Nông sản 100% bio trong tầm với

Và thì ra nông sản hữu cơ vẫn luôn ở đó, cho những ai có tấm lòng đủ rộng.

Sau khi đọc cuốn “Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero” của tác giả Nguyễn Tập, tôi càng chắc chắn hơn về ước muốn sớm đặt chân đến Cuba. Lí do của sự cuốn hút không hẳn vì Playa del Este ngập tràn ánh nắng hay cảnh loạt xe cổ nối nhau dọc phố Obispo trên những tấm bưu thiếp thường thấy. Tiếng nhạc của Buena Vista Social Club cũng chỉ là một trong số những điều gây hứng khởi.

Vậy thì đâu là lí do trước nhất?

Được tận mắt chứng kiến cảnh người dân địa phương xếp hàng trước điểm phân phối thực phẩm, với cuốn “sổ gạo” quý báu trong tay.

Và rồi tôi lại được sống qua một trải nghiệm na ná trước cả khi đến được Cuba, nhưng là giữa Paris hoa lệ.

Hẹn đến thăm nhà, người bạn già Blanche cho tôi hai phương án: Ghé nhà lúc 18h30 để cùng bà đi nhận giỏ hàng AMAP, nếu không có thể đến thẳng nhà lúc 19h45. Người Paris vốn luôn miệng than vãn với điệp khúc xoay vòng métro, boulot và dodo (tàu điện ngầm, công việc, giấc ngủ) thế mà thay vì gộp hẳn việc mua rau củ vào cuốc siêu thị mỗi tuần, lại dành hẳn 45 phút để được xếp hàng chờ đợi? Quá tò mò, tất nhiên là tôi không bỏ lỡ cơ hội được đi lãnh giỏ rau củ cùng Blanche.

Ảnh_Farsai C
Credit photo: Farsai C (Unplash)

Nơi AMAP hẹn bà là một cửa hàng sửa chữa xe đạp. Không đèn điện sáng choang cũng chẳng kệ hàng lấp lánh bao bì. Giữa những bu-loong, ốc-vít, sên xích xe đạp, những Parisien lịch lãm nép mình xếp thành hai hàng, trật tự như chờ tới lượt mua ổ bánh mì thơm ngon nơi hàng boulangerie đầu phố. Không khí thân mật. Chắc vì tuần nào cũng gặp nên họ biết nhau hết cả. Liên tục giữa tiếng hôn chào là những câu chuyện phím về đề tài chính trị, kế hoạch đi xem kịch nghệ cuối tuần. Thi thoảng lại nghe có tiếng rao: “Có ai cần trứng không. Tuần này nhà tôi sắp đi nghỉ lễ nên không cần nhiều thế này đâu. Ai có nhiều cà chua thì cho tôi đổi nhé.”

Và cứ thế, câu chuyện tiếp nối dài ra về chuyến đi nghỉ, về những đổi trao, về chất lượng hàng nông sản vụ này…

AMAP (Maintien d’une agriculture de proximité, tạm dịch: Duy trì nền nông nghiệp lân cận) là cái bắt tay đôi bên cùng có lợi giữa người tiêu thụ với nhà sản xuất. Tùy theo nhu cầu của gia đình, người mua sẽ liệt kê những món hàng, khối lượng sản phẩm mà họ cần đến mỗi tuần (bao gồm trái cây, rau củ, trứng, pho-mát…) Kế đến, người nông dân sẽ tập trung khách hàng ở một địa chỉ nào đó để phân phối trực tiếp mà không qua một kênh bán hàng trung gian nào.

AL's-PLACE-October-26-FINALprint
Photo credit: Molly DeCoudreaux

Các mặt hàng nông sản đều là các sản phẩm tươi, đúng mùa, được áp dụng các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường, và quan trọng là đảm bảo về chất lượng do được cung ứng từ trang trại trong vùng. Mô hình này không chỉ giúp thu hẹp khoảng cách giữa người dân thành thị với nông thôn, mà còn là lựa chọn được đánh giá là kinh tế cho cả hai phía. Sẽ không có chuyện cao hứng cho thêm vào giỏ như khi đi siêu thị để rồi thừa mứa hay hư hại, bởi vì ta chỉ có một lượng rau củ nhất định. Tương tự, người nông dân cũng không còn rơi vào cảnh thiếu đầu ra, vì đầu “cung” được định trước cả năm.

