Ai đã trở thành người Hà Lan sau tôi?

Một năm ở Hà Lan thật là kỳ lạ. Tôi hệt như một kẻ “ngoài lề Xã hội”, không hề biết thế sự nước đó như thế nào, xăng xe rau ráng đắt rẻ ra sao. Chuyện, tôi có biết đọc tiếng Hà Lan đâu. Đó là nơi mà tôi chỉ hiểu được một số từ bản ngữ thông dụng vẫn la liệt xuất hiện ngoài phố: Đẩy/ Kéo (cửa), Phòng vệ sinh, Nhà cho thuê/Nhà bán, Miễn phí, Phụ nữ/Đàn ông, Cám ơn và Thịt Gà.

Không biết chữ địa phương, lại lười mở miệng nói chuyện bằng ngôn ngữ quốc tế (nhiều người Hà Lan lớn tuổi vẫn có thói quen trả lời bằng ngônngữ của họ), tôi đành quan sát mọi người bằng giác cảm cuối cùng qua đôi mắt. Những ngày chưa quen với hệ thống đèn giao thông dành cho xe đạp, tôi cứ thế máy móc bắt chước những người đạp xe trước mình, để rồi ngạc nhiên thấy mình cũng liều lĩnh băng ngang khi có đèn đỏ, miễn khi đó dưới làn đường không có xe chạy. Không biết đọc mấy tấm tích-kê dán ngoài bì đựng thức ăn, tôi đoán mò mức độ ngon dở qua cái nhíu mày của những người mua hàng trong siêu thị.

Cuộc sống cứ thế tiếp diễn, tôi và mọi người cứ thế hiểu nhau qua những ánh mắt nhìn. Ít có cơ hội truyền thông, hoàn cảnh sống dễ dàng đẩy tôi vào nhiều khoảnh khắc thấy mình đơn độc.

***

Người ta vẫn thường nói rằng sự cô độc là điều đáng sợ không nên đánh bạn cùng, là vì con người cần phải được gói tém bằng những giá trị của quần thể. Nhưng Hà Lan đã cho tôi thời cơ để được thui thủi trong căn hộ ở Cornelis Houtmanstraat.

Những buổi tối với hai cô bạn chia nhà là niềm vui hiếm hoi của giai đoạn đó, đơn giản vì những nỗi lo riêng đã quắp họ ra đường vào ban ngày. Raluca làm việc suốt ngày ở một quán bar kiểu Anh, sáng chủ nhật thường là thời gian bận rộn nhất với đám khách mê Rugby. Caty lại là tín đồ tiệc tùng, cô thường hay “lêu lỏng” ở nhà một người bạn nào đó từ tối thứ 6, đôi khi ngủ luôn ở đó đến chiều chủ nhật mới lồm cồm về nhà, chuẩn bị cho một tuần làm việc mới. Cuộc sống thui thủi của tôi vậy là vẫn được duy trì. Đôi khi cả tuần lễ chỉ đặt chân ra đường vài ba tiếng để lên trường hoặc đi siêu thị.

Niềm vui ít ỏi còn lại của tôi là khi đạp xe giữa những con đường mòn trong khu rừng cạnh nhà. Cây cối và bầu trời an ủi tinh thần bằng thứ màu xanh nguội lạnh, chỉ có cảm giác lành lạnh xốc vô mũi là trọn vẹn. Những lúc đó thấy nhớ cảm giác ngồi sau tay lái người thân của mình, giữa những cánh rừng ở miền Nam nước Pháp. Nhớ, nhưng sau đó lại phải ý thức rằng đã đến lúc người phải cầm lái của cuộc đời rừng rú này.

