Trong bài viết “Hội An, nơi cả thế giới dừng chân”, mình đã từng thốt lên rằng: “Tôi đã rời những điều thân thuộc để tìm tới giữa lòng thế giới, để khi trở về thấy nhà mình là nơi cả thế giới muốn được cùng “nghỉ lại và ăn sáng”. Viết như vậy thật ra là có chút thiên vị với ngôi nhà đối mặt cánh đồng hợp tác xã của ba mẹ, nơi mẹ đã sống 5 năm hạnh phúc cuối đời. Tại vì, du khách đến Việt Nam thường không ai là không ghé Hội An, nhưng có những ngóc ngách khác trên dải đất hình chữ S vẫn thấy mình động lòng và vui sướng.
Nghĩa Lộ, nơi bác tài không nghĩ sẽ có người dừng chân nghỉ lại
Mình nhớ bác tài và cậu lơ xe đã rất ngạc nhiên khi mình báo điểm đến của mình trên chuyến xe Mỹ Đình-Than Uyên là Nghĩa Lộ. Chuyến đó, mình đi cùng cô bạn người Thụy Sĩ. Hai đứa đến nơi thì đã quá khuya, và chỉ trong vài ba cuộc gọi, ông Dậu đã cử cậu cháu lái taxi đến chở hai đứa về. Muốn đến ngôi nhà ấy chẳng phải Nghĩa Lộ có gì chơi, mà giản đơn thôi, vì đó là mái nhà mẹ đã từng đến và trở về với khấp khởi niềm vui. Động lực thứ hai có lẽ là những cuộc gọi ông Dậu đều đặn hỏi han, liệu xem con gái của cô Hoa có khỏe không những tháng liền sau ngày mẹ qua đời, không quên dặn ghé nhà ông chơi nhé.

Và nhà ông Dậu, bản Đêu, Nghĩa Lộ, Yên Bái là nơi mình nhận ra Tây Bắc chẳng thiếu cảnh đẹp, và đâu đó còn lắm chốn chưa thấy đề cập trong ấn phẩm Lonely Planet mới nhất mà Dalila mang theo.
Quý gia đình ông Dậu từ những cuộc điện thoại thăm hỏi, nhưng có đến đây nghỉ lại 2 đêm mới càng thấm thía lí do ba mẹ mình đã đến đây nhiều lần, mà vẫn hoài mong được tới lui.
Chiều nọ, bên bếp lửa lách tách, bác gái đang nhặt rau ngẩng lên bảo hai đứa mình “mai các cháu về bà nhớ lắm đấy”. Có lần vừa thức giấc, bác gái bận bịu ngắt bỏ mấy lá trà già vừa thấy mình đã ngoắc ngay lại hỏi, mẹ cháu làm sao mà mất, rồi bà liên hồi dụi mắt, kể: – “Cô Hoa tốt lắm, về đây lúc nào cũng vào nấu ăn với bà, cả nhà thương lắm. Nghe tin cô Hoa mất mà bà cứ khóc suốt thôi”. Mãi đến chiều hôm sau, bà mới ngoắc cháu lại dặn hai điều. Một là : – “ưng ai chỉ cần có cái bụng tốt, mặt mũi không đẹp cũng không sao”, và hai là cho mình xem tấm ảnh chụp cô con gái thứ 6 của bà mới qua đời năm ngoái. Bà nói, con gái bà ngày trước mỗi lần mẹ cháu về là hai chị em quý nhau lắm, cùng nhau nấu cơm, sửa soạn mọi thứ.

Ngay giây phút ấy, chợt nghĩ điều hay nhất mà mình đã làm trên hành trình cùng Dalila dọc ngang xứ Việt là đã dừng chân ghé lại gia đình người Thái trắng, khi mình tin rằng có lẽ giờ này ở bên kia núi, mẹ và chị đã gặp lại nhau rồi, và đang mỉm cười nhìn mọi người loay hoay – cùng nhau uống rượu và ăn tối.
Một lý do khách quan mình tin rằng nhà ông Dậu là điểm đến lý thú, đó là từ đây, chúng mình có thể khởi hành chuyến xe máy vượt đèo Kao Phạ chừng 100km để lên Mù Căng Chải, và trên quãng đường đó, nhớ dành một chút thời gian để ghé thăm Tú Lệ và La Pán Tẩn. Mình và Dalila trong lúc dạo chơi La Pán Tẩn đã được một người địa phương mời vào thăm nhà, khi ông còn nồng nặc mùi rượu, vai còn vác chiếc cuốc sau chuyến cấy về.
Tình trường tường trình
Nhớ đến Hà Giang, mình xúc động nhiều với hình ảnh cuối tuần mưa bay nơi góc chợ Đồng Văn. Khách du lịch ấm yên nơi góc quán, còn những người dân tộc lội bộ bao nhiêu cây số cứ thế co ro nép mình bên hiên nhà. Mình hỏi hai vợ chồng trú mưa nhà bên đã ăn gì chưa, họ bảo chưa có gì ăn, mưa quá, chắc không bán được. Hàng họ là vài ba quả dưa leo chắc hái từ vườn nhà. Cả tuần trông chợ để bán chỗ dưa kiếm 50.000vnd mua muối, vậy mà mưa.

