Ninh Thuận: Ngạc nhiên, thật nhiều những ngạc nhiên

Ai đã từng chạy xe trên cung đường liền kề nối tiếp mấy ruộng bậc thang lên Mù Cang Chải, hay miết mải đuổi theo những chú khỉ trên núi Sơn Trà chắc hẳn không thể không động lòng khi đến với cung đường tỉnh lộ 702 ấp ôm núi Chúa. Có lẽ vì thế mà cặp vợ chồng quản lý tên Ray ở Sorrento Beach Club & Kite Centre đã quyết định chọn một bãi biển thưa người giữa đất “Nắng như Phan, gió như Rang” mà ở lại, gắn bó…

Ngạc nhiên, thật nhiều những ngạc nhiên

Sống ở Việt Nam một năm nay nhưng chưa bao giờ tôi nghe nhắc đến, và chắc chắn là càng chưa từng đặt chân đến tỉnh Ninh Thuận cho đến khi vợ thông báo là chúng tôi sắp đi đến đó. Tôi quyết định lên đường với tâm thế mù lòa. Không tìm kiếm thông tin về điểm đến để duyên đời tự nhiên dẫn lối. Thông tin duy nhất mà tôi “khưi” được từ vợ đó là nơi ấy rất khô cằn, thế nên tưởng tượng trong tôi là một địa hình cam go, khắc nghiệt, có khi còn cả những khu rừng rậm rạp, heo hút?

Vốn đã quá quen thuộc với đời sống tấp nập nơi đô hội, cùng những con đường đen đặc đầu người và ma trận xe gắn máy, một chuyến đi về nơi dân dã với tôi là một cuộc “đi trốn” đáng để mong chờ.

Sau chuyến bay chóng vánh, chúng tôi đến Nha Trang. Tiếp tục là một cuốc taxi từ sân bay quốc tế Cam Ranh tới khách sạn mà chúng tôi đặt trước ở vùng vịnh cùng tên, sau đó, chúng tôi thuê một chiếc xe gắn máy, nhắm hướng Vịnh Vĩnh Hy. Và tỉnh lộ 702 chạy dọc bờ biển Ninh Thuận đã khiến tôi… bị sốc trước khung cảnh ven đường.

Không hề có những rừng cây xanh tốt, trước mắt tôi lúc ấy là những tảng đá lớn, dài ra những sườn đồi. Cảnh sắc này làm tôi có cảm giác đang ở miền nam California hơn là một Việt Nam mà tôi từng biết. Nước biển xanh trong màu ngọc bích, lấp lánh thắp sáng bãi đá nhấp nhô.  

60748396_2297261443873412_5886228210739314688_n.jpg

Vịnh Vĩnh Hy có khác gì những bãi biển đâu đó từng thấy nơi các tấm bưu thiếp về du lịch Hy Lạp? Chưa kể, cái thú chạy xe trên ĐT702 đó là lâu lắm mới thấy xuất hiện một, hai chiếc xe gắn máy hay ô tô, còn lại chỉ toàn những đàn dê nhởn nhơ băng qua đường, không một mảy may sợ hãi trước sự hiện diện của loài người.

62040078_2197647807213782_1151505763127001088_n.jpg

Khi đến Vĩnh Hy, vì cây cầu vẫn còn đang xây dở, người dân địa phương đã hào phóng chỉ chúng tôi con đường tắt băng ngang một trang trại thuộc sở hữu tư nhân. Men theo con đường đất dưới những rặng cây xoài, mùi xoài chín lẫn vị mặn của gió biển đã ngay lập tức cho tôi một ấn tượng cuốn hút, riêng có về vịnh biển này. Đón chúng tôi nơi con đường dọc cảng là những nụ cười. Sau khi gửi xe, mua một chai nước được làm từ rong biển và vài chiếc nón lá, chúng tôi cũng sắp xếp được một chiếc tàu đáy kính để đi ngắm san hô và đến nhà hàng nổi có cái tên Vui vẻ để dùng bữa trưa.

Vịnh biển thanh bình với những cơn gió nhẹ và mặt nước ngắt xanh, chung quanh được bao bọc bởi những ngọn núi đá, còn sau lưng là Núi Chúa sừng sững, khiến tôi cảm giác như đang được nhìn ngắm một quả cầu bình yên, an trú trong thế giới của riêng mình.

Sau chuyến tham quan vịnh, thuyền trưởng đã đưa chúng tôi đến một nhà hàng nổi. Thật may khoảnh khắc chúng tôi vừa đến cũng là lúc các ngư dân trong vùng vừa xáp lại để bán mẻ cá vừa đánh bắt được. Vài giây sau khi chủ nhà hàng thỏa thuận thành công thương vụ của ngày, chúng tôi bắt đầu gọi món. Ốc vú nàng, nhum, ốc sừng trâu… toàn những cái tên lần đầu nghe tới, và món nào cũng tươi đến ngọt rịm. Chất lượng hải sản ở đây phải nói rằng không đâu sánh được.

