Cái tên Angkor Vat (hay Angkor Wat), một trong những ngôi đền ấn tượng và nổi tiếng nhất của người Khmer trong quần thể di tích Angkor, có nghĩa là “thành phố đền”. Và Angkor đâu chỉ có một “thành phố đền” duy nhất.
Trải dài trên tổng diện tích 400km2 của niềm tự hào kiến trúc Đế quốc Angkor cổ là tổng thể các công trình đền đài, hệ thống thủy lực (lưu vực, đê, hồ chứa, kênh rạch), đường xá. Tất cả tạo nên một đô thị tầm cỡ không một xứ sở nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô vào thế kỉ 12.
Angkor đâu chỉ có Angkor Vat
Trong số những công trình kiến trúc điển hình ở Angkor, nổi tiếng nhất là Angkor Vat. Với kích thước đồ sộ, ngôi đền được biết đến với danh xưng công trình tôn giáo vĩ đại nhất của thế giới, vượt trên cả nhà thờ lớn Saint-Pierre của Rome. Công trình để đời của nhà vua Suryavarman II được xây dựng từ năm 1112 đến 1150 để dâng lên một trong những vị thần quan trọng nhất của đạo Hindu – thần Vishnu.
Các chuyên gia lý giải, công trình tượng trưng cho cách nhìn của đạo Hindu về thế giới, với đại dương và sự sống sinh sôi thể hiện qua hào nước rộng gần 200m. Bức tường bao quanh được ví như non núi trùng điệp, chắn giữ tòa tháp trung tâm hình hoa sen tượng trưng cho năm đỉnh núi thiêng Meru – trung tâm của Vũ trụ và là nơi sinh sống của các vị thần.
Sau này, khi Vương triều Khmer theo Phật giáo, Angkor Vat trở thành linh đền thờ Phật. Vì lẽ này mà chỉ trong vòng chưa đến 50m di chuyển, mình đã rất ấn tượng khi bắt gặp nhóm hành hương từ Ấn Độ thành tâm dâng lễ trước bức tượng thần bảo hộ Vishnu đặt gần cổng vào phía tây Angkor Vat. Trong khi đó, ngay khoảng sân sau lại là cảnh sư thầy đang ban phép vào chiếc vòng chỉ may mắn cho tín đồ Phật giáo.
Trong lòng tòa tháp cao nhất giữa Angkor Vat là một nhà nguyện. Các nhà khảo cổ đã phát hiện dưới những phiến đá lát sàn có một cái giếng sâu 23m với những lá vàng và ngọc lam – những chi tiết khiến người đời càng thêm tin tưởng vào giả thuyết rằng đây có thể là nơi tro cốt của vua Suryavarman II được rải xuống.
Nhưng đọng lại cho mình nhiều xúc cảm hơn cả không phải là Angkor Vat tấp nập bước chân du khách. Nếu được chọn sống lại một khoảnh khắc của chuyến hành trình Siem Riep lần đầu (vì sẽ còn những lần sau, mình chắc thế), là lúc xe tuk tuk đưa mình vòng quanh ngôi đền Bayon thuộc quần thể Angkor Thom vào buổi hoàng hôn.
Sắc xanh từ hồ nước bao quanh ửng trong nắng hoàng hôn màu vàng nhạt, khiến cho 256 khuôn mặt đang nở nụ cười bí ẩn nơi đền Bayon càng thêm kỳ ảo. Tương truyền, đây là nụ cười của vua Jayavarman (người tự coi là hiện thân của Phật Boddhisatva). Một thời điểm lý tưởng nữa trong ngày để đến thăm Bayon là vào buổi bình minh.
Đứng đây vào thời khắc ánh sáng huy hoàng khẳng định vai vế, nghĩ đến cảnh tượng còn nguyên dấu tích mà những con người đã từng được đứng đây ngày đầu thế kỷ 19 được chứng kiến, hẳn sẽ ít nhiều thấy choáng ngợp. Nhà thám hiểm Henri Mouhot – người từng ở đây vào lúc đó đã viết thế này bằng tiếng Pháp: “Tại Ongcor, có những tàn tích của sự hùng vĩ. Chính tại thời khắc khi được chứng kiến khung cảnh ấy lần đầu, có người thấy ngập tràn lòng ngưỡng mộ sâu sắc, và không khỏi thắc mắc điều gì đã xảy ra với nòi giống quá đỗi văn minh, thông suốt, những chủ nhân của công trình vĩ đại này?”
Ngắm Angkor từ góc nhìn toàn cảnh
Đồng cảm với Henro Mouhot là nhà khảo cổ Roland Fletcher, đồng quản lý dự án Đại Angkor (GAP) với hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc cho Di sản Văn hóa Thế giới UNESCO. Fletcher cho rằng chuyến hành trình khám phá Angkor sẽ càng thêm ý nghĩa nếu bạn ngắm nhìn tổng thể Angkor bằng cái nhìn toàn cảnh. Hãy ngắm nhìn Angkor từ góc nhìn của một con chim đại bàng hay từ trực thăng, sẽ thấy nơi này đúng là trung tâm đô thị lớn thay vì một quần thể đền đài khuất lẩn trong rừng.
Trên thực tế, Angkor là một thành phố lớn với nhiều đền đài cũng như Rome với hơn 900 nhà thờ lớn nhỏ. Và thành phố khi đó không hề được bao phủ trong rừng già. Cảnh quan ngày ấy, ngược lại, rất thoáng đãng với những cánh đồng dài ra bất tận, tô điểm cho những tòa cung điện và đền thờ dát vàng dọc ngang thành phố. Fletcher lấy dẫn chứng về Ta Prohm (cuối thế kỷ 12 – đầu thế kỷ 13).
