến trúc Gothic Revival qua những chiếc vòm nhọn và loạt kính màu ở nhà thờ Saint Helena, hay nhận ra công trình Securities Building mang dáng dấp đặc trưng của trào lưu Romanesque Revival.

Tôi thích buổi dạo chơi trên con phố đi bộ Last Chance Gulch, bởi đó là nơi tập trung các cửa hàng mang đậm cá tính, những mặt tiền đứng vững trước dòng chảy ồ ạt của kiến trúc, và cả những bức bích họa thuật lại câu chuyện của một xã hội rộng lòng với những lớp người nhập cư bình dân nhất. Một trong những cộng đồng nhập cư nổi bật ở Helena vào cuối thế kỷ 19 là cộng đồng người da đen chạy trốn nạn phân biệt chủng tộc ở miền Nam. Họ tìm được việc làm trong các khu khai thác mỏ, dự án đường sắt hay phục vụ trong những khu nghỉ mát. Câu chuyện về nhà thờ James African Methodist Episcopal với hội phụ nữ nhân từ, đội kịch, ban nhạc… cùng những bài báo viết về hoạt động của nhà thờ thuở ấy chính là dấu tích còn lại của giai đoạn này.

Trở về hiện tại, có hơn một công trình luôn đón đợi chúng tôi. Helena Civic Center là một trong số đó. Được xây dựng vào năm 1919 và từng là trụ sở của đền thờ Algeria, tòa nhà mang phong cách Moorish Revival khiến bạn có cảm giác như đang lang thang đâu đó ở một quốc gia Hồi giáo nay là nơi diễn ra các buổi biểu diễn âm nhạc của học sinh thành phố, các cuộc triển lãm đồ thủ công mỹ nghệ và cả các buổi tiệc chiêu đãi nơi phòng dạ hội. Trong khi đó, Archie Bray Foundation sẽ đưa bạn đến với thế giới của gốm sứ, tọa lạc trên một nhà máy gạch cũ nép mình dưới chân dãy núi Rocky hùng vĩ. Nếu may mắn, bạn sẽ được gặp những nghệ nhân gốm sứ đến đây cư trú sáng tác, sẵn lòng đổi trao những ý tưởng không biên giới.
Và báu vật thực sự nơi “tiểu bang kho báu”
50 tiểu bang của Mỹ đều được biết đến với những biệt danh riêng. Và biệt danh của Montana chính là “tiểu bang kho báu”. Trong cảm nhận của riêng tôi, bảo bối của Helena chính là địa hình thiên nhiên hoang sơ không tì vết. Bên cạnh những ngọn núi lớn nhỏ bao quanh, hệ thống sông ngòi đặc sắc bao gồm các dòng Missouri, Blackfoot và Clark Fork còn là thiên đường của giới câu cá. Không ngoa khi nói Helena chính là một trong những điểm hẹn câu cá bằng ruồi giả nổi tiếng nhất thế giới. Một bài viết trên trang web flyfisherman đã lý giải rõ nét về sức hút nơi này với lời chia sẻ: “Hãy chọn một điểm trong trung tâm thành phố, vẽ một hình cầu tầm 100 dặm xung quanh nó, và thử đếm xem có bao nhiêu con sông cá hồi, vùng nước lặng, hồ trên núi và cả những nhánh sông bạn có thể nhìn thấy trong chu vi đó. Đơn giản là có quá nhiều nơi để đi câu…”

Nhưng sau tất cả, bên cạnh những ngành nghề trọng điểm như lâm nghiệp, khai thác mỏ, sản xuất năng lượng, nền kinh tế chủ chốt của Helena vẫn là nông nghiệp. Đất rộng, người thưa, nên mỗi lúc tôi thấy choáng ngợp trước những trang trại hàng dặm xa không một bóng người (chỉ có máy móc canh tác tự động), chồng tôi vẫn thường nhắc nhớ rằng diện tích của Montana nhỉnh hơn một chút so với nước Đức, nhưng dân số của cả tiểu bang chỉ vào khoảng 1 triệu người.
Một ngày cuối xuân nọ ở Helena, chúng tôi đã nghỉ lại một nông trang như thế. Oddfellow Inn & Farm từng là nhà hưu trí của một tổ chức huynh đệ, đồng thời còn chăm sóc cho các góa phụ và trẻ mồ côi cho đến giữa những năm 1970, nay được chỉnh trang thành một nông trại kiêm nhà trọ cho khách du lịch. Tận dụng nguồn nguyên liệu tự cung tự cấp, nhà hàng Pháp của khách sạn phục vụ các món ăn đúng nghĩa từ vườn đến bàn ăn, với rau củ được hái thẳng từ vườn. Trứng để làm bánh, hoa cỏ được ngắt vào trang trí cho khắp các sảnh chung, thịt cho các món giàu protein có lẽ cũng là “của nhà trồng được”.

Và trong cái lạnh khi đêm xuống một ngày tháng 5, tôi ngạc nhiên quá đỗi khi người phục vụ cho biết quầy bar của họ bày bán cả loại vang Pháp khó tìm nơi các cửa hàng rượu xứ Mỹ: Sauternes. Người phục vụ rượu công nhận với tôi, đây quả là loại rượu ngon nhưng lại bị mọi người ngó lơ một cách kỳ lạ. Cũng như Helena vậy! Một nơi mang vẻ đẹp nguyên bản, không thiếu những trải nghiệm dễ thương, nhưng lại ít được nhiều người biết đến. Giả sử tôi không phải đến Helena vì lý do làm thẻ xanh, có lẽ cũng chẳng có dịp đến đây thường xuyên đến vậy.

Sự hào nhoáng dễ gây choáng ngợp tức thì, nhưng những xúc cảm dịu êm và lắng đọng như những giọt sương tinh khôi buổi sớm mới là điều khiến ta sảng khoái trước những dặm dài rong ruổi. Cách diễn đạt này đúng là để dành riêng cho Helena.
TRANG AMI
Savour Vietnam Magazine,
First Issue of 2022