60504376_303210423941712_7397538502537117696_n

Ngay khi ra khỏi Vĩnh Hy, xe máy của chúng tôi đột nhiên hỏng. Chạy khắp Vịnh Vĩnh Hy, tìm được 2 anh sợ sửa xe thì cả hai đều… không biết sửa xe tay ga. Thế là chúng tôi có cớ nán lại chụp ảnh vịnh Vĩnh Hy từ góc nhìn trên cao, chơi XO trên mặt đá ven đường trong lúc đợi dịch vụ cho thuê xe gửi xe cứu hộ đến đón.

Lúc này, như để khẳng định chủ quyền, từng đàn dê từ trên núi đá đổ xuống từng bầy, sau đó cứ thế lừng lững vừa bước ngang qua, vừa đi vừa cất tiếng “bee bee”. Âm thanh dội vào vách núi rồi vang xa ấy cứ mãi đọng lại, để rồi cái suy nghĩ “đang ở tận cùng thế giới” cứ in mãi trong đầu tôi lúc ngồi sau thùng xe cứu hộ về khách sạn, ngay thời điểm hoàng hôn.

61692420_2979318582108350_3765000204625903616_o.jpg

Tâm tư thành phố

Đọc cuốn “The language of cities”, tôi nhớ mãi câu này: “Nếu muốn hiểu một thành phố, bạn phải hiểu người dân sống ở đó, cả những người đã hình thành ra nó. Hãy hỏi họ đã xây dựng nó thế nào và tại sao phải làm thế.”

Đó thật ra cũng chính là sứ mệnh mà chúng tôi tự đặt cho mình trước mỗi chuyến đi. Sự kỳ vọng về những cuộc hành trình đôi khi chỉ là được bắt gặp một cử chỉ, một sự tiếp đón, và sau tất cả là một ánh nhìn lấp lánh tự hào khi chia sẻ về quê hương bản quán của họ – và hơn hết, là những đóng góp mà họ mang lại cho xứ sở mình.

Từ Cam Ranh, chúng tôi thuê một chiếc ô tô 7 chỗ chở cả gia đình đến vùng biển Mỹ Hòa thuộc xã Vĩnh Hải (Ninh Hải), Ninh Thuận. Với người Mỹ, Việt Nam luôn gợi lên những hình dung nhất định, nhưng Ninh Thuận đã gợi lên cho tôi một ấn tượng khác hẳn với tưởng tượng. Tôi làm gì nghĩ đến chuyện sẽ được nhìn ngắm những giàn nho xanh mướt mát, hằng hà sa số các ruộng muối óng lên dưới nắng, hay những ngôi đền Chăm bí ẩn và biết mấy câu chuyện đằng sau, khiến ta cứ muốn nán lại, hỏi thêm cô hướng dẫn.

Sau khi thưởng ngoạn bãi đá san hô cổ phải có đến một nghìn năm tuổi nơi kỳ quan Hang Rái (mà các cháu tôi bảo là trông chẳng khác gì đang được bước chân trên một hành tinh khác), chúng tôi ghé lại một xưởng làm nho truyền thống bên đường. Đón chúng tôi là một hình ảnh không thể bình dị hơn: dưới những giàn cây ngắt xanh màu lá và trĩu nặng mấy chùm nho đến kỳ thu hoạch, vài ba người phụ nữ nhẹ nhàng đưa võng. “Ốc đảo” của họ mới lý tưởng làm sao.

Như đã quen với những bước chân khách lạ ghé vườn, họ vẫy tay chào và huơ nhau chuẩn bị bàn thưởng rượu. Không hề có chuyện kỳ kèo, gạ gẫm. Họ để chúng tôi ngồi đấy rồi mời dùng một ít rượu nhà làm, còn các du khách nữ thì có dịp thử món nước mật nho. Chai mật nho vỏn vẹn 60.000VND này có lẽ để vợ tôi nhâm nhi cả tháng cũng chưa hết. Chị Ngọc Nga chủ vườn nho cùng tên cho bí quyết: pha một ít mật nho vào ly, thêm chút nước, đá viên và 1, 2 quả quật là ngon. Và thức uống này đúng là mát lịm.

Trong đoàn chúng tôi có bà Sylvie là người Pháp, nên câu chuyện về sự tích “Người Pháp… nhả hột khi ăn, sau đó cây tự mình phát triển trên rừng rồi được một người địa phương mang về khu đất ven biển ươm giống, nhân rộng hơn một trăm năm trước hẳn nhiên đã khiến bà vô cùng thích thú.

