YOKO-LOCO

Yoko-loco là tên một thương hiệu thời trang Art của Yoko – cô gái Nhật chọn Hội An làm vạch xuất phát cho ước mong chuyển tải văn hóa kimono ra thế giới. 

Bay đi là để… tiếp tục ra đi

Ấn tượng Yoko trong mắt tôi chẳng khác nhiều so với những cô gái Nhật đã từng được gặp: tóc ngắn năng động, nước da óng nắng, giọng nói rải chậm, và cười suốt. Chẳng ai nghĩ cô gái nhỏ nhắn đó là mẹ của một cậu nhóc chập chững biết đi và đang ấp ủ một dự án kinh doanh khổng lồ: chuyển tải tình yêu, văn hóa Kimono ra thế giới.

Sau khi tốt nghiệp cấp III, Yoko sang New York học chuyên ngành Quan hệ quốc tế. Trong thời gian làm sinh viên, cô đã từng học ở London và du lịch khắp mọi nơi trên thế giới nhằm khám phá văn hóa, nghệ thuật, thời trang, ẩm thực của những vùng đất mới. Tên thương hiệu Yoko-loco chính là cách gọi thân mật của một người bạn thời cô du học New York. (Loco có nghĩa là điên dại trong tiếng Tây Ban Nha.)

Trở về Nhật, Yoko đi làm ở bộ phận sales và marketing của nhiều công ty lớn (Amazon, Trade Doubler, GAP) rồi thành lập công ty với Xavier, chồng cô, và cuối cùng là chuyển sang Hội An sinh sống.

Ước mơ đại sứ Kimono

Sinh ra ở Nhật và là con gái của một tín đồ đạo Phật, Yoko lớn lên cạnh một ngôi đền (www.daiganin.org) và được bao bọc bởi nền văn hóa Nhật từ nhỏ.

Với Yoko, được làm việc với nghệ thuật và thời trang là một đam mê lớn, mặc dù những kiến thức đầu tiên về Nghệ thuật và Lịch sử nghệ thuật là từ khoảng thời gian học Quan hệ quốc tế chứ không phải một trường lớp chuyên biệt. Chỉ chừng đó đam mê và tinh thần phóng khoáng của người học Quan hệ quốc tế, cô gái Yoko từ Tateyama đã cùng chồng và con trai Theo đến Hội An với ngổn ngang dự định.

Yoko sưu tầm những chiếc áo kimono trên khắp Nhật Bản và mẹ cô là người chịu trách nhiệm tuyển lựa chúng. Theo lời kể của Yoko, bà là bậc thầy về kimono và là một trong số ít những phụ nữ Nhật vẫn còn mặc kimono trong đời sống hàng ngày. Những chiếc kimono đã qua tuyển chọn đó theo chân Yoko về Hội An rồi sau đó được tháo rời ra, vải của nó được sử dụng để tạo nên những bộ trang phục, phụ kiện và đồ trang trí trong nhà hoàn toàn mới. Những sản phẩm này được bày bán ở cửa hàng Kinu (Lụa) ở con hẻm ven chùa Cầu, 188/7 Trần Phú.

Lí giải về quyết định chọn đô thị cổ Hội An, Yoko cho biết không có nơi nào khác tốt hơn để khai sinh Kinu. “Vài trăm năm trước, Hội An từng là một thương cảng bận rộn với những chiếc thuyền đến từ mọi miền trên thế giới và những người khách Nhật là một trong những cộng đồng lưu lại đây dài lâu nhất. Cây cầu Nhật khi đó đã giúp nối liền hai khu người Hoa và người Nhật, trở thành biểu tượng của đô thị cổ. Chúng tôi chọn Hội An bởi nơi đây còn lưu lại văn hóa Nhật, nơi tổ tiên tôi đã đến giao thương và lụa từng là một trong những hàng hóa quan trọng. ”

Ý tưởng của Yoko là như vậy. Cô muốn tiếp tục xây nên một cây cầu bằng vải lụa, nối liền phố Hội với Nhật Bản và những góc khác của ngôi làng thế giới.

Image

Chị có thể giải thích lí do chọn tên Ki-nu?

Bởi vì hầu hết những chiếc áo kimono chất lượng cao đều được làm từ lụa và đây cũng là món hàng giao thương quan trọng của người Nhật trong quá khứ. Kinu nghĩa là Lụa trong tiếng Nhật.

Tôi có thể tìm thấy những món hàng gì trong boutique của chị?

Kimono và obi (thắt lưng) cổ, áo quần, phụ kiện, sản phẩm trang trí trong nhà được làm từ những chiếc áo Kimono của người Nhật. Kimono là biểu tượng cổ xưa của văn hóa Nhật. Theo nghĩa đen, nó mang ý nghĩa là “ Những thứ để mặc ” và đóng vai trò lớn trong lịch sử nước tôi bởi đó là trang phục mà phụ nữ, đàn ông và cả trẻ em cùng mặc. Ngày nay, người Nhật chỉ mặc kimono vào những dịp đặc biệt bởi nó khá cầu kỳ và đòi hỏi nhiều “công nghệ” để mặc được. Chính vì thế, tôi mong muốn sáng tạo nên những thứ dễ mặc hơn (nhưng vẫn mang phong vị của kimono, tất nhiên!)

Ở Kinu, chúng tôi chỉ làm việc trên những chiếc kimono vintage không còn được mặc nữa. Mỗi chiếc kimono chứa đựng một câu chuyện đằng sau mà chúng tôi luôn muốn giữ nguyên vẻ đẹp, nét thanh lịch vốn có trong từng mẩu vải, rồi tạo ra những dòng trang phục, phụ kiện và trang trí hiện đại. Chúng tôi mong muốn những chiếc Kimono vintage độc đáo của mình sẽ sớm có mặt trong tủ áo của bạn”.

Chị mất thời gian bao lâu để hoàn thành một sản phẩm?

Điều này tùy thuộc vào sản phẩm. Tôi dành khoảng vài giờ đồng hồ để so sánh, đối chiếu các mẫu kimono. Chẳng hạn một cái tui xách được tạo nên từ 5 mẫu vải khác nhau của 5 chiếc kimono, như vậy trước hết tôi phải chọn kimono rồi nối chúng lại xem có hài hoa không. Sau đó tôi sẽ yêu cầu thợ may thực hiện mẫu sản phẩm đã thiết kế và chọn vải. Đôi khi tôi phải mất vài ngày mới hoàn tất được một sản phẩm.

Cuối cùng, chị có thể tiết lộ những dự định trong năm nay?

Đam mê của chúng tôi không chỉ gói gọn qua thương hiệu Kinu mà còn là tình hữu nghị giữa Nhật Bản với thành phố Hội An.

Hè năm ngoái, dịp Lễ hội Văn hóa Nhật Bản, chúng tôi đã tổ chức nhiều sự kiện thú vị: Kimono Fashion show, Yukata try on và một chương trình ca nhạc gây quỹ ủng hộ các nạn nhân đã chịu thiệt hại động đất và sóng thần ở miền Bắc nước Nhật. Năm nay sẽ là kỉ niệm 10 năm kể từ ngày đầu tiên Lễ hội được tổ chức và chúng tôi đang lên khá nhiều chương trình cho sự kiện đặt biệc này.

Cám ơn Yoko rất nhiều và chúc mọi điều tốt lành.

 TRANG AMI

[Người đẹp magazine, May 2012 issue]

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s