Art? Ực!

Một trong những thói quen tạo ảnh hưởng tích cực, diễn tiếp trong cuộc sống của mình cả đến khi đã du học về đó là đi bảo tàng. Có thông tin nước Pháp chính thức sở hữu 1240* bảo tàng, nhiều trong số đó được gắn “nhãn” Musée de France của Bộ Văn hóa, nhưng nếu rộng rãi định nghĩa bảo tàng như là nơi phô diễn các tác phẩm nghệ thuật ra công chúng thì con số này lên tới hàng ngàn, thậm chí chục ngàn – từ các bảo tàng tư nhân, quỹ, phòng trưng bày và cả các bộ sưu tập kín của các gia tộc mê tranh.

Tọa lạc tại xã Les Baux-de-Provence, miền nam nước Pháp, không gian triển lãm Carrières des Lumières là một trong những trải nghiệm thưởng tranh xưa nay hiếm của các tín đồ nghệ thuật toàn cầu. Đến đây, du khách đúng nghĩa được đắm mình trong một đêm tiệc của hội họa, với hiệu ứng tranh được phóng to trên 7000m2 tường đá bao quanh, trong tiếng nhạc nền được thiết kế riêng. Bản thân không gian triển lãm đã mang trong mình một lịch sử hơn 20 triệu năm, trải dài suốt quá trình hình thành từ hiện tượng canxi cacbonat trên cát đá vôi.

Thăm bảo tàng có thể đi hai mình, một mình, đi với gia đình, trong các kỳ nghỉ, nhân một cuộc triển lãm có hạn định, và nhất là khi có bạn bè từ xa đến – mong tận mắt ngắm những tác phẩm để đời của người nghệ sĩ có nơi này là chốn khai sinh, hay đơn giản chỉ để hít thở trong những bối cảnh bước từ tranh ra (làng Auvers-sur-Oise của Van Gogh, làng chài cổ Collioure trong tranh Henri Matisse, hay ao nhà trong khu vườn Giverny – nơi khởi nguồn các tác phẩm hoa súng của danh họa Claude Monet chẳng hạn).

Không hiếm khi người ta mua vé vào bảo tàng chỉ để ngắm cho thỏa một tác phẩm riêng có – trường hợp này đúng với bức “La Joconde” ở bảo tàng Louvre hay bức “Le Chêne de Flagey” – Gustave Courbet. Sau hơn thế kỷ lang bạt nước ngoài, bức “Le Chêne” đã trở về quê quán Ornans nhờ nỗ lực vận động gây quỹ của Ủy ban các cấp từ vùng đến xã. Giá bán khi đó là 4 triệu euros, quá nhiều so với ngân sách văn hóa tỉnh nhà. Thế là chiến dịch gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) được lăng-xê. Doanh nghiệp địa phương, những trái tim đồng hương mê tranh Courbet (cả những người mê tranh nói chung, không nhất thiết say đắm Courbet cho lắm), cho đến cả các cụ già nơi viện dưỡng lão đều đồng lòng chắt bóp ủng hộ – dẫu chỉ là 10 euros trích từ khoản trợ cấp an sinh ít ỏi. Không biết bao giờ mới bán vé cho đủ 4 triệu euros, nhưng ngày về của bức “Le Chêne”, ai nấy khấp khởi niềm vui đoàn tụ như chưa hề có cuộc chia ly với người thân năm cũ. Thành phố vỏn vẹn 4000 dân thôi à, nhưng lượt khách vào thăm năm đầu mở cửa gấp những 20 lần.

Đến bảo tàng không chỉ để trầm trồ những tác phẩm được dày công thu thập, bảo quản mà còn để lắng nghe bộc bạch và mối cảm tình nhân sinh của tác giả, từ đó soi chiếu tâm hồn, để rộng lòng hơn – đón chào những góc nhìn trái hệ về mọi điều, mọi người. Và hơn thế nữa – đi bảo tàng để “chạm va” với mức độ bận tâm của một thành phố dành cho hoạt động văn hóa, với giá trị kiến trúc nơi tòa nhà các tác phẩm trưng bày, với sự hóm hỉnh ẩn sau bài phát biểu khai mạc buổi véc-ni, với một trào lưu nghệ thuật tưởng đã ở lại bên kia dấu chấm, với cơn bĩ cực và những hồi thái lai của người họa sĩ, về nhân vật làm mẫu, về lí lẽ tác phẩm thành hình, về một mác giá mua tranh, về một góc nhìn ôm trọn góc phố, về một thế giới 7 ngày và lâu hơn*.

Baan Kang Wat, nơi tề tựu những tâm hồn nghệ sĩ nơi Chiang Mai, miền bắc Thái Lan

Không sợ nhàm chán quẩn quanh các chú dẫn dài thượt như được cắt dán từ sách giáo khoa, những bức ảnh trắng đen, vài ba chiếc mũ vải, đôi dép đứt quai hay mấy quả lựu đạn từng lập công giết 1, 2, 3 quân thù mà mọi người thường tự động liên tưởng khi nghe nhắc tới hai chữ “bảo tàng” đâu. Ở xứ người ta, lĩnh vực nào cũng có một cõi trời riêng: Mỹ thuật, Khoa học, Công nghệ, Lịch sử, Khảo cổ, Tự nhiên, Tôn giáo, Y khoa, Máy tính, Thời trang, Nhiếp ảnh… Có lần lật giở quyển cẩm nang các bảo tàng độc đáo ở Paris, thấy người ta còn rủ đi thăm Bảo tàng của những căn bệnh ngoài da. Siriraj Medical Museum nơi đất nước láng giềng (Bangkok, Thái Lan) được mệnh danh là bảo tàng của cái chết. Tổng thống Obama trong chuyến thăm Dakar, Senegal, không chọn nơi nào khác ngoài Ngôi nhà Nô lệ trên đảo Gorée – điểm giam giữ cuối cùng các nô lệ Phi châu trước khi lênh đênh vượt Đại Tây Dương, đến những chuỗi ngày không có nước lùi.

Ngọt ngào và mê đắm hơn có Bảo tàng kẹo Haribo, Bảo tàng chocolat, Bảo tàng rượu Absinthe, Bảo tàng nước hoa… Rồi thì Bảo tàng Xà cừ và Sừng ngà, Bảo tàng xe đạp, Bảo tàng Máy hát, Bảo tàng chợ phiên, Bảo tàng quạt giấy, Bảo tàng của… tín đồ thuốc lá. Đến cả những chiếc nắp cống cũng đòi phải có bảo tàng riêng, và tại sao lại không?

Trải nghiệm “khoái trá” của mình sau chuyến tham quan Bảo tàng rượu vang, Bordeaux với ly rượu Sauternes trứ danh.

Năm 1694, nước Pháp đánh dấu sự ra đời của bảo tàng công lập đầu tiên đúng nghĩa, và thật bất ngờ khi nó nằm ở thành phố nơi mình du học (Musée des beaux arts et d’archéologie de Besançon). Tất cả là nhờ công thầy dòng Boisot hào phóng đóng góp cho bảo tàng toàn bộ các bộ sưu tập và thư viện của ông, với điều kiện phải mở cửa 2 lần mỗi tuần cho công chúng…

Đến bảo tàng giờ đây, dễ bắt gặp cảnh ông bà cúi người vắn tắt cho cháu bài bình phẩm đọc được trong quyển tạp chí mĩ thuật, thỉnh thoảng lại thấy học trò túm tụm bàn luận tìm câu trả lời cho danh mục câu hỏi đã được giáo viên phát sẵn. Các bạn sinh viên học Art xem bảo tàng là ngôi nhà thứ 2 (họ vào ra không mất phí) có khi còn lắp giá vẽ, ngồi bệt trước một bức tranh nào đó ký họa, tìm tòi, say sưa phân tích… Và mình thích nhất nhìn những cặp đôi nắm tay nhau đứng trước một bức họa nào đó, tưởng cùng nhau mà không, họ đang mỗi người mỗi liên tưởng xa xăm, miết mải những suy nghĩ khó có thể giãi bày cho một người nào khác – bởi trên đời có ai vừa sống chung hồi ức Y, chuyện trò cùng nhân vật X hay ngắm cùng mình một khung cảnh Z.

Người ta đến Centre Georges-Pompidou không chỉ để xem triển lãm mà còn tự học, tìm mua sách hay tra cứu thông tin. Thầy giáo dạy lớp “chống sốc văn hóa” dặn là, nếu một hôm nào đó ở Paris, tò mò muốn lục lại những tờ báo xuất bản vào một ngày cụ thể (ngày sinh nhật chẳng hạn), thì có thể đến đây mà tra cứu.

Pompidou, chốn hò hẹn của những trái tim ái mộ nghệ thuật đương đại – mỗi bận đến Paris.

Vậy đó, có người còn rủ nhau đến Louvre để ngắm nhìn cung điện hoàng gia, bảo tàng Picasso đặng ngắm nghía dinh thự kiểu mẫu được xây dựng vào thế kỷ 18 giữa lòng khu Marais danh giá, đi Bảo tàng Orsay để tưởng tượng cảnh tấp nập tàu thuyền và các hoạt động sắm mua, chất chở hàng hóa trên ke – thuở nơi này còn có công năng của một nhà ga được xây dựng dịp Triển lãm thế giới 1900.

Tóm lại là quá nhiều lí do thú vị để khiến mình phải gạch đầu dòng trong sổ tay, nhất định ghé thăm ít nhất một bảo tàng trên hành trình dọc ngang thành phố. Đã luôn muốn chia sẻ một album, tổng hợp các bảo tàng, phòng tranh và những thông tin lý thú lượm lặt được trên hành trình “bảo tàng thơ ngây” của riêng mình. Giờ thì thành thật, hý hoáy chép ghi, tìm tòi và đăng bằng hết vào category “Ặc Art” nhé).

* Trong mục “Có bao nhiêu bảo tàng ở Pháp” trang 128, quyển “Les musées de France” (Presses Universitaires de France, 2015), tác giả cho rằng có đến 3000 bảo tàng ở Pháp, nhưng con số này có thể lên tới 10.000 nếu gộp cả phòng trưng bày vào chung hạng mục.

** Sách “Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật” là cuốn “nhật ký” chia sẻ tỉ mỉ những đánh giá và câu chuyện gặp gỡ của tác giả Sarah Thornton, trên hành trình bước vào thế giới nghệ thuật đương đại toàn cầu.

*** Ảnh mình chụp đôi bạn trên đường trở xuống từ Pompidou một ngày tháng 3 năm 2017. Thích quá, về bập bẹ viết thế này. Ước mong mọi người cũng vậy nha, sớm tìm được một nửa cùng mình lang thang khắp chốn, thưởng tranh. 🙂

Một buổi chiều.

Như mọi buổi chiều.

Tôi và em.

Khắp chốn.

Lang thang.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s