62011221_651586882023834_5119570780262236160_n

Quả thật những cử chỉ nhẹ nhàng của người dân địa phương ở đây là điều tôi chưa từng trải nghiệm ở một nơi nào khác, nhưng họ cũng có những tinh nghịch của riêng mình: họ đã cười phá lên vì tôi quá cao và không thể đứng thẳng người – cứ phải lom khom cúi đầu khi đi dạo dưới những giàn nho. Nếu là những ruộng nho nước Pháp vươn lên từ đất và được xếp thành hàng ngay lối sẽ dễ cho tôi hơn, nhưng nếu là ở Pháp thì làm gì có hình ảnh người nông dân thuần phác đưa võng nghỉ trưa, lại còn mời chúng tôi nếm thử rượu nho, ăn mứt nho nhà làm.

Khi xe băng qua những thị trấn nhỏ dọc đường, chúng tôi trông thấy những hầm chiến tranh. Thời gian đã chôn vùi chúng trên cát, rong rêu. Một sự gợi nhớ về quá khứ, và chắc chắn đã không còn là biểu tượng của hiện tại. Con đường thẳng tắp lại tiếp tục mở ra, đưa chúng tôi đến với những ruộng muối biển tuyệt đẹp.

61800418_608107993041108_6230026319715893248_n.jpg

Cũng được khai thác vuông vức như những ruộng lúa, cách chúng hiện ra giữa vùng đất cằn cỗi trong bối cảnh của trùng điệp, lô xô núi đá sao mà vô thực. Thi thoảng nổi lên giữa ruộng muối mênh mông là những đụn muối chất cao những nhọc nhằn đáng tôn vinh của người diêm dân. Trong buổi hoàng hôn, khung cảnh ruộng muối Ninh Hải hiện lên trong mắt tôi như một tác phẩm patchwork (vải ghép) được cấu thành bởi những ô vải xanh, đỏ và hồng. Còn đường nối ư? Chính là những ống nhựa nối thẳng ra biển, với sứ mệnh dẫn nước mặn về.

Và ấn tượng về cái tài tình của người dân Ninh Thuận sẽ còn bắt gặp nơi Tháp Po Klong Garai, hay nói đúng hơn là cụm tháp toàn vẹn và kỳ công nhất còn lại của nền văn minh Chăm.

62067745_2291088511102765_7756982047796625408_n.jpg

Ghé thăm ba ngôi tháp (Tháp cổng, tháp chính và tháp lửa) được xây dựng vào cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14 này, chúng tôi được cô hướng dẫn viên kể những câu chuyện đặc sắc về sự tích chào đời và quan trọng hơn cả là những tốt đẹp mà vua Po Klong Garai đã mang lại cho người dân xứ sở mình. Công lao to nhất của ông thường được dân chúng bao đời tóm gọn bằng cụm từ “dẫn thủy nhập điền” – bởi ông chính là người đã cho xây dựng các công trình thủy lợi có giá trị đáng kể cho nông nghiệp địa phương. Đáng kinh ngạc hơn, những công trình thủy lợi hàng ngàn năm tuổi như Đập Nha Trinh (huyện Ninh Sơn) hiện vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

61747333_335226144063077_1950192431177662464_n

Ninh Thuận là vùng đất giao thoa giữa định kiến khồ cằn và vẻ đẹp tự nhiên rất hiếm khi ta nghe thấy trên báo đài hay cả những cuốn cẩm nang du lịch nước ngoài, nhưng hơn hết là vẻ đẹp của đời sống cộng cư hòa thuận giữa các dân tộc thiểu số. Tôi bật cười với ý nghĩ những người nước ngoài ở đây cũng có thể ví như một nhóm dân tộc thiểu số, với những giá trị đặc sắc mà họ đem đến vậy. Chẳng như cặp vợ chồng Úc-Mỹ quản lý Sorrento Beach Club & Kite Centre, một khu nghỉ dưỡng kiêm câu lạc bộ lướt ván diều nơi chúng tôi nghỉ lại.

60649864_624109541333348_7292980143646048256_n.jpg

Nhân viên khu resort mini chia sẻ, nhờ lợi thế gió mạnh, từ tháng 11 đến tháng 3 mỗi năm, Sorrento chào đón rất nhiều du khách từ mọi miền thế giới đến tận hưởng niềm đam mê lướt ván diều. Vì đang là tháng 5 nên Mỹ Hòa không nhiều gió, và thú thật đã có lúc tôi thấy nghi ngờ về thứ đặc sản này của người Ninh Thuận. Nhưng càng rong ruổi, có một thứ đã khiến tôi bị thuyết phục, đó chính là hình ảnh những chiếc tuabin gió xa tít chân trời.

Tạm biệt khu resort bé xinh với mặt cỏ cắt khéo, chúng tôi lên xe về hướng Ga Tháp Chàm để bắt tàu trở về nhà. Chỉ chừng 6 tiếng nữa chúng tôi sẽ về lại với lối sống “chao đảo có tổ chức” nơi đô hội, nhưng có lẽ từ đây đến đó sẽ không qua lâu – ngày tôi trở lại Ninh Thuận, để lại được thưởng ngoạn “một Việt Nam rất khác”.

ANDY – TRANG AMI

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s