***

Đạp xe cuốn mình vào một vòng chuyển động không ngừng nghỉ của cả đôi chân và đầu óc. Những lúc chưa biết sẽ phải mua gì ở siêu thị Albert Heijn gần nhà, tôi không vội đi đường lớn mà đạp xe băng qua đường rừng để tiện đường suy nghĩ. Huống gì đây cũng là cách khiến mình đẹp lên, trong mắt chính mình và cả người khác. Trong cuốn “In the city of bikes” của tác giả Pete Jordan, ông hào phóng phong phụ nữ Hà Lan có vòng ba hấp dẫn nhất thế giới nhờ thói quen đạp xe xuống đường mỗi ngày. Thật tình tôi chẳng thiết

có vòng ba thu hút, nhưng lại đủ keo kiệt để không chịu chi 2,4 euros chỉ cho 30 phút đi tàu điện. Hơn nữa, trừ khoảng thời gian lúc vừa leo lên yên xe, suy cho cùng đạp xe cũng là cách làm ấm mình hiệu quả.

Đúng vậy, lí do thuyết phục nhất của việc chuộng xe đạp có lẽ là để chống lại cái lạnh của biển Bắc. Có thể thấy những chàng trai mặc vest đạp xe đến công sở mỗi sáng, nghe đâu trong số đó có cả ngài thủ tướng.

Còn một điều khiến tôi luôn sờ tới ghi-đông của mình, ngay cả những ngày Đông lạnh lẽo là vì những “va chạm” rất con người. Chiếc xe đạp cọc cạch mấy lần đổi chủ tôi mua ở Amsterdam, cả khóa lẫn xe chỉ vỏn vẹn chỉ 60 đồng, nhưng mỗi lần lủng lốp, tôi lại phải chi đến sáu trăm nghìn cho một cú vá xe. Thế mà có những lần vắng chủ, anh thợ sửa xe cao gấp đôi người tôi đã sẵn sàng phẩy tay, bảo hãy đi đi trước khi ông chủ kịp về. Hi vọng người Hà Lan đủ tử tế với nhau để không cần phải dùng đến camera theo dõi ở chỗ làm.

Còn nữa, đã hơn một lần ai đó đạp xe lên “nhắc tuồng” tôi về cái chân chống lỏng lẻo. Bản thân tôi vẫn thường đạp xe thật chậm ngang chỗ người nghệ sĩ đường phố trước nhà ga trung tâm, để được nghe ông ta gào thật to những nỗi khổ sở của mình. Sau này, trước khi rời Hà Lan tôi quyết định mua một CD của người nghệ sĩ mang tên Chuck Deely này. Album có tên Street Living, hiển nhiên rồi!

Có câu “Kẻ chưa từng bị ăn cắp xe đạp thì chưa phải là một người Hà Lan thực thụ”. Cho nên, dù từng sống ở đó hơn mấy trăm ngày, cuối cùng tôi vẫn chưa được là một người Hà Lan đích thực. Đành tạo điều kiện cho một ai đó muốn làm người Hà Lan sau mình bằng cách để xe lại trước nhà ga Den Haag Centraal.

TRANG AMI

NGƯỜI ĐẸP magazine, December 2013 issue

5 Comments Add yours

  1. sasori291093 nói:

    Reblogged this on Windy Nights and commented:
    hay quá

    Thích

  2. Ánh Nga nói:

    Hay quá bạn ơi!

    Thích

    1. Trang Ami nói:

      Xin Cám ơn Nga 🙂

      Thích

  3. cnphuonganh nói:

    Em sắp đến Hà Lan học tập, nên đọc bài viết của chị thực sự giúp ích cho em lắm ạ! Cảm ơn chị nhiều.

    Thích

    1. Trang Ami nói:

      Ui Phương Anh ơiiiiiiii, cho chị sorry, bây giờ chị mới đọc được tin nhắn của em ơi hỡi từ năm 2018 :)). Chị low tech quá nên giờ mới một phút Eureka phát hiện ra các notification :))). Thế tình hình em đến Hà Lan học tập thế nào rồi? Chị cũng đang ở Brussels đây nhé!!!

      Đã thích bởi 1 người

Bình luận về bài viết này