Từ hồi chuyển vào nhà mới, mình như trở thành một trong những nhân vật chính của một bộ phim câm.
Trên mảnh đất này, ngoài mình là người trọ đầu tiên và duy nhất cho đến hiện tại, còn có hai ông cháu. Mình nhìn thấy họ không nhiều. Vào đúng 9 giờ kém 10 mỗi sáng, người cháu luôn mặc chiếc áo màu da cam sẽ ngồi trên thềm nhà để chờ đợi một điều không thuộc phận sự của cậu ta. Cậu ta chờ mở cổng cho mình.
Giữa mình và chàng thiếu niên này chỉ có hai lần nhìn thấy và nói với nhau lời cám ơn và xin chào, “khop chai” và “sabaidee”, mỗi ngày.
Với người ông, mình có nhiều cơ hội va chạm hơn. Đó là những va chạm không trực tiếp.
Vì không thể sử dụng một ngôn ngữ chung để truyền thông với nhau, mình chọn cách không sử dụng lời nói. Cho đến giờ này, tất cả những tủn mủn như việc cây đinh bị sút trên tay nắm cửa bếp hay việc nước toilettes không đủ mạnh đều đã được ông xử lí ngay hôm sau, khi mình đi vắng, dù không cần đến lời báo của mình.
Có lẽ ông đã nghe thấy tiếng mình cầm cán dao nện vào thanh nắm khi thử tự xử lí. Hoặc có lẽ ông thông thạo căn nhà của mình như chính không gian sống của chính ông nên cũng nhạy sóng với những khác thường.
Tuy nhiên, không phải bất cứ sự can thiệp không lời nào cũng khiến mình hài lòng.
Mỗi tuần 2 lần sẽ có một người phụ nữ đến dọn nhà mà sau này mình mới phát hiện đó chính là cô con dâu của ông già. Những ngày đầu khi mà mình còn chưa sử dụng căn bếp, nhiệm vụ của cô là chỉnh drap giường, chùi toilettes và lau nhà. Cách đây 3 hôm, cô khiến mình xấu hổ khi nhìn thấy bồn rửa chén chất đống đã được rửa sạch. Không một váng mỡ. Mình đã nhíu mày và gần như ngay lập tức tóm lấy điện thoại để nhắn tin cho chủ nhà. “Làm ơn hãy nói với cô giúp việc rằng rửa chén không phải là nhiệm vụ của cô ấy. Tôi sẽ là người rửa chén dĩa bẩn của mình”.
Thực tế, cảm giác nhìn thấy đống chén bẩn do mình gây ra được một người thứ ba xử lí không hề là một cảm giác nhẹ nhõm. Thậm chí, việc nghe cô bé người Việt lâu năm ở Lào bảo rằng “khu nhà của chị có lẽ chỉ người nước ngoài ở vì người Lào không thích sống gần chùa vì chùa là nơi người ta hay gửi tro và di ảnh của người đã chết đến để thờ cúng” còn khiến mình thấy nhẹ nhõm hơn.
Chị người Việt bán cơm tỏ ra ngạc nhiên khi mình sống một mình. Chị bảo, từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ chị ở một mình nên rất sợ điều này. Mình có sợ không?
Mình có tư cách để sợ không, khi mà mình không đang một mình.
Bằng một cách nào đó, họ luôn để mắt và thầm lặng canh gác cho sự tiện nghi của mình.
Hai người họ sòng phẳng một cách kì lạ.
Đó là hai người mà nếu tối qua được mình mang cho đĩa thịt heo kho sả thì sáng nay đã để lại ngay trong chiếc đĩa mang trả một quả đu đủ. Một quả đu đủ chín vàng.