Có công lớn nhất trong việc lan tỏa phong trào “từ nông trại đến bàn ăn” (from farm to table) phải kể đến các bếp trưởng. Bếp trưởng Paolo Sari là cái tên được nhiều người biết đến nhờ dự án mà ông bắt tay với người ngư dân cuối cùng của công quốc Monaco.

Không chọn cách làm truyền thống là lên sẵn một thực đơn từ trước, bếp trưởng Paolo Sari nấu nướng dựa vào thành quả mỗi ngày của ngư dân Eric Rinaldi. Mỗi ngày, ông vẫn nấu với những gì mà “ông hàng xóm” biển cả mang tặng.

Monaco
Photo Credit: Nicematin

Liệu có ai muốn chối từ những đĩa thức ăn được chế biến bởi đầu bếp hạng sao Michelin, với những loại hải sản được đánh bắt ở vùng nước biển cách nhà hàng chưa đầy 100m? Cách loại rau củ, vị gia sử dụng trong nấu nướng cũng đều đến từ những ngôi làng lân cận như Saint-Jeannet.

Và bếp trưởng Paolo Sari ở Monaco không hề đơn độc trên hành trình theo đuổi phong cách nấu nướng 100% bio.

AL's-PLACE-October-44-FINALprint-2Al’s Place từng được tạp chí “Bon appétit” xếp hạng là “Nhà hàng tốt nhất nước Mỹ”. Sở hữu một khu vườn cách nhà hàng chừng 2 tiếng di chuyển, phần lớn nông sản mà Al’s Place dùng trong chế biến đều là “của nhà trồng được”. Hàng tuần, họ sẽ nhận được rau củ còn nguyên trong chậu đất, rồi tiếp tục để chúng bên dưới nhà hàng. Chỉ khi nào gần nấu mới xuống hái.

Một cách làm không phải là duy nhất, nhưng lại được áp dụng đến mức chuẩn mực có lẽ là vì Al’s Place nằm ở San Francisco, thành phố đi đầu nước Mỹ về những sáng kiến bảo vệ môi trường. Đây chính là đô thị duy nhất trên thế giới đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ không còn phải gửi rác đến các nhà máy phân loại. Tất cả mọi thứ đều được tái chế. Toàn bộ rác hữu cơ sẽ được gửi đến một nơi cách phía bắc San Francisco một giờ di chuyển để làm phân ủ. Tiếp tục, phân ủ lại được dùng trong các ruộng nho. Hạt của nho tất nhiên cũng được tính toán để sử dụng cho một việc khác.

Cũng ở San Francisco, có một công ty tên là Imperfect Produce, chuyên phân phối rau củ quả có “ngoại hình” thiếu bắt mắt rồi đóng thành két, gửi về tận nhà cho khách hàng.

Họ bắt tay cùng khoảng 70 trang trại trong vùng để tìm mua những rau củ có bề ngoài không đủ hấp dẫn với các nhà phân phối, nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng. Cứ như thế, hàng tháng Imperfect Produce “cứu” được gần 90.000kg trái cây và rau củ khỏi số phận bị cho vào sọt rác.

Bloomfield Organics Team Photo
Photo Credit: Imperfect Produce

Từ bên này San Francisco nhớ buổi chiều cùng Blanche đi lãnh giỏ AMAP ngay giữa lòng Paris bận rộn. Chợt nhận ra là thế giới này dẫu xa xôi về khoảng cách nhưng đâu đó vẫn cất lên những tiếng nói trách nhiệm, thể hiện qua từng lựa chọn, mỗi thói quen. Và thì ra nông sản hữu cơ vẫn luôn ở đó, cho những ai có tấm lòng đủ rộng.

TRANG AMI

2 Comments Add yours

  1. Hai nói:

    Great sharing! Hopefully, I will visit here and experience something like your story. Could I have your facebook link to follow you?

    Thích

    1. Trang Ami nói:

      ❤ Here you are my dear, https://www.facebook.com/trangamiwriting/. So sorry for the late reply and wish you a lovely weekend!!!!

      Thích

Bình luận về bài viết này