Ta Prohm là ngôi đền hiếm hoi gắn với hình ảnh rễ cây cổ thụ đâm xuyên tường đá. Nơi đây thực chất là một tu viện có tên Rajavihara, được nhà vua Jayavarman VII cho xây dựng để tưởng niệm thân mẫu của mình vào năm 1186. Những câu văn bằng chữ Phạn khắc trên những khu tường đá bao quanh Ta Prohm đã chỉ ra rằng, xung quanh đền Ta Prohm từng là nơi cư ngụ của 3.140 ngôi làng. Suốt quá trình xây dựng ngôi đền cỡ trung này, có đến 66.625 người nông dân từng làm công việc cung ứng thức ăn cho đội ngũ nhân công.
“Thật kỳ công” là điều bạn sẽ phải thốt lên, khi biết rằng những phiến đá trầm tích dùng để xây tường và nền đất được lấy từ mỏ đá cách Angkor gần 50 cây số. Những vật liệu này được vận chuyển bằng bè thông qua một mạng lưới kênh đào lấy nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Trên những phiến đá lát nền, người ta còn tìm thấy những khoảng hở cỡ bằng thân tre. Có lẽ người xưa đã dùng loại cây này để làm giàn giáo?
Kỳ vĩ là thế, nhưng Angkor đã có lúc bị rơi vào quên lãng. Từ khi người Khmer bị người Xiêm (Thái Lan ngày nay) tấn công vào thế kỷ 15, Angkor không còn là thủ đô, và quần thể kiến trúc đã chìm sâu vào giấc ngủ kéo dài 5 thế kỷ cho đến khi được các tu sĩ người Pháp thức tỉnh vào giữa thế kỷ 19.
Angkor, xứ sở nụ cười
Vượt khỏi cảm giác choáng ngợp mà quần thể di tích mang lại, càng ở lại lâu với người Campuchia, bạn sẽ biết mình yêu họ nhiều chính vì tinh thần lạc quan, hiển thị trong từng cử chỉ, lời nói.
Bạn đồng hành lớn tuổi của mình quyết phải mua cho bằng được một bức tượng Phật cười để tặng cho người con trai là thủy thủ thuyền buồm, ngày ngày phải vượt Địa Trung Hải với hàng trăm áp lực.
Còn mình sẽ luôn giữ lại mình nụ cười của Bonley, cậu tài lái tuk tuk ngày ngày đưa đón mình thăm thú đất Siem Riep.
Bonley kể, vì gia đình không có điều kiện nên lúc nhỏ cậu đã vào chùa ở với các sư thầy. Ra khỏi chùa, để đỡ đần cha mẹ, cậu phải đi bán đồ lưu niệm cho du khách suốt 7 năm trời. 12 tuổi Bonley mới được vào lớp 1. Lên mỗi cấp lại đổi một, hai, ba, mấy nghề. Vào cấp 3, Bonley đã bôn ba đi làm khách sạn để tự xoay sở tiền học phí với mức lương 150 usd/tháng. Nhưng Bonley không còn làm khách sạn. Sau này cậu cũng không muốn làm cho một ai khác, mà thay vào đó sẽ mở công ty du lịch. Hiện Bonley ngày ngày chạy xe tuk tuk, tối tối theo học lớp Cử nhân Du lịch.
Chuyện về Bonley chuyện về tinh thần vươn lên điển hình của thế hệ những người trẻ Campuchia chịu khó. Và họ vẫn đang chờ bạn ở đó, chấp tay nói lời cám ơn vì đã đến thăm Angkor đền tháp huy hoàng, với nụ cười trên môi, thường trực.
Bài: TRANG AMI
Ảnh: FRANCOISE RIFFET, TRANG AMI
Tip tip
- Bên cạnh những ngôi đền phải-đến như Angkor Vat, Bayon, Preah Khan và Ta Prohm, bạn có thể dành thời gian ghé Phnom Kulen, Beng Mealea, hay thậm chí là Banteay Srei để có thể cảm nhận rõ hơn về những phong cách đa dạng của nền kiến trúc Angkor cổ. Pre Ko và Bankong là hai ngôi đền tác giả đặc biệt yêu thích.
- Du khách nên lên kế hoạch những ngôi đền sẽ đến thăm và sắp xếp chuyến tham quan theo thứ tự niên đại mà các công trình được xây dựng. Việc này sẽ giúp bạn chọn lựa loại vé phù hợp với các phương án 1 ngày, 3 ngày hay 7 ngày tham quan.
- Bảo tàng Quốc gia Angkor là nơi trưng bày những tuyệt phẩm kiến trúc và nghệ thuật của nền văn minh Khmer cổ, với nhiều không gian triển lãm được phân theo đề tài và các giai đoạn lịch sử (“Phòng trưng bày 1000 vị Phật”, “Các vị vua Khmer vĩ đại”, “Angkor Thom”, “Angkor Wat”…)
- Đến Siem Riep, chớ bỏ qua cơ hội ghé thăm những ngôi làng nổi đặc trưng bên dòng Tonle Sap. Có 3 ngôi làng nổi mà bạn có thể lựa chọn quanh khu vực Siem Riep là Kom Pong Plok, Chung Klase và Mai Churey.