Anh chồng tên Cham bảo một tuần mới có chợ một lần, bán được tiền sẽ mua muối về cho các con ăn với bột ngô. Mỗi tháng, họ cho phép mình một bữa ăn có thịt. Rủ anh chị sang quán uống cà phê chờ cho trời tạnh, họ lắc đầu liên tục, sợ đắt. Chỉ sang quán Phở ven đường hỏi hay là em mời anh chị ăn Phở nhé, Phở vừa no lại không đắt đâu. Anh chồng nói một câu làm mình muốn khóc.
– “Anh cũng chẳng biết bao nhiêu một tô vì chưa bao giờ được ăn”.
Phải đến khi mình gửi họ 200k và bảo anh chị ăn Phở đi, yên tâm, em nhiều tiền lắm, họ mới dám nhận và phá lên cười. Hai cô cháu mình đi mua thêm muối, sữa, bánh… cho họ, nhưng bao gạo 5kg quá nặng nên không tài nào cõng về được. Mình lội bộ trong mưa đi bán lại được thêm 100k. Họ rối rít mừng và cám ơn.
– “Nhà trường chỉ có thể cho trẻ em mỗi cháu 120k/năm hỗ trợ học phí, vậy mà anh chị cho em nhiều quá”. Andy bảo: – “Anh cứ nhận đi, bác Hồ mà ở đây thì cũng sẽ mua quà cho anh chị nhiều”.
Đến Mèo Vạc, mình may mắn có dịp nghỉ lại một homestay dễ thương do cô em gái học Luật vừa rời trường quản lý, say sưa chuẩn bị cho gia đình một bữa ăn tối thiệt ngon với xúc xích vùng cao. Giờ này trở lại, có lẽ em đã nhảy việc sang một nơi chốn khác. Phải rồi, em còn quá trẻ để trụ mãi một nơi, dẫu đẹp và yên bình, như thế.

Và nếu không có em chỉ dẫn, có lẽ mình chẳng biết tới ngôi nhà trình tường theo lối kiến trúc cổ của người Mông (loại nhà bằng đá ấy có cái tên thật khó đọc nhầm – mình khiến anh lái xe cười nắc nẻ khi gọi nhầm là “nhà tường trình”, may mà chưa đọc nhầm thành “tình trường”). Ở đó, mình đã có “một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ, ngày qua” (Một cõi đi về, Trịnh Công Sơn) với cốc nước gừng ấm vị, mãi nhớ. Có những chuyến đi như vậy, chẳng phải để nhớ nhớ quên quên một bóng hình (khi đó đi cùng chồng rồi còn nhớ ai nữa chừ :-P), mà chỉ để nhìn ngắm một dáng nhà, hưởng một chút se lạnh miền cao, và nhấm nháp chút cay của thức uống không phải hôm nào cũng có dịp gửi trao cuống họng.

Và ngôi làng Cơ Tu, hỏi dùm em gái câu chuyện “cái bao”
Việt Nam mình có quá nhiều cảnh đẹp, đến nỗi cậu bạn mình từng là biên tập viên tiếng Pháp của một tờ báo lớn, sống ở Việt Nam biết mấy tháng ngày, vẫn muốn thực hiện một chuyến hành trình bằng tàu lửa từ bắc chí nam. Paul nói có thể đó là những vùng đất đã từng đặt chân đến, nhưng cái cảm giác nhìn Việt Nam lướt qua cửa sổ tàu Thống nhất vẫn là một trải nghiệm rất khác.
Chợt nhớ chuyến tàu từ Nha Trang về ga Tháp Chàm, mình chuyện trò cùng một người chú làm nghề buôn quần jeans. Cao hứng, mình lôi cuốn tử vi mới mua khi sáng ở chợ Đầm ra đọc chú nghe về vận mệnh những ngày tháng tới. Toàn điều đáng mừng. Chú bảo: – “Nếu chú mà có con trai, chú gả con trai chú cho con rồi”. Thấy chưa, một chuyến tàu hai tiếng, thì ra vẫn đủ để người ta gửi trao những ý niệm, thật tâm và bộc phát.

