Hội An, đô thị cổ xưa và cởi mở ấy, thì thầm với bạn rằng “Hãy cứ mặc art, khi bạn đến đây!”
Không ồn ào những thương hiệu đẳng cấp quốc tế hay những mặt bằng mua bán sang trọng, các hiệu may ở Hội An (thậm chí chỉ là một góc máy may nơi chợ vải của cô thợ tuổi ngoài đôi mươi) cũng đã đủ cuốn hút. Những cô gái đến Hội An không chỉ mê mẩn các mẫu thiết kế truyền thống với nét quyến rũ địa phương như áo dài hay quần tây dạng thụng kiểu đồ bà ba, các nàng còn bị hút hồn bởi những mẫu thiết kế thời thượng, bởi thời trang Hội An hiện đại và Tây hơn bất cứ phố thời trang sầm uất nào ở nước mình! Bằng chứng là cô mannequin trước tiệm thời trang phố cổ đang diện những mẫu áo khoác thời thượng, từ păng-sô, áo choàng cánh dơi, áo khoác ngắn… kiểu cách London, Paris hoặc bất kể một kinh đô thời trang nào khác.
Giày hay bốt được thiết kế theo ý thích bạn, áo quần may theo kích cỡ với lựa chọn về vải vóc và kiểu dáng bạn thích… là điều không tưởng của nhiều cô gái nước ngoài vốn chỉ biết tới thời trang may sẵn. Cũng bởi cái giá của thời trang may đo quá đắt đỏ ở phương Tây, nên cô bạn Đan Mạch của tôi khi tới Hội An đã đặt may hàng chục kiểu áo sơ-mi một lần để mang về nước.
Chẳng ai nghĩ những chiếc áo thun IPhở chính là một sáng tạo của nghệ thuật slogan từ Hội An. Chủ nhân sáng tạo của mẫu áo độc đáo này là một người Pháp đã sống và làm việc lâu ngày ở Hội An và Sài Gòn. Ông lột tả rất sáng tạo, hài hước và thực tế những ấn tượng về cuộc sống Việt Nam trong mắt một du khách thân thiện trên những thiết kế áo thun của hãng Papaya: chiếc loa phát thanh ở làng quê Hội An mỗi sớm, nạn kẹt xe hay thậm chí là cảnh dây điện chằng chịt ở các đô thị…
Là vì người Hội An bao dung và lành tính nên thời trang kiểu gì họ cũng chịu? Hay bởi đô thị cổ vốn phóng khoáng từ trong cốt cách của một thương cảng xa xưa, để sẵn sàng đón nhận bất cứ sức sáng tạo mới mẻ nào?
Nhiều du khách phương xa chọn Hội An làm nơi thường trú cho sức sáng tạo và thẩm mĩ trong thời trang của mình. Tôi nhớ mãi hình ảnh bà chủ cửa hàng thời trang Hot Chili đạp xe dọc ngang phố Hội mỗi buổi sáng, tự tin và vui vẻ reo chào mọi người, hệt như bà là dân địa phương chính gốc. Có lẽ vì tình thân giữa bà với phố cổ mà những mẫu thiết kế thổ dân của Hot Chili tuy ngập tràn các họa tiết và sắc màu nước Úc, nhưng vẫn ít nhiều điểm nhấn châu Á.
Nằm trên con đường nhỏ khuất sau Chùa Cầu, có một cô gái Nhật với ngổn ngang kế hoạch thương mại hóa ước mơ mặc-art-cho-người-khác. Yo-ko là người Nhật. Một cô gái Nhật yêu kimono là điều không phải bàn cãi, nhưng cô còn muốn được yêu kimono nhiều hơn và muốn tặng tình yêu đó đến bạn, nếu bạn có dịp ghé ngang Lụa – một cửa hàng thời trang trưng bày những mẫu thiết kế kiểu dáng tân thời. Đặc biệt ở chỗ, chất liệu của trang phục được tận dụng từ những chiếc kimono cũ mà cô chủ cất công mua về từ Nhật. Với Yo-ko, Hội An không đơn giản là điểm dừng chân hứa hẹn cho sự nghiệp, mà còn là nơi chuyển tải ước mơ truyền bá văn hóa Nhật ra nước ngoài.
Nữ hiệp sĩ văn chương Pháp gốc Việt Anna Moi mở tiệm giày Tông trên đường Phan Bội Châu với phong cách thiết kế nội thất riêng. Tiệm Tông, với đề-co phong cách Pháp và mẫu mã thiết kế hiện đại, vẫn thể hiện trọn vẹn hồn Việt qua những chất liệu trang trí (những chiếc chum da lươn nâu bóng, những chiếc lồng đèn bằng lụa…), đặc biệt hơn, mỗi mẫu thiết kế giày độc đáo lại mang cái tên của một dân tộc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Chiếc quần thụng vải xô màu kem với áo lụa tay cánh chẳng lo lỗi mốt, bởi thời trang Hội An đâu bao giờ cần bước lên sàn diễn. Tự thân mỗi con phố cổ đã là một sàn runway của những cô gái “Cứ mặc đi, mặc art!” rồi.
Trang Ami
[ Người đẹp magazine – issue 313)