Nhịp đập kiến trúc trong lòng thành phố

Khi ghé thăm một thành phố lạ, có một nơi chắc chắn tôi luôn muốn tìm đến. Đó chính là những công trình kiến trúc đặc biệt, làm nên tên tuổi cho thành phố nó thuộc về và còn có sức ảnh hưởng lên cả cuộc sống đương đại của người dân bản địa. Dưới đây là một vài nơi tôi đã từng ghé, và sẽ mãi nhớ.

Prague, Cộng hòa Séc: Tòa nhà khiêu vũ

Với biệt danh “Tòa nhà khiêu vũ” (Dancing House), công trình Nationale-Nederlanden của hai kiến trúc sư Vlado Milunić và Frank Gehry là một điểm nhấn của phong cách kiến tạo (deconstructivist), được xem là tòa nhà phải-ghé-thăm của du khách gần xa mỗi khi đến thủ đô của Cộng hòa Séc.

Được hình thành từ 99 tấm bê tông, với mỗi tấm là một hình dáng và kích thước khác nhau, Dancing House là một công trình đa tính năng, với 3.000 m2 được chia thành nhà hàng, phòng tranh, phòng hội nghị và văn phòng công ty. Với người Séc, đây chính là một trong những biểu tượng kiến trúc của đất nước giai đoạn hậu 1989.

Vào cuối Thế chiến thứ 2, tòa nhà cũ tọa lạc trên mảnh đất này đã bị hủy hoại khi quân Đồng minh dội bom Prague, khiến nơi đây thành bãi đất trống cho mãi đến năm 1989. Chỉ sau khi kiến trúc sư của cuộc Cách mạng Nhung lên nắm quyền, tổng thống Václav Havel mới quyết định biến nơi này thành tâm điểm của đời sống văn hóa, xã hội của Cộng hòa Séc.

Thành phố Prague nhìn từ trên cao_Photo by Anthony DELANOIX on Unsplash

Để làm điều đó, Havel đã mời người hàng xóm của mình là kiến trúc sư Vlado Milunić đảm nhiệm công trình. Thiết kế khi đó đã có đặc điểm của một tòa nhà nghiêng về phía giao lộ, tuy nhiên, vào năm 1992, một phần đất đã bị mua bởi công ty bảo hiểm Nationale-Nederlanden, làm kế hoạch có khả năng bị thay đổi. Người đại diện của công ty Hà Lan khi đó muốn sở hữu một trụ sở văn phòng hiện đại hơn là một trung tâm văn hóa. May thay, Vlado Milunić có một người bạn là lãnh đạo công ty đồng điệu với ý tưởng của ông, và cũng chính nhờ mối quan hệ này mà Tòa nhà khiêu vũ mới được đặt móng vào năm 1994, rồi chính thức đi vào hoạt động vào hai năm sau đó.

Nhìn từ xa, tòa công trình 9 tầng này có hai tòa tháp, và một trong hai tòa nhà đội lên mình chiếc mái vòm bằng kim loại có biệt danh “Medusa”, tạo nên một tổng thể như một cặp đôi đang khiêu vũ. Chưa hết, những căn phòng bên trong được xây phi đối xứng, mang đến những xúc cảm mới lạ, khác hẳn so với những ngôi nhà vuông vức kiểu cũ.

Photo by Martin Krchnacek on Unsplash

Với những cách tân kể trên, công trình này từng gây tranh cãi, khi những người bất đồng cho rằng nó sẽ không thể hòa hợp với những tòa nhà mang phong cách Baroque, Gothic và Art Nouveau đã quá phổ biến ở Prague. Để rồi giờ đây, trên những chiếc áo thun, sản phẩm lưu niệm và các bài báo quảng bá du lịch Prague, đâu đâu cũng thấy hình ảnh của Dancing House như một báu vật của kiến trúc Cộng hòa Séc thời hậu hiện đại. 

Paris, Pháp: Trung tâm Georges-Pompidou

Mỗi khi trở lại Paris, những con đường luôn dẫn lối tôi đến quảng trường Georges-Pompidou bởi hai lý do: bản thân công trình Trung tâm Pompidou, và không khí nghệ thuật đặc quánh mà những người nghệ sĩ đường phố nơi quảng trường cùng tên mang lại.

Trong số hàng vạn trọng trách chính trị mà các đời tổng thống Pháp phải đảm nhiệm, có một sứ mệnh vô cùng đặc biệt: xây bảo tàng, hoặc chí ít là thực hiện một công trình kiến trúc nào đó gắn liền với bảo tàng. Không lạ mỗi khi nhắc đến một đời tổng thống Pháp nào đó, người dân thường nhớ đến một công trình nghệ thuật mà họ đứng sau, nhất là khi chúng thường được gọi theo tên tổng thống. Chẳng hạn, Musée du quai Branly – Jacques Chirac chuyên trưng bày các hiện vật văn hóa và nghệ thuật bản địa bên hữu ngạn sông Seine khiến người đời biết ơn tổng thống Jacques Chirac. Trong khi đó, tổng thống Francois Mitterrand lại là người đích thân nhờ kiến trúc sư Ieoh Ming Pei thiết kế chiếc kim tự tháp kính nơi sân bảo tàng Louvre. Và đến lượt mình, tổng thống Georges Pompidou (nhiệm kỳ 1969 – 1974) chính là người khởi xướng công trình điển hình của chủ nghĩa kiến tạo (deconstructivist) kết hợp công nghệ cao.

Năm 1971, tổng thống Georges Pompidou tổ chức một cuộc thi thiết kế quy mô quốc tế, với sự tham gia của những kiến trúc sư lừng danh nhất thời kỳ đó. Chung cuộc, bộ đôi kiến trúc sư Renzo Piano và Richard Rogers đã chiến thắng với một thiết kế ấn tượng, trong đó nhấn mạnh đến những chiếc ống, hàng cột cùng hệ thống thang trời cỡ đại khi nhìn từ phía mặt ngoài. Đặc biệt, mỗi gam màu trên những chiếc ống khổng lồ đều đại diện cho một tính năng riêng: ống màu xanh da trời chính là hệ thống điều hòa không khí, ống màu vàng cho đường dây dẫn điện, ống xanh lá cây chứa đựng ống nước, còn ống màu đỏ chính là cầu thang và thang máy. Thế nên, nhiều người còn gọi đây là công trình “lộn từ trong ra ngoài”, khi những thành phần lẽ ra được che chắn lại trở thành thứ đập vào mắt du khách trước tiên.

Kiến trúc sư Piano cho biết: “Trung tâm này trông giống một con tàu vũ trụ khổng lồ được làm từ kính, thép và những chiếc ống rực rỡ màu sắc bất ngờ hạ cánh ngay giữa lòng Paris, và ngay tại đó, con tàu đã nhanh chóng cắm những chiếc rễ thật sâu”.

Còn được Piano miêu tả như một “món đồ chơi đô thị khổng lồ”, Trung tâm nghệ thuật và văn hóa quốc gia Georges-Pompidou – tên đầy đủ của công trình – có 6 tầng lầu với những không gian thoáng đãng mà chẳng hề có bóng dáng của cột đỡ. Ở đây có một hiệu sách với nhiều đầu sách nghệ thuật, thư viện… và đặc biệt là bảo tàng nghệ thuật đương đại với những kiệt tác mỹ thuật của thế kỷ 20 và thế kỷ 21. Ở đây trưng bày tranh của các họa sĩ như Vassily Kandinsky, Marcel Duchamp, Robert Delaunay, Otto Dix… cùng nhiều danh họa khác.

Photo by Les Corpographes on Unsplash

Gặp gỡ và kết thân với người Pháp, bạn sẽ thấy Georges-Pompidou cũng như tính cách nổi loạn ngầm, ưa phá vỡ những lớp lang nguyên tắc, ẩn sau một phong cách sống kiểu mẫu. Còn nếu thử so sánh với đời sống của mỗi chúng ta, Georges-Pompidou như một khoảnh khắc cảm tính, tinh nghịch. Nhưng mỗi khi nghĩ về, nó luôn khiến ta mỉm cười tự thú: “Đã có lúc mình chấp nhận, thỏa hiệp, đồng ý làm điều đó sao, nhưng sau tất cả, mình không hối hận!”

Barcelona, Tây Ban Nha: Vương cung thánh đường Sagrada Família

Trên thế giới có một công trình mà những người học tiếng Anh thường đùa là “được chia ở thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn”, vốn dành cho những sự việc đã bắt đầu trong quá khứ, vẫn đang tiếp tục diễn ra ở hiện tại và còn kéo dài đến tương lai. Cụm mỹ từ này dành cho công trình Vương cung thánh đường Sagrada Família, được khởi công vào năm 1882 và theo dự đoán sẽ hoàn thành vào năm… 2026 – tức 100 năm sau ngày mất của kiến trúc sư Antoni Gaudí, cha đẻ của công trình vĩ đại này.

Nếu nói ở Barcelona, bước chân xuống khu phố nào cũng có thể bắt gặp một kiệt tác của kiến trúc sư Antoni Gaudí đại tài, thì Sagrada Família chính là tuyệt tác để đời của ông. Gọi là để đời bởi ông không vẽ nó cho riêng mình, mà cho toàn thể người dân Barcelona. Dù chưa khánh thành, nhà thờ đã được UNESCO xác nhận là Di sản Thế giới, và vào tháng 11 năm 2010, nó đã được Giáo hoàng Benedict XVI thánh hiến và công bố là tiểu Vương cung Thánh đường.

Mọi thứ bắt đầu vào năm 1872, khi người chủ hiệu sách có tên Josep Maria Bocabella đến thăm Vatican, nước Ý. Trở về Barcelona với ngập tràn cảm hứng, ông nghĩ rằng phải xây dựng một ngôi nhà thờ tráng lệ giống như những gì ông được chứng kiến bên đất Ý. Với sự đóng góp của các mạnh thường quân, nguyện ước của ông đã thành hiện thực. Công trình được khởi công 10 năm sau chuyến đi, với một ý tưởng thiết kế khác với những gì chúng ta được biết, vì vị kiến trúc sư đầu tiên khi đó chưa phải Gaudí.

Một năm sau đó, vì có sự bất đồng quan điểm và kiến trúc sư đầu tiên rút khỏi dự án, Antonio Gaudí mới tiếp quản công trình. Ông kết hợp phong cách Catalan hiện đại với Gothic và Art Nouveau – mà điển hình là cảm hứng từ thiên nhiên, thể hiện qua họa tiết cỏ cây, sinh vật và những đường cong sống động, thay cho sự vuông vức. Gaudí đã tận hiến những năm tháng cuối đời cho dự án này.

Photo by Manuel Torres Gª on Unsplash

Sau khi Gaudí qua đời, công trình vẫn tiếp tục, nhưng vì ngân sách chủ yếu dựa vào các quỹ đóng góp tư nhân, chưa kể còn bị gián đoạn bởi cuộc Nội chiến Tây Ban Nha, tiến độ đã chậm lại, và chỉ được tiếp tục kể từ những năm 1950. Cản trở chưa dừng lại ở đó, những năm gần đây, công trình vấp phải những ý kiến trái chiều từ những người e ngại rằng Sagrada Família sẽ cạnh tranh với Nhà thờ Chính Tòa Barcelona (Cathedral of Barcelona), với những công trình khác của Gaudí, và với khả năng rằng cái chết của Gaudí có thể làm mất đi tính nguyên bản của thiết kế ban đầu.

Những ngăn cản từ phía những người Catalan chống đối cho thấy họ đã quên mất một điều là Sagrada Família có thể ban đầu được vẽ cho người Catalan, nhưng giờ đây, nó đã trở thành một di sản của nhân loại. Và chỉ vài năm nữa thôi, sau khi hoàn thành, đất nước họ sẽ sở hữu ngôi nhà thờ cao nhất thế giới, với chiều cao 172,5m.

Photo by Ken Cheung on Unsplash

Tất nhiên, một công trường dàn trải hàng trăm năm cũng có những lợi thế riêng, khi có thể tận dụng những công nghệ tân tiến nhất để tối ưu hóa quá trình xây dựng, ví dụ công nghệ in 3D, hay những phiến đá từng mất rất nhiều thời gian giờ đây đã có thể được chế tạo nhanh hơn nhờ vào máy vi tính. Nhưng dẫu có tiện lợi đến mấy trong khâu xây dựng, cá tính Gaudí và vẻ đẹp Catalan vẫn mãi trường tồn theo năm tháng.

Một công trình giúp nhân loại hiểu rằng sự dang dở cũng có vẻ đẹp của nó, và chờ đợi cũng là một hạnh phúc!

TRANG AMI

Heritage, Savour Vietnam magazine issue 5

Featured image’s credit: Carles Rabada on Unsplash

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s