Mẹ Hoa cũng như mình vậy, thích lân la hỏi chuyện những người Việt Nam bình dân trên khắp nẻo đường. Đến nỗi người bạn của gia đình, Daniel, ví von “Hoa là một chiếc chìa khóa vạn năng, đi du lịch đến đâu, chỉ cần mở miệng ra hỏi chuyện là có thể đưa chúng ta vào bất cứ ngôi nhà nào cũng được”. Trong vô vàn những nét tính cách đáng yêu của mẹ, có lẽ mình học được cái tính này.
Và đó cũng là nguồn cơn để mình được bé Nga, người dân tộc Cơ Tu ở làng Bơ Hôông, Đông Giang, Quảng Nam, tin tưởng mà trao gửi một thắc mắc không biết tỏ cùng ai.
Cô bé Cơ Tu năm ấy 18 tuổi, tay nách đứa con đã gần lên 2. Hồi đi học, em là lớp phó học tập. Hỏi tại sao lấy chồng sớm thế, tưởng câu trả lời sẽ là “tại em yêu”, nhưng không, bé bảo: – “Em cũng không biết nữa. Chắc là số phận”. Hỏi em có ân hận không sẽ là thừa thải, vì em đang rất hạnh phúc với những giờ phút cạnh con mỗi ngày (và chờ đón duyên đời đưa đẩy du khách gần xa nghỉ lại căn phòng homestay ọp ẹp, bám bụi nhà em).
Anh bạn Pháp hỏi em muốn con mình sẽ làm gì. Đáp: – “Công an”. – “Vì em từng muốn trở thành công an”, em bảo thế – nhưng bảo em đi học lại thì chỉ nguầy nguậy cái lắc đầu. Kiếm ra tiền để được đi học đã khó. Kiếm một đầu ra trong xã hội này càng chẳng dễ dàng.
Chuyện vào lời ra, em kể xóm em có một phụ nữ lớn tuổi rồi, nhưng vẫn có con. Nhiều người đã có cả trai lẫn gái mà vẫn mang bầu. Cũng chẳng tại họ thích đâu, mà vì họ không có tiền mua dụng cụ tránh thai.

Em thắc mắc: – “Tại sao trước năm 2017 thì thuốc và bao được Trung tâm y tế phát miễn phí. Giờ lại phải mua”. Hồn nhiên, em kể: – “Mỗi tháng em dùng đến hai hộp thuốc, mỗi hộp 20.000vnd thì tốn đến 40.000vnd rồi. Đắt như thứ tã em bé dùng một lần rồi vứt ấy, rất phí tiền”. Em hỏi tiếp: – “Có phải nhà nước muốn khuyến khích người dân sinh con không?”
Nhà nước quá cao xa diệu vợi để trả lời. Mình gọi ra Ba Đình. Nghe thật oách phải không, nhưng thực chất là gọi người bạn thân của gia đình, chuyên trách mảng Kế hoạch hoá gia đình và sức khoẻ sinh sản một quận ở Hà Nội. Giữa bao bận rộn, chị trả lời ngay là “Việc nhà nước xã hội hoá là có thật, vì từ 2017 Việt Nam đã không còn được xem là một nước nghèo, nên các nguồn viện trợ của các tổ chức quốc tế đã bị cắt giảm”. À, thì ra. “Và việc nhà nước có khuyến khích nhân dân sinh đẻ thì không, em giải thích hộ chị nhé”. Đấy, phải là rõ ràng như vậy. Phải là nguồn cơn minh bạch. Cô bé hiểu ngay. Mấy ai có thể dành thời gian tường tận giải thích như người chị Hà Nội. Em gái dân tộc Cơ Tu quẩn quanh góc nhà liệu biết hỏi ai những vấn đề như vậy? Và nếu có muốn hỏi, thì làm gì có thể tìm thấy trong danh bạ vài ba con số một ai đó để trình bày.
Nếu mà danh bạ em đã dài như triệu triệu con người thành phố, có lẽ câu hỏi đó đã chẳng tới đôi tai tầm thường.

Nghĩ thế nào lại thỏ thẻ hỏi em ngày nhận dụng cụ tránh thai có biết thế nào dùng, em có được ai đó hướng dẫn? Em lắc đầu, không, em hỏi các anh chị trong làng. Lại nhớ câu chuyện cô bạn Pháp kể đợt đi truyền thông dân số ở châu Phi, có lần nhận được thắc mắc không thể nhịn cười: – “Bao cao su mang khó vào, lâu lắc thế, thì “cái ấy” yểu xìu còn đâu”. Cười mãi, và cũng đau đáu mãi.
Và sau này, có dịp, mình đã vận động những người bạn đây đó dọc ngang thế giới ủng hộ tiền, quà để mang đến dân làng. Trong những phần quà ấy, tất nhiên, có bao cao su “xã hội hóa”, cho em.

Vậy đó, còn quá nhiều địa danh ở Việt Nam khiến trái tim mình mỉm cười mỗi bận nghĩ về, có lẽ hẹn lại cả nhà mình một hôm nào khác, chúng mình lại kể nhau nghe những câu chuyện không đầu không cuối.
Một chuyến đi thú vị !